Văn phòng trong mơ
Nhiều công ty trên thế giới chi rất nhiều tiền để thiết kế văn phòng làm việc, lấy nhân viên làm trung tâm để tạo ra môi trường làm việc độc đáo, thu hút lao động chất lượng cao. Chiến lược này giúp nhiều công ty giàu lên khi năng suất lao động của nhân viên tăng đáng kể.
Đầy đủ tiện nghi
Google nổi tiếng là một nơi làm việc đáng mơ ước của nhiều người vì khả năng được tuyển dụng vào đây còn khó hơn vào Đại học Harvard khoảng 10 lần. Các văn phòng làm việc của Google trên thế giới rất đặc biệt. Không chỉ có phòng tập thể dục, không gian để chơi bóng rổ, Google còn mang đến cho nhân viên cầu trượt trong nhà hay một không gian để hát karaoke và cả bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Google đoán trước mọi nhu cầu của nhân viên từ giường ngủ trưa, ghế massage đến tăm bông trong phòng tắm và cả hệ thống đưa đón nhân viên lúc tắc đường.
Emi Nietfeld, một nhân viên làm việc tại đây cho biết, ở lại văn phòng của Google, cô có cảm giác như đang ở nhà với gia đình. Cô ấy ăn tất cả các bữa ở văn phòng, gặp bác sĩ Google cũng như tập thể dục tại đó. Thế nên mọi thứ cô muốn chỉ là làm việc và làm việc để tiếp tục thăng tiến, để tiếp tục được làm việc cùng nhau bất kể mệt mỏi hay tẻ nhạt.
Ish Baid, một kỹ sư phần mềm, bắt đầu công việc tại Facebook dưới sự trầm trồ của gia đình và bạn bè. Baid mô tả cho mọi người về sự hiện đại và đầy nghệ thuật tại nơi làm việc của anh, một nơi làm việc không chỉ khuyến khích nhân viên giao lưu, mà còn cung cấp nhiều không gian làm việc ngoài trời, cũng như một nhà bếp nhỏ, chật kín đến trần nhà đồ ăn miễn phí và hàng chục quán ăn tự phục vụ với đủ mọi món ăn mà mọi người có thể tưởng tượng ra.
Google và Facebook cũng chỉ là 2 trong số nhiều công ty có văn phòng làm việc trong mơ. Những doanh nghiệp này tìm mọi cách để tạo ra những văn phòng độc đáo, lấy nhân viên làm trung tâm.
Để “thôi miên” nhân viên, những gã khổng lồ công nghệ này có hiện thực hóa ý tưởng mang đến sự thoải mái, tiện nghi, tươi mát và trong lành nhất cho nhân viên của mình. Chỗ làm việc tiện nghi đến nỗi nhiều nhân viên thích ở công ty hơn là về nhà, không cần ra khỏi công ty khi hết giờ làm việc bởi mọi thứ cần cho cuộc sống đều có ngay bên cạnh.
Một “đòn tâm lý”
IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, cũng có chiến lược tương tự để giữ chân khách hàng. IKEA biến việc ghé thăm cửa hàng mua đồ khi cần thành một chuyến tham quan hơn là chỉ đi mua sắm và nhanh chóng quên đi thời gian khi bước chân vào siêu thị.
Trong quá trình mua sắm, khách hàng thường mải mê xem đồ mà không phát hiện ra rằng họ không thể nhìn thấy phong cảnh bên ngoài cửa hàng bởi siêu thị của IKEA không hề có cửa sổ.
Điều này khiến cho khách hàng bị “đánh lừa” về mặt thời gian, họ không thể biết được mặt trời đã lặn hay không thể ý thức rằng bên ngoài trời đã đổ mưa và tiếp tục “đắm chìm” trong siêu thị. Thậm chí, họ còn chỉnh sai giờ của đồng hồ treo tường, khiến khách hàng không biết được mình đã đi dạo hàng tiếng đồng hồ bên trong cửa hàng.
Từ lâu, các sòng bạc đã làm cách này để giữ chân con bạc. Không cửa sổ để biết trời đã sáng, không đồng hồ, thậm chí được bơm ôxy để con bạc chơi không biết mệt mỏi. Cũng như Google hay Facebook, các sòng bạc giữ chân con bạc được càng lâu, thì con bạc càng phải “nộp” nhiều tiền.
“Tự nguyện” làm thêm
Các công ty như Google hay Facebook thực chất cũng dùng cách “thôi miên tâm lý” giống sòng bạc hay siêu thị kể trên để vô hình trung “giam” nhân viên ở lại làm việc. Công cụ “thôi miên” của họ chính là văn phòng đẹp.
Một văn phòng đẹp, hoàn mỹ và đầy đủ tiện nghi sẽ khiến người lao động quên hết thời gian và mọi thứ bên ngoài, kể cả nhu cầu cá nhân để chỉ tập trung vào hoàn thành công việc như Baid hay Nietfeld, với ngày làm việc kéo dài từ 8 lên 12 tiếng một cách tự nguyện và “trách nhiệm” và ông chủ thì không phạm luật.
Nó sẽ khiến người lao động đến sớm hơn, ở lại văn phòng lâu hơn, kể cả khi hết giờ làm việc. Đó là một khoản đầu tư rất có lời của những ông chủ.
Đa số các công ty xây dựng ra những văn phòng trong mơ đó đều là các công ty hàng đầu thế giới, giàu có, đồng thời công việc cũng đầy những áp lực khủng khiếp.
Để giảm bớt áp lực đó, thay vì phải về nhà nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống để hồi phục sức khỏe, đi chơi, hẹn hò để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, chơi thể thao để tăng cường sức khỏe, tắm rửa cho sạch sẽ hay gặp bác sĩ để khám bệnh thì công ty cung cấp tất cả xung quanh bàn làm việc.
Chính vì áp lực căng thẳng kéo dài như vậy, thời gian trung bình các nhân viên ở lại các công ty có những văn phòng đẹp, xa hoa, đầy đủ tiện nghi như Facebook là 2,5 năm, còn Google là 3,2 năm, theo thống kê của Linkedin.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một nhân viên rời bỏ công ty, nhưng một trong số đó có lẽ khi họ đã nhận ra, công ty không phải là một gia đình, cuộc sống không chỉ có mỗi công việc và văn phòng trong mơ chỉ là cách các ông chủ dùng đòn tâm lý để giữ chân người lao động.
Giống như chuyện Baid, anh kết thúc công việc sau 1,5 năm khi thời gian làm việc của anh thường xuyên bị kéo dài từ 8 lên tới 12 tiếng mỗi ngày không ngừng nghỉ. Còn Nietfeld kết thúc công việc ở Google sau 4 năm khi cô nhận ra công ty không phải là một gia đình và tại công ty cô chẳng có gì ngoài công việc và công việc.
Thế nhưng, khi những người như họ rời đi thì lại có những người khác nhảy vào, sẵn sàng chấp nhận áp lực công việc để được làm ở những văn phòng trong mơ.