Mô hình trả lương theo yêu cầu giải quyết áp lực cho người lao động trước những khó khăn tài chính.
Trả lương theo yêu cầu: Nhiều phúc lợi cho nhân viên, áp lực cho doanh nghiệp
Được nhìn nhận mang đến nhiều lợi ích, hình thức trả lương theo yêu cầu (on-demand pay) ngày càng được người lao động đánh giá cao bởi sự linh hoạt và tiện lợi của mô hình này. Tuy nhiên, để triển khai việc trả lương theo yêu cầu, doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức.
Người lao động yên tâm “vượt bão" tài chính
Sức khỏe tài chính là một trong ba trụ cột người lao động đặc biệt quan tâm kể từ sau đại dịch. Trên thực tế, sự đảm bảo về mặt tài chính là điều kiện “cần" của người lao động, bên cạnh các điều kiện “đủ" khác để xác định việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc các chính sách và phúc lợi tại nơi làm việc, và một thay đổi cơ bản là tập trung giải quyết vấn đề tài chính. Một trong những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tài chính đang được lãnh đạo lẫn người lao động quan tâm là trả lương theo yêu cầu (On-demand pay), cho phép nhân viên được nhận lương trước chu kỳ trả lương hai đến ba tuần.
Một số ông lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình trả lương này, nổi bật như PayPal và Walmart. Trong đó, Walmart cho phép 500.000 nhân viên của mình có thể đăng ký nhận lương trước kỳ hạn lương cố định. Tại Mỹ, mô hình này cũng không còn xa lạ bởi người lao động đang phải chạy đua với lạm phát, sự gia tăng chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ và các trường hợp khẩn cấp. Theo Federal Reserve, 40% người Mỹ không thể xử lý khoản chi phí bất ngờ hơn 400 USD mà không có thẻ tín dụng, và chỉ có 4/10 người có thể chi trả khoản phí bất ngờ từ 1.000 USD. Khi chu kỳ trả lương tiêu chuẩn không thể giúp họ xoay sở các hoá đơn, thì việc được thanh toán lương theo yêu cầu một cách linh hoạt sẽ là “cứu cánh" cho các vấn đề tài chính.
Nhận định về xu hướng trả lương theo yêu cầu, ông Jack Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc của Talentnet nhận định: “Mô hình trả lương theo yêu cầu đang là xu thế tất yếu khi người lao động quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tài chính.Tại Việt Nam, 2 năm đại dịch cũng tạo nên các đứt gãy trong tài chính khi nguồn thu nhập bấp bênh, nhưng người lao động phải giải quyết nhiều chi phí phát sinh cho sức khoẻ, đầu tư thiết bị làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, tỉ lệ nợ xấu vay tiêu dùng tăng cao cũng tạo áp lực lên người lao động và đòi hỏi doanh nghiệp có cách chi trả lương mới để hỗ trợ. Tuy nhiên, trả lương theo yêu cầu cũng sẽ tạo thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Dòng tiền bị ảnh hưởng, áp lực lên cơ chế vận hành của HR là những điều cần phải giải quyết".
Ba bước “giảm sốc" cho HR khi áp dụng trả lương theo yêu cầu
Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu ADP, có đến 60% người lao động cho hay, quy trình trả lương theo yêu cầu là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn công việc của họ.
Tuy vậy, theo ông Jack Nguyễn, hiện tại quy trình trả lương tại Việt Nam vẫn đang vận hành theo cách truyền thống. “Quy trình trả lương truyền thống vốn đã gây áp lực không nhỏ đến bộ phận nhân sự, kế toán. Nếu muốn áp dụng mô hình mới như trả lương theo yêu cầu, doanh nghiệp cũng dễ rơi vào tình thế “khó chồng khó". Để gỡ rối cho doanh nghiệp, tăng phúc lợi cho người lao động, lãnh đạo nên chuẩn bị các bước “giảm sốc" cần thiết trước khi triển khai mô hình tính lương theo yêu cầu”.
