Bà Trần Tuệ Tri, Chuyên gia xây dựng Thương hiệu, Tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”.
4 yếu tố cốt lõi trong công cuộc xây dựng thương hiệu
Giá trị thương hiệu trên đấu trường thế giới
Sau sự kiện hãng xe điện VinFast, công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), lượt tìm kiếm về VinFast trên thanh công cụ tìm kiếm Google đã đạt 76 triệu lượt trong thời gian 0,4 giây. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết thành công trên sàn quốc tế, trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu.
Điều này không chỉ tạo nên cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn và hướng đi cho sự phát triển tương lai, mà câu chuyện của VinFast có thể trở thành là tiền đề cho các thương hiệu Việt Nam cùng bước ra sân chơi thế giới. Sau sự kiện “đem chuông đi đánh xứ người” thành công của hãng xe điện VinFast, Công ty VNG cho biết đã nộp hồ sơ IPO trên sàn Nasdaq. Dù việc nộp hồ sơ IPO trên sàn chứng khoán quốc tế đã được VNG công bố từ năm 2017, nhưng có thể thấy, thành công của VinFast đã trở thành “người mở đường” cho sự vươn ra thế giới của doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ với Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, bà Trần Tuệ Tri, Chuyên gia xây dựng Thương hiệu, Tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, cho biết thị trường ô tô trên thế giới hiện là một sân chơi lớn, đặc biệt là ngành ô tô điện đang tăng trưởng 2 con số. Sự kiện thành công của VinFast cho thấy dù Việt Nam là một nước phát triển, nhưng vẫn tập trung vào nỗ lực phát triển trong cuộc đua ô tô điện. Đây cũng được xem như là một lời hứa rằng thương hiệu Việt Nam có thể vươn ra quốc tế, đóng góp vào cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu.
Bà Trần Tuệ Tri, Chuyên gia xây dựng Thương hiệu, Tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”. |
Trong cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” do bà Tri chắp bút, lời hứa mang tính chất đại diện cho một thương hiệu hay một quốc gia, và đã là lời hứa thì nói là phải làm được. Lời hứa này là sự kỳ vọng của người tiêu dùng, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở châu Á, Việt Nam đã có những cái tên có sức ảnh hưởng nhất định trong khu vực như Viettel, Vinamilk,...và điều cần làm là tiếp tục duy trì độ nhận diện thương hiệu, đồng thời làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia trên đấu trường thế giới.
Những yếu tố cốt lõi
Dưới góc độ thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều kỳ vọng để bước ra sân chơi quốc tế, với mục tiêu làm chất liệu để hình thành nên thương hiệu quốc gia. Theo bà Tri, có 4 yếu tố cốt lõi trong công cuộc xây dựng thương hiệu.
Thứ nhất là hiệu ứng lan tỏa. Một loạt bài báo trong và ngoài nước đã gọi tên VinFast sau khi hãng xe điện rung chuông thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq. Câu chuyện của VinFast là minh chứng cho hiệu ứng lan tỏa với những hy vọng truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Thị trường ô tô điện thế giới hiện nay là một chiếc bánh hấp dẫn nhiều tên tuổi từ lớn đến bé tham gia, nhằm tranh giành thị phần. Bước chân vào cuộc đua ô tô điện ở thời điểm hiện tại, có thể là cánh cửa mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn lớn. Với trường hợp của VinFast, việc IPO trong thời điểm này là điều hoàn toàn phù hợp. Và phù hợp cũng chính là yếu tố thứ 2 trong 4 yếu tố cốt lõi. Song, công cuộc xây dựng thương hiệu vẫn còn 2 yếu tố quan trọng cần được doanh nghiệp đảm bảo sau khi thành công bước đầu với 2 yếu tố lan tỏa và phù hợp.
