Hàng hóa cùng chất lượng, giá thành cạnh tranh hơn cùng phí vận chuyển rẻ đến bất ngờ là cách “con đường tơ lụa online” của Trung Quốc đang vận hành ở các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: TL.

 
Công Sang Thứ Sáu | 24/11/2023 10:00

Ecommerce giá rẻ giao chiến

Trong tương lai, các nhà bán hàng Trung Quốc sẽ hợp tác nhiều hơn với các nền tảng thương mại điện tử ở nước sở tại.

Làn sóng hàng hóa từ công xưởng Trung Quốc đang “xả hàng” quy mô lớn trên các nền tảng thương mại điện tử, thậm chí đã làm rung chuyển hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu.

Hàng hóa cùng chất lượng, giá thành cạnh tranh hơn cùng phí vận chuyển rẻ đến bất ngờ là cách “con đường tơ lụa online” của Trung Quốc đang vận hành ở các quốc gia Đông Nam Á.

Con đường tơ lụa online chiếm lĩnh giỏ hàng thế giới 

Sau 1 tuần, 4 chiếc ốp lưng điện thoại chị Kiều Nam (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đặt theo hình thức hàng xuyên biên giới trên Shopee về đến nhà. Tính luôn tiền ship, tổng giá trị của đơn hàng là 110.000 đồng, tính ra mỗi chiếc ốp lưng có giá 25.000 đồng, thấp hơn gần một nửa nếu mua ngoài  cửa hàng.

Chị Quỳnh Như (quận 2, TP.HCM) cho biết khoảng 2 năm trở lại đây, các cửa hàng xuyên biên giới bắt đầu phổ biến trên Shopee và Lazada, tuy nhiên phần lớn vẫn là các sản phẩm có giá trị thấp. Với các sản phẩm có giá trị cao hơn, như thời trang chẳng hạn, Quỳnh Như cho biết sẽ đặt trực tiếp qua Taobao ở Trung Quốc. Người nhận đơn hàng sẽ là người Việt Nam sinh sống gần các cửa khẩu.

 

Những người này sẽ tính phí lấy hàng, vận chuyển nội địa Trung Quốc đến cửa khẩu và vận chuyển đến nơi người đặt, như trường hợp Quỳnh Như là TP.HCM và tổng các chi phí cộng lại thì giá thành vẫn thấp hơn mặt hàng cùng chất vải, thiết kế ở Việt Nam khoảng 30%. Thời gian nhận hàng là nhược điểm duy nhất của hàng xuyên biên giới, từ 7-10 ngày. “Đó cũng không phải là trở ngại lớn. Tôi sẽ lên lịch đặt trước”, chị Quỳnh Như nói.

Trong tương lai, các nhà bán hàng Trung Quốc sẽ hợp tác nhiều hơn với các nền tảng thương mại điện tử ở nước sở tại. Có động lực để thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh việc hợp tác như vậy. Theo nghiên cứu của Mckinsey, từ năm 2021 có đến 80% GMV (tổng giá trị hàng hóa) được nhập khẩu từ bên ngoài Đông Nam Á, hàng từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ đáng kể. Với 3 kịch bản phát triển thương mại điện tử ở Đông Nam Á, theo Momentum Works, tích cực nhất là 232 tỉ USD năm 2028 (khi Temu của PDD Holdings tham gia),  trung bình 175 tỉ USD (không có Temu) và tệ nhất (Temu, Alibaba và TikTok đều chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực) cũng đạt mức 121 tỉ USD.

Theo Economic Information Daily, năm 2013 chi phí hậu cần của Trung Quốc chiếm 18% GDP, cao hơn gấp đôi so với các nước thuộc khối OECD.  Ảnh: scmp.com
Theo Economic Information Daily, năm 2013 chi phí hậu cần của Trung Quốc chiếm 18% GDP, cao hơn gấp đôi so với các nước thuộc khối OECD. Ảnh: scmp.com

Chính vì thế, thương nhân Trung Quốc sẽ tìm cách gia nhập sâu hơn các thị trường khu vực, như Việt Nam để có lợi nhuận tốt nhất. Theo đó, nếu họ đi trực tiếp từ các nền tảng Trung Quốc sang Việt Nam, lợi nhuận chỉ khoảng 10% nhưng nếu kết hợp với các sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam, con số này có thể tăng thêm 5%. Mấu chốt của kế hoạch này nằm ở chi phí giao nhận thấp đến không tưởng. Lấy ví dụ, một kiện hàng vận chuyển nội địa Trung Quốc có giá từ 2-3 nhân dân tệ/kg (khoảng 6.000 đồng  đến hơn 10.000 đồng), con số này rẻ gần một nửa so với phí vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM dù quãng đường vận chuyển dài hơn rất nhiều.