Ông Jack chia sẻ, có thể tham khảo 3 bước “giảm sốc" cho doanh nghiệp khi áp dụng trả lương theo yêu cầu: Xác định nhu cầu - Cung cấp công cụ - Mượn nguồn trợ lực
Xác định nhu cầu:
Cần xác định tình trạng tài chính của doanh nghiệp để quyết định áp dụng mức lương trả theo yêu cầu. Phòng nhân sự có thể xem xét các vấn đề như giới hạn số tiền lương mà nhân viên có thể được yêu cầu nhận trước. Trong một số trường hợp, người lao động và doanh nghiệp có thể thương thảo về mức trợ cấp một phần hay toàn bộ số lương. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ khả năng tài chính để có thể duy trì việc trả lương theo yêu cầu, có thể linh hoạt áp dụng hình thức ứng lương khi người lao động có lý do chính đáng.
Cung cấp công cụ:
Hầu hết doanh nghiệp đều có công thức và cách quản lý bảng lương khác nhau, phụ thuộc vào các thuật toán riêng và người quản lý bảng lương. Tuy nhiên, nhu cầu lương thưởng và phúc lợi liên tục được cập nhật dễ khiến HR đau đầu điều chỉnh. Vì vậy, để một mô hình tính lương mới như trả lương theo yêu cầu được phổ cập rộng rãi, doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ để xây dựng quy trình tính lương mới, nhanh chóng và rõ ràng, minh bạch. Hiện tại, cũng đã có nhiều nhà cung cấp ứng dụng tính lương và sẵn sàng cập nhật nhu cầu trả lương theo yêu cầu từ doanh nghiệp bằng các thuật toán chính xác. Điều này góp phần giảm tải khối lượng công việc lên bộ phận Nhân sự, tài chính.
Mượn nguồn trợ lực:
Hơn ai hết, phòng nhân sự chính là người chịu nhiều áp lực khi chuyển đổi mô hình tính lương. Vì vậy, doanh nghiệp có thể nhờ đến nguồn trợ lực từ dịch vụ thuê ngoài tính lương để tiết kiệm thời gian và sức lực, giảm tải lượng công việc, cũng như hạn chế sai sót dây chuyền của việc tính lương nội bộ. Thay vì phải phân tán nguồn lực cho việc tổng hợp, quyết toán và kiểm soát lương, bộ phận thuê ngoài tính lương sẽ hệ thống hoá việc tạm ứng lương của nhân sự, nguồn tiền đã sử dụng… để HR dễ dàng trích xuất dữ liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình hệ thống hoá bảng lương, bộ phận thuê ngoài tính lương cũng có thể tư vấn cho doanh nghiệp cách áp dụng, quản lý dòng tiền một cách hợp lý. Khối lượng công việc được giảm tải, phòng nhân sự có thể tập trung vào những chiến lược đảm bảo lợi ích chung cho người lao động.
Cũng không thể không kể đến việc cập nhật quy định pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình lương thưởng. Các chuyên gia từ dịch vụ thuê ngoài tính lương có thể đồng hành cùng lãnh đạo để cập nhật, bổ sung các chính sách theo Luật lao động vào các kỳ lương theo yêu cầu.
Trợ lực từ nguồn lực Thuê ngoài tính lương là giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết thế khó về nguồn lực từ đội ngũ HR nội bộ. |
Theo ông Jack Nguyễn, thuê ngoài tính lương là nguồn trợ lực kịp thời để doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian để xây dựng một chế độ lương, thưởng phù hợp hơn với nhu cầu của người lao động. “Nhưng hơn hết, doanh nghiệp cần xác định mô hình lương thưởng thay đổi phải dựa trên việc cung cấp sự an tâm tài chính cho người lao động. Và các công cụ chăm sóc sức khỏe tài chính như trả lương theo yêu cầu, chính sách lương, thưởng… là cách để doanh nghiệp khẳng định sự quan tâm với nhân viên, tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp" – ông Jack chia sẻ.