Ông Roel van Neerbos, Chủ tịch ngành hàng F&B của FrieslandCampina.

 
Hoàng Kim Thứ Sáu | 20/05/2022 20:00

Chủ tịch ngành hàng F&B, Tập đoàn FrieslandCampina: Phát triển bền vững giúp chúng tôi tăng trưởng không ngừng

Đối với FrieslandCampina, khái niệm bền vững không chỉ bó hẹp ở câu chuyện môi trường, giảm rác thải hay khí thải CO2 mà còn là phục vụ con người.

Đối với ông Roelvan Neerbos, Chủ tịch ngành hàng F&B của FrieslandCampina, khái niệm phát triển bền vững không bó hẹp ở câu chuyện bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng nhằm cung cấp dinh dưỡng chất lượng cao, hợp với thu nhập của mọi đối tượng và phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tăng trưởng lâu bền.

Năm 2021 – 2022, FrieslandCampina kỷ niệm 150 năm thành lập, ông chia sẻ về cột mốc quan trọng này của tập đoàn?

FrieslandCampina là một trong những tập đoàn sữa lớn  nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Điều tôi tự hào nhất là lịch sử 150 năm của chúng tôi được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy, xuất phát từ mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với các hộ nông dân nuôi bò, với các đối tác kinh doanh và với người tiêu dùng. Chúng tôi tin tưởng rằng những mối quan hệ hợp tác này chính là yếu tố giúp chúng tôi có thể đi xa hơn và trở nên mạnh mẽ hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần đặt nền móng cho các thế hệ tương lai, đó chính là cùng hợp tác trên nền tảng phát triển bền vững.

Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của phát triển bền vững đối với quá trình 150 năm phát triển của Tập đoàn?

Sứ mệnh của tập đoàn chúng tôi là Nuôi dưỡng - Nourishing by Nature, đó chính là bản chất của chúng tôi. Sứ mệnh đó xuất phát từ thế mạnh 150 năm kinh nghiệm, với năng lực cốt lõi là bảo đảm mang nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho toàn thế giới và mong muốn được chăm sóc cho hành tinh của chúng ta; cho người tiêu dùng và cho mọi thành viên của Tập đoàn, giúp mang đến một cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn.

Phát triển bền vững có vai trò quan trọng không chỉ với FrieslandCampina mà cả thế giới nói chung, bao hàm cả nhu cầu phát triển con người, cải thiện chất lượng sống, trong đó dinh dưỡng và giáo dục là 2 thành tố quan trọng.

 

Vì vậy, với tập đoàn chúng tôi, khái niệm bền vững không chỉ bó hẹp ở câu chuyện môi trường, giảm rác thải hay khí thải CO2 mà quan trọng nữa là phục vụ con người.

FrieslandCampina áp dụng chiến lược bền vững trong sản xuất sữa như thế nào?

Là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp sữa và các nguyên liệu từ sữa, chúng tôi có sứ mệnh dẫn dắt ngành công nghiệp này trong hành trình phát triển bền vững. Tại sao chúng tôi lại tự tin về điều này? Đó là vì FrieslandCampina sở hữu một chuỗi sản xuất khép kín, nói theo nghĩa đen là "từ đồng cỏ đến ly sữa". Chúng tôi kiểm soát nguồn thức ăn của bò sữa, góp phần giảm thiểu lượng khí thải CO2, tăng cường đa sinh học, tăng sản lượng và chất lượng sữa... Những thay đổi nhỏ này tạo nên thay đổi lớn trong chuỗi sản xuất.

Ở khâu cuối cùng - vấn đề rác thải cũng được phân loại, tái chế, hoặc xử lý qua các quy trình phù hợp để không gây tác động đến môi trường, điển hình là 2 nhà máy tại Việt Nam chúng tôi đã tiến đến 100% không rác thải chôn lấp. Những thay đổi của FrieslandCampina diễn ra trên phạm vi toàn cầu với giải pháp phù hợp cho từng quốc gia, nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực nhất cho môi trường.

Chiến lược phát triển bền vững có được ưu tiên trong việc hợp tác với các đối tác địa phương không?

Mối quan hệ bền chặt với nông dân địa phương chính là DNA làm nên chuẩn Hà Lan của FrieslandCampina. Hơn 25 năm đồng hành và phát triển tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang thực hiện chương trình phát triển ngành sữa trên toàn quốc. Chúng tôi giúp nông dân Việt Nam bằng cách mời nông dân Hà Lan đến tận nơi để hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, chuyến giao "know-how" để có được nguồn sữa có chất lượng cao, được sản xuất theo phương thức bền vững chuẩn Hà Lan.

 

Chúng tôi tự hào là tập đoàn đầu tiên xây dựng Chương trình Phát triển Bò sữa (DDP) ngay khi đặt chân tới Việt Nam và đến nay đã có hơn 8.500 hộ nông dân tham gia chương trình với 12.000 lượt đào tạo mỗi năm. Nhờ mối quan hệ hợp tác đó, người tiêu dùng có thể mua sữa chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu địa phương và cuộc sống của nông dân địa phương cũng được cải thiện hơn, người nông dân sẽ chuyên tâm tạo ra nguồn sữa nguyên liệu tốt hơn để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.

Chiến lược phát triển bền vững đóng góp như thế nào vào thành công trong 26 năm qua tại thị trường Việt Nam và làm thế nào để FrieslandCampina duy trì vị thế dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Tôi muốn nhắc lại bền vững không dừng ở vấn đề môi trường. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc thì ngay từ 4 mục tiêu đầu tiên và trước hết là liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và giáo dục. Cá nhân tôi muốn trẻ em phải đủ dinh dưỡng khi đến trường mỗi sáng, có như vậy các em mới đủ sức học tập, vui chơi.

Qua chương trình hợp tác chiến lược dài hạn của nhãn hàng Cô gái Hà Lan với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, sẽ có 1,5 triệu học sinh tiểu học được giáo dục dinh dưỡng và phát triển thể chất trong 5 năm. Đó là một cam kết dài hạn mà chúng tôi rất tự hào.

 

Nói về cạnh tranh, đây là điều tất yếu ở mọi thị trường. Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều thương hiệu mạnh với các hoạt động kinh doanh rất sôi động. Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở việc chú tâm đến khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm thay vì e dè đối thủ cạnh tranh. Có người chọn sản phẩm chúng tôi vì thân thiện môi trường, có người thiên về yếu tố dinh dưỡng. FrieslandCampina có trách nhiệm đáp ứng mọi nhu cầu của họ.

Bước đi  táo bạo nhất của FrieslandCampina chính là việc tung ra dòng sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng mới. Đây được xem như một sáng kiến mới mang tính toàn cầu mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên ra mắt dòng sản phẩm này và chúng tôi đã gặt hái được thành công bước đầu với những phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng.

Ông có ấn tượng gì cũng như nhận định gì về thị trường? Và thị trường Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong sự nhìn nhận của Tập đoàn?

Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần và trở lại sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19. Dù đang chịu ảnh hưởng sau đại dịch nhưng tôi vô cùng hạnh phúc khi được nhìn thấy rất nhiều thay đổi, rất nhiều sự nâng cấp về cơ sở hạ tầng và mọi hoạt động cũng đã sôi nổi trở lại.

 

Việt Nam là một thị trường quan trọng, nếu trước đây thế giới hay nói đến các nước BRICS thì ngày nay chúng ta nói đến các nước VIP - Việt Nam, Indonesia, Philippines. Trong 130 thị trường trên toàn cầu, chúng tôi tin tưởng vào Việt Nam vì Việt Nam là một nước phát triển nhanh, tỉ lệ dân số tại khu vực nông thôn cao. Với 70% số dân nằm ở vùng ven và nông thôn, thị trường Việt Nam không chỉ có tiềm năng về phát triển kinh tế mà còn có nhu cầu cao về dinh dưỡng.

Chúng tôi có thể cống hiến ở thị trường này bằng việc cung cấp một nguồn dinh dưỡng chuẩn Hà Lan, phù hợp với thu nhập của mọi tầng lớp người tiêu dùng, giúp moi người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng tốt, để đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam, vì một Việt Nam vươn cao, vượt trội.