Đây là kế hoạch đã chuẩn bị từ 10 năm trước của Chính phủ Trung Quốc. Theo Economic Information Daily, năm 2013 chi phí hậu cần của Trung Quốc chiếm 18% GDP, cao hơn gấp đôi so với các nước thuộc khối OECD. Các chuyên gia chỉ ra rằng chi phí vận chuyển hàng hóa trong khu vực thành thị chiếm 30% tổng chi phí logistics toàn ngành. Đây là hệ quả từ năm 1991 khi tốc độ tăng trưởng chi phí hậu cần trung bình của Trung Quốc là 14,8% trong khi GDP chỉ tăng 10,7%.

Việc mở rộng đô thị làm tăng nhu cầu vận chuyển, cần nhiều xe tải hơn nhưng việc thiếu các nền tảng chia sẻ thông tin cung cầu công cộng đã không tối ưu được khả năng vận chuyển của các nhà xe. Thống kê của Bộ Thương mại nước này cho thấy số xe tải trống của Thượng Hải chiếm 37% tổng số xe tải của thành phố trong năm 2011, gấp 3 lần so với ở châu Âu và châu Mỹ.

Chi phí cao hơn cũng xuất phát từ việc các nhà sản xuất không muốn sử dụng dịch vụ hậu cần của bên thứ 3 mà ưu tiên sử dụng xe tải của riêng mình. Dịch vụ hậu cần bên thứ 3 của Trung Quốc chiếm chưa đến 25% thị trường, so với hơn 70% ở các nước phát triển. Phí cầu đường và tiền phạt cũng được coi là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao. Các chủ hàng và người giao nhận cho rằng phí cầu đường và tiền phạt chiếm hơn 1/3 chi phí hậu cần của họ.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm giảm chi phí vận chuyển từ vĩ mô cho đến vi mô như tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất hậu cần, ví dụ nhiều chủ hàng thời đó vẫn sử dụng pallet riêng mà không có chuẩn chung, dẫn đến làm chậm quá trình bốc dỡ, xếp hàng và lưu thông hàng trong kho. Song song đó là các chính sách để giảm mức thuế cho ngành logistics do chương trình thí điểm thay thế thuế kinh doanh bằng thuế giá trị gia tăng, bao gồm bù đắp phí cầu đường và đưa ra các ưu đãi cho ngành trong việc sử dụng đất. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics cũng là một nội dung trong chương trình nghị sự của Bộ Thương mại thời điểm đó.

 

Đến năm 2016, khi chi phí hậu cần trên GDP đã giảm được gần 4 điểm phần trăm so với năm 2013, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) tiếp tục các chính sách cắt giảm thuế, phí cho các công ty hậu cần và cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ hơn qua việc phát hành trái phiếu, niêm yết cổ phiếu hoặc vay thêm từ ngân hàng.

Cứ mỗi 1% tỉ lệ chi phí hậu cần/GDP giảm giúp các ngành công nghiệp ở Trung Quốc tiết kiệm hơn 900 tỉ nhân dân tệ (135 tỉ USD). Năm 2019 tỉ lệ này đạt mức 13,62%, thấp đáng kể từ năm 2013 nhưng quốc gia này đang hướng đến chi phí hậu cần/GDP đạt tỉ lệ 12% vào năm 2025.

Song song với việc tối ưu chi phí hậu cần nội địa, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy bán hàng xuyên biên giới. Điển hình như Việt Nam, Bộ Công Thương đã quy hoạch 53 kho bãi tầm nhìn năm 2025 đến năm 2035 tại 6 tỉnh ở các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để phát triển hàng hóa xuyên biên giới. Theo lộ trình quy hoạch các kho sẽ có diện tích tối thiểu 500 m2/kho, với tổng diện tích kho hơn 1,2 triệu m2, thiết kế hỗ trợ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Chi phí hậu cần ngày càng tối ưu, sở hữu vị thế công xưởng thế giới từ rất lâu cùng với việc nắm trong tay hơn 2/3 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Đông Nam Á là lý do hàng hóa từ Trung Quốc ngày càng dễ dàng thâm nhập các quốc gia trong khu vực.