Chân thật là yếu tố cốt lõi thứ 3 được bà Tri nhắc đến. Đối với yếu tố này, niềm tin của thị trường nội địa và sự khác biệt từ thương hiệu là 2 động lực chính “hậu thuẫn” cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như Samsung, trước khi dẫn dắt quốc gia bước ra toàn cầu, thương hiệu này đã có trong tay thị trường nội địa mạnh mẽ. Sự ủng hộ của thị trường trong nước được đánh giá là “bàn đạp” cho bất kỳ một doanh nghiệp nào khi muốn tiến ra thế giới. Bài học từ các quốc gia phát triển đi trước cho thấy tính chân thật được thể hiện qua sự khác biệt. Do đó, việc mà các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là tìm ra điểm khác biệt trong sản phẩm hay dịch vụ của mình, đồng thời xây dựng lời hứa có tính chân thật có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa nói riêng, và thị trường quốc tế nói chung.
Bền vững là yếu tố thứ 4 được bà Tri đề cập đến trong nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia. Sự bền vững được thúc đẩy bởi những thành tố từ bên trong, như nguồn nhân lực, chính sách quản lý,... Theo bà Tri, trên thị trường thế giới với nhiều nền văn hoá khác nhau, việc xây dựng một hệ sinh thái nhân tài từ bên trong là điều rất cần thiết. Đó là tiền đề để mở rộng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế. Sự bền vững trong thương hiệu là cả một quá trình từ lúc bắt đầu cho đến lúc phát triển. Vậy nên cần có kế hoạch về định vị thương hiệu ngay từ ban đầu để chắc chắn rằng thương hiệu có thể đi đường dài và tạo sự lan tỏa cho “người đi sau”.
Bất kỳ thương hiệu Việt nào ra thế giới đều cần hiểu rằng, mình đại diện cho quốc gia và là chuẩn mực đầu tiên để thế giới nhìn vào các thương hiệu Việt Nam sau này. Vì thế, các thương hiệu ra thế giới nên cần có trách nhiệm xây dựng lời hứa này chân thật và bền vững.
Trong khu vực, có nhiều bài học thành công trong nỗ lực tạo nên thương hiệu, hoàn thành lời hứa đại diện cho quốc gia. Việt Nam có thể nhìn cách Hàn Quốc hay Nhật Bản xây dựng thương hiệu quốc gia, vì đây là những nước thành công trong việc thực hiện hoá lời hứa đại diện cho thương hiệu ở khu vực châu Á. Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 quốc gia có những thương hiệu đã thành công bước ra thị trường thế giới như Samsung, Hyundai và Toyota. Hiện tại, những thương hiệu này vừa là biểu tượng kinh tế của quốc gia vừa có chỗ đứng vững vàng trên trường quốc tế. Và hơn hết, các thương hiệu đều đã thực hiện thành công lời hứa vươn ra thế giới, đóng góp cho xã hội toàn cầu.
Nhìn tổng thể lại, thương hiệu chính là một lời hứa. Mà đã hứa thì chắc chắn phải thực hiện được. Và để đưa ra một lời hứa mang tính chất đại diện, mỗi doanh nghiệp cần nhận biết sự khác biệt của mình là gì và làm nổi bật điều đó. Vì vậy, bất kỳ một tổ chức nào khi muốn xây dựng thương hiệu, cần phải chắc chắn về lời hứa đại diện cho thương hiệu cũng như có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự cam kết của mình.
“Có rất nhiều việc phải làm trên con đường tạo dựng thương hiệu, từ xây dựng bộ máy quản trị nhân lực đến phát triển thị trường trong và ngoài nước. Và cần phải có lòng dũng cảm và quyết tâm muốn đưa thương hiệu vươn ra đấu trường thế giới. Những nỗ lực đó nhằm hướng đến mục tiêu hiện thực hóa lời hứa mà doanh nghiệp đã đưa ra từ thuở ban đầu cũng như đáp ứng những kỳ vọng của người tiêu dùng, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Tri nói thêm.
Có thể bạn quan tâm: