Ông Phạm Công Tấn, Tân Giám đốc Nhà máy Schneider Electric Việt Nam.

 
Hoàng Kim Thứ Hai | 15/07/2024 17:00

Tân Giám đốc giải mã bí quyết thành công đưa Nhà máy Schneider Electric Việt Nam lội ngược dòng vươn lên Top 1 toàn cầu

Phát triển bền vững, từ con người đến môi trường, là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của Schneider Electric Việt Nam.

Nhà máy tại Việt Nam đang là “ngôi sao" trong hệ thống sản xuất của Schneider Electric, Tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về chuyển đổi số quản lý năng lượng và tự động hóa khi đứng số một về điểm số đánh giá nội bộ. Phát triển bền vững, từ con người đến môi trường, là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công nói trên của đội ngũ hơn 600 nhân sự tại nhà máy Schneider Electric Việt Nam. Vừa qua, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Phạm Công Tấn, Tân Giám đốc nhà máy Schneider Electric Việt Nam.

Đặt con người vào vị trí trung tâm

Nhìn lại chặng đường 5 năm tại Schneider Electric Việt Nam trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy, đâu là bước ngoặt khiến ông tự hào nhất?

Năm 2021, Phòng Quản lý Chất lượng của nhà máy Schneider Electric Việt Nam đã trải qua một số thay đổi lớn trong cơ cấu nhân sự. Yêu cầu cấp bách lúc đó là phải tìm ra người thích hợp để dẫn dắt đội ngũ. Ngay sau đó, lãnh đạo đề nghị tôi đảm nhận vị trí còn trống sau khi thực hiện một số nỗ lực điều chỉnh đáng kể. Dù quản lý chất lượng không phải là sở trường của tôi khi đó, nhưng sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng tôi đã chấp nhận thử thách vì hiểu rằng công ty đang rất cần mình. 

Bằng văn hóa trao quyền ở Schneider Electric, Giám đốc đương nhiệm khi đó đã tin tưởng giao cho tôi quyền cải thiện sự phối hợp giữa các bộ phận, gắn kết đội ngũ và tái cấu trúc toàn bộ quy trình và văn hóa của bộ phận Chất lượng. Từ đó, với đội ngũ và văn hóa mới, tập thể đã gặt hái nhiều thành công trong nhà máy, khu vực và cả toàn cầu thông qua dự án chuyển đổi chất lượng, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý chất lượng. Đặc biệt, nhóm của tôi còn được công nhận là "Tập thể gắn kết nhất" trong cộng đồng Chất lượng và "Nhóm đóng góp nhiều ý tưởng hiệu quả nhất."

Ông chuẩn bị những gì để cùng đội ngũ “lội ngược dòng” đưa nhà máy Schneider Electric vượt lên Top 1 toàn cầu và tiếp tục tạo ra thêm nhiều thành công hơn trên vai trò giám đốc nhà máy?

Với tôi, dù ở vị trí nào, đam mê lớn nhất luôn là phát triển và giúp đỡ cộng sự trong cộng đồng của mình. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục con đường đã chọn: hỗ trợ và nâng tầm đội ngũ. Sự khác biệt giữa vị trí trưởng bộ phận và giám đốc với tôi đơn thuần là sự chuyển đổi từ quản lý sang quản trị, sử dụng một nguồn lực lớn hơn để đạt được mục tiêu của tổ chức. Trước đây, tôi chỉ quản lý nhóm của mình, còn bây giờ, tôi có thêm cơ hội áp dụng những chiến lược và vận dụng những điểm mạnh về con người và văn hóa sở tại để chinh phục những mục tiêu lớn hơn. 

Từ ngày đầu tiên làm việc tại Schneider Electric, tôi đã xác định rằng muốn thành công thì phải có một đội ngũ mạnh mẽ đi cùng. Tôi luôn nói rõ quan điểm với mọi người từ quản lý, kỹ sư đến các anh chị em trực tiếp sản xuất rằng tại Schneider Electric, mọi thứ đều công bằng và cân bằng cho tất cả. Chúng ta chỉ khác nhau về bảng mô tả công việc. Vì vậy, tôi rất hiếm khi phải dùng quyền lực cứng, mà dùng sức ảnh hưởng để thuyết phục đội ngũ. Nếu muốn người khác làm việc gì, tôi phải là người tiên phong làm trước – lãnh đạo bằng sự ảnh hưởng.

Tôi cũng đề cao việc thấu hiểu con người và đồng cảm. Mỗi tuần, tôi gặp trực tiếp các cộng sự ít nhất 30 phút để lắng nghe vấn đề của họ từ cuộc sống cá nhân đến công việc, sẵn sàng tư vấn và khai vấn nếu cần thiết. Chỉ khi có tâm lý ổn định, họ mới có thể tập trung cho công việc và phát huy tối đa năng lực bẩm sinh của họ. 

Đây cũng là yêu cầu của tôi đối với các trưởng bộ phận trong toàn công ty. Họ phải thường xuyên trò chuyện trực tiếp 1-1 với thành viên trong bộ phận và các bạn đồng cấp để thật sự thấu hiểu những người đang làm việc hàng ngày với mình. Các trưởng bộ phận cũng phải sẵn sàng đóng vai trò người khai vấn khi phát sinh nhu cầu từ đội ngũ. 

Hơn nữa, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ được coi là một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi nhằm phát triển nguồn nhân lực bền vững. Công nhân tại nhà máy cũng được thiết kế một lộ trình phát triển kỹ năng thông qua cách tiếp cận được gọi là 3E: Giáo dục (Education), Kinh nghiệm (Experience) và Trải nghiệm (Exposure). Tại nhà máy Schneider Electric Việt Nam, cả nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy đều được trao quyền trong các quyết định, khuyến khích sáng kiến mới, chấp nhận sai lầm và biến sai lầm thành cơ hội để phát triển tốt hơn. Mục tiêu của tôi là tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc nhất có thể. 