Trung Quốc từ lâu đã là nước xuất khẩu toàn cầu nhiều sản phẩm tiêu dùng và nay mở rộng ảnh hưởng này nhanh hơn, rộng hơn thông qua các nền tảng thương mại điện tử nước này, thậm chí đã làm rung chuyển hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu.

Tổng lực “xả hàng” giá rẻ 

Điều đáng nói là các nhà sản xuất của Trung Quốc, từ tấm pin mặt trời, xe điện đến thời trang, mỹ phẩm... đang giảm giá và cố gắng nhiều hơn để thâm nhập thị trường nước ngoài khi họ phải đối mặt với nhu cầu suy yếu trong nước. Để hậu thuẫn làn sóng “xả hàng” này, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã trợ cấp các chuyến đi nước ngoài để các công ty bán được nhiều hàng hơn ở nước ngoài, bao gồm cả việc thuê chuyến bay. Họ đang kêu gọi các ngân hàng cho vay đối với những công ty muốn mở rộng hoạt động tại các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Để hậu thuẫn làn sóng “xả hàng” này, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã trợ cấp các chuyến đi nước ngoài để các công ty bán được nhiều hàng hơn ở nước ngoài
Để hậu thuẫn làn sóng “xả hàng” này, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã trợ cấp các chuyến đi nước ngoài để các công ty bán được nhiều hàng hơn ở nước ngoài

Các nền tảng bán hàng điện tử cũng tung ra chương trình trợ giá hỗ trợ cho những người bán hàng rẻ nhất... Áp lực đến từ hàng hóa Trung Quốc này đang làm đảo lộn các đối thủ cạnh tranh, vốn nhìn thấy mối đe dọa đối với lợi nhuận của họ. Đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã hành động để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hàng xuyên biên giới thông qua 2 hành động là cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội và quy định những mặt hàng nước ngoài kinh doanh trên tất cả các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia phải có mức giá tối thiểu là 100 USD. “Quy định này nhằm đảm bảo cạnh tranh kinh doanh công bằng và chính đáng, đồng thời bảo vệ dữ liệu của người dùng”, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, nói với báo chí.

 

Với quy mô thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á (năm 2022 là hơn 50 tỉ USD, theo Momentum Works), hành động của Indonesia nhằm ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử mới như TikTok, theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường BMI, có cơ hội phát triển ở quốc gia này. Cuộc cạnh tranh của GoTo, nền tảng thương mại điện tử “cây nhà lá vườn” hình thành từ sự sáp nhập giữa 2 doanh nghiệp nội địa khác là Tokopedia và Gojek, với Shopee và Alibaba là đã quá đủ trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng tin rằng lệnh cấm trong nước là cần thiết để bảo vệ 64 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của đất nước này, bao gồm cả các thương gia tại những khu chợ lâu đời. Quyết định này cho đến nay vẫn chưa rõ tính hiệu quả vì vấp phải phản ứng trái chiều từ các tiểu thương, những đối tượng mà Indonesia cho là cần được bảo vệ.

Theo webstie aljazeera, những người kinh doanh trên TikTok đang ăn nên làm ra thì nay phải cắt giảm nhân lực vì quyết định này, trong khi tiểu thương của các chợ truyền thống cho rằng có khởi sắc nhưng không đạt được như xưa. Các chuyên gia lập luận rằng xu hướng mua hàng ngày nay đã thay đổi kể từ khi các nền tảng thương mại điện tử như Tokopedia, Shopee xuất hiện. Giá cả minh bạch và cạnh tranh hơn mà thương mại điện tử đem lại mới là thứ triệt tiêu hoạt động kinh doanh của các chợ truyền thống.

 

Trong khi đó, số khác quan ngại rằng việc nhập hàng giá cạnh tranh từ công xưởng thế giới sẽ ảnh hưởng đến khu vực sản xuất nội địa, nơi đang nuôi sống rất nhