Cao Sao Vàng "rũ bùn đứng dậy"
Cao Sao Vàng đã được dùng ở Việt Nam cả thế kỷ. Nó chứa một loại dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam. Kích cỡ nhỏ nên dễ mang đi lại. Có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng và đau nhức cơ cổ, lưng”. Chính những dòng giới thiệu này đã khiến cho khách hàng của 2 website kinh doanh trực tuyến ở Mỹ là Amazon và eBay cảm thấy giá bán 2-3 USD/hộp cộng với giá vận chuyển 5 USD cho sản phẩm Cao Sao Vàng của Việt Nam là quá rẻ. Tại Việt Nam, sản phẩm này có giá chỉ hơn 2.000 đồng/hộp.
Bỗng dưng nổi tiếng
Theo con đường du lịch, Cao Sao Vàng được giới thiệu đến du khách nước ngoài và nhiều người đã mua mang về nước. Bỗng đầu năm 2014, sản phẩm này được đăng bán trên 2 website nổi tiếng với mức giá cao hơn tại Việt Nam tới gần 30 lần.
Một điều khá thú vị là Cao Sao Vàng sau đó lại còn được đánh giá là sản phẩm 5 sao (mức tốt nhất khách hàng có thể đánh giá) và luôn ở trong tình trạng bán rất chạy, thậm chí là cháy hàng. Lý do mà hầu hết khách hàng đưa ra là vì sản phẩm nhỏ dễ mang theo, công dụng chữa bệnh tốt. Một số khách hàng trẻ tuổi tại Nga, Đức còn mua Cao Sao Vàng vì ông bà họ đã dùng sản phẩm này từ hơn 30 năm.
Hiện nay, rất ít công ty dược còn sản xuất Cao Sao Vàng, ngoài một số đơn vị như Công ty Dược phẩm Trung ương 3, Công ty OPC hay Công ty Danapha. Sản phẩm này được tiêu thụ nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và còn được Công ty Danapha đóng bao bì tiếng nước ngoài để xuất khẩu sang Nga, Đức...
Tại Việt Nam, sau khi Cao Sao Vàng liên tục cháy hàng trên các website ngoại, một số trang kinh doanh trực tuyến trong nước cũng ồ ạt rao bán sản phẩm này với giá cao gấp đôi. Ví dụ, trang Cungmua.com bán Cao Sao Vàng với giá, sau khi giảm 44%, vẫn còn ở mức 45.000 đồng/10 hộp.
Việc Cao Sao Vàng bỗng nổi tiếng cũng khiến Công ty Dược phẩm Trung ương 3 quyết định đưa sản phẩm này theo sát các chương trình du lịch. “Đây là cách tốt để tiếp cận một lượng lớn khách nước ngoài muốn mua sản phẩm về làm quà”, đại diện Công ty chia sẻ.
Vực dậy thương hiệu
Cao Sao Vàng thuộc loại dầu cù là, vốn là một dược phẩm được sử dụng phổ biến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, sản phẩm này còn phát triển mạnh mẽ hơn sau khi miền Bắc xây dựng lại hệ thống y tế và đẩy mạnh sản xuất thuốc sẵn có trong nước.
Vốn thông dụng từ lâu, nên dầu cù là trở thành một trong những sản phẩm sớm được nghiên cứu đưa vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, sau thời gian dài thử nghiệm, mãi đến năm 1968-1969, sản phẩm này mới thành công và có thể sử dụng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau với tên gọi là Cao Sao Vàng.
Từ khi được đưa vào sản xuất hàng loạt, Cao Sao Vàng được sử dụng rộng rãi ở miền Bắc. Du học sinh hoặc cán bộ công tác nước ngoài những năm sau giải phóng luôn mang theo Cao Sao Vàng để sử dụng. Sản phẩm này vì thế mà được người dân Đông Âu thời kỳ đó biết đến và bắt đầu được xuất khẩu.
Sau năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng được xuất khẩu sang Liên Xô. Sản phẩm được giao cho 5 xí nghiệp dược sản xuất, gồm Xí nghiệp Dược phẩm 3 (Hải Phòng), Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng, Xí nghiệp Dược phẩm 2.9 (TP.HCM) và Xí nghiệp Dược phẩm 26.
Thời đó, nhu cầu tiêu thụ Cao Sao Vàng là rất cao. Riêng Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng đã được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10-5 triệu hộp. Năm 1983, chỉ tiêu này được nâng lên 20 triệu hộp. Từng có lúc doanh thu từ Cao Sao Vàng chiếm 60-70% doanh thu Công ty. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã năm 1986, xí nghiệp này chỉ còn sản xuất 4 triệu hộp.
Sau thời điểm trên, việc xuất khẩu Cao Sao Vàng hoàn toàn bị chấm dứt. Sản lượng tiêu thụ của Cao Sao Vàng vì thế cũng sụt giảm. Dù vẫn có nhiều doanh nghiệp đăng ký sản xuất Cao Sao Vàng, nhưng ít đơn vị giữ được sản lượng ổn định. Ngoài thị trường trong nước, các doanh nghiệp này vẫn tìm cách tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
Trong số những doanh nghiệp kiên trì với Cao Sao Vàng có Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng. Công ty này vẫn kiên trì đẩy mạnh sản phẩm ở miền Bắc và miền Trung, lượng bán thông thường 400.000-500.000 hộp/tháng. Nhờ chất lượng đảm bảo và ổn định, giá lại cạnh tranh nên việc sản xuất được Công ty duy trì, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lại bị thu hẹp thị phần.
Về mặt xuất khẩu, khoảng đầu những năm 1990, mỗi năm Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ xuất được vài container Cao Sao Vàng cho một số khách hàng ở Nga. Từ năm 1997, một doanh nghiệp của người Việt tại Nga đã thương thảo với Công ty để phân phối Cao Sao Vàng tại Nga và các nước lân cận, tối thiểu 7 triệu hộp/năm. Sự hợp tác này kéo dài cho đến nay, dù sản phẩm này không còn được nhiều người sử dụng ở trong nước.
Sau thời gian dài trầm lắng, Cao Sao Vàng lại được nhắc tới khi trở thành mặt hàng bán chạy trên mạng. Chính những website bán lẻ trực tuyến nước ngoài đã giúp thay đổi số phận của Cao Sao Vàng, từ một sản phẩm dần bị quên lãng với mức giá rẻ mạt trở thành một sản phẩm bán chạy, giá lại cao.
Rõ ràng, đây cũng là bài học thú vị cho người làm thương hiệu. Chỉ cần một bước đi thông minh, chắc chắn nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam cũng có thể được thế giới biết đến và bán được với giá cao
Nguồn NCDT