DNA của Công ty bền vững nhất thế giới

Ông Phạm Công Tấn chia sẻ ông cùng đội ngũ nhà máy  Schneider Electric Việt Nam đang hướng đến đạt mục tiêu trung hòa CO2 vào 2025.
Ông Phạm Công Tấn chia sẻ ông cùng đội ngũ nhà máy Schneider Electric Việt Nam đang hướng đến đạt mục tiêu trung hòa CO2 vào 2025.

Được biết Schneider Electric được vinh danh là Công ty bền vững nhất thế giới, theo đó, những mục tiêu ông đặt ra trong nhiệm kỳ sắp tới của mình là gì?

Schneider Electric là một trong những tập đoàn đi đầu toàn cầu về phát triển bền vững. Và nhà máy Việt Nam cũng tự đặt mục tiêu đi tiên phong trong bức tranh chung của tập đoàn.

Năm 2025, chúng tôi dự kiến đạt mục tiêu trung hoà CO2 bằng nhiều giải pháp: tối ưu hoá hệ thống năng lượng, tăng sử dụng điện tái tạo, chuyển đổi các phương tiện vận chuyển hàng hoá, nhân viên sang xe điện, trồng thêm cây xanh, kết hợp chuyên gia cải tiến công nghệ xử lý chất thải, v.v

Vốn là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nên chúng tôi có nhiều thuận lợi để sớm hoàn thành kế hoạch net-zero. Tuy nhiên, với vai trò của một doanh nghiệp lớn, Schneider Electric còn có nhiệm vụ hỗ trợ các đối tác, nhà cung ứng trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình cùng chuyển đổi xanh. Quá trình này có thể dài hơn, vì không phải ai cũng có đủ nguồn lực cần thiết, nhưng chúng tôi sẽ cùng đi với họ để đến đích: mỗi sản phẩm của Schneider Electric khi xuất xưởng sẽ không tạo ra CO2 – đó là tôn chỉ cho một tương lai bền vững. 

Các hành động này đều yêu cầu đầu tư tài chính, dẫn đến việc giá thành của mỗi sản phẩm sẽ tăng lên nếu chúng tôi không đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Vì vậy, cùng với việc phát triển bền vững, nhà máy cũng phải cải tiến, đổi mới sáng tạo không ngừng để có thể cạnh tranh với các cơ sở khác của Schneider Electric trong khu vực, và cả những thương hiệu khác trên thị trường.

Mục tiêu của tôi là sản phẩm vừa phải xanh (bảo vệ môi trường), có giá thành phù hợp và thỏa mãn yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất. Khi đó, nhà máy mới thật sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả khách hàng, đối tác và hàng trăm, hàng nghìn người lao động của chính chúng tôi. 

Vậy ông và đội ngũ đã có kế hoạch gì để tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy Schneider Electric Việt Nam?

Cách đây hai tuần, chúng tôi vừa tổ chức thành công một hội thảo nội bộ, tổng hợp được 55 ý tưởng có thể tiết kiệm 1,2 triệu Euro cho 9 loại mặt hàng hiện tại trong vòng 1 năm. Chúng tôi đích thân mời các lãnh đạo, chuyên gia của Schneider Electric từ Singapore, Trung Quốc đến Việt Nam để hỗ trợ cho hội thảo đạt được thành công.

Với kinh nghiệm dày dặn và kiến thức thiết kế sản phẩm, họ giúp chúng tôi biết các sáng kiến có khả thi hay không ngay lập tức, rút ngắn đáng kể quá trình thử và sai. Ngay sau đó, chúng tôi đã bắt đầu triển khai những ý tưởng đầu tiên, và kỳ vọng kết quả sẽ đến sau 6 tháng nữa.  

Mục tiêu của tôi là tổ chức những hội thảo như vậy định kỳ 6 tháng một lần. Và đây chỉ là một ví dụ trong hàng loạt các cải tiến liên tục của công ty hiện nay để Schneider Electric Việt Nam duy trì sự đổi mới sáng tạo nhằm đạt những thành quả cao hơn.

Schneider Electric Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng KHÔNG vào năm 2050
Schneider Electric Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng KHÔNG vào năm 2050

Từ đây, đội ngũ nhà máy Schneider Electric Việt Nam sẽ đóng góp vào sáu cam kết dài hạn bao gồm tất cả các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như mức độ trung hòa carbon vào năm 2025, tiến tới phát thải ròng bằng KHÔNG vào năm 2050, thúc đẩy nỗ lực của Schneider Electric trong việc chống biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và hiện thực hóa các cam kết địa phương.

Trong tầm nhìn dài hạn của ông, nhà máy Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong hệ thống sản xuất toàn cầu của Schneider Electric?

Hiện tại, nhà máy Việt Nam đã là một trong những cơ sở sản xuất được tập đoàn đánh giá cao nhất trên toàn cầu ở lĩnh vực sản xuất công tắc, ổ cắm. Nhiều lãnh đạo nhà máy ở châu Âu và châu Mỹ thường xuyên nhờ chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số để họ cải tiến cho nhà máy của họ.  

Chúng tôi muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm về công tắc, ổ cắm cho toàn bộ vùng châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược của Schneider Electric. Ngoài việc tập trung vào sản xuất và cải tiến, chúng tôi còn kỳ vọng nâng cao vị thế của kỹ sư Việt Nam, giúp họ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp nhiều hơn trong công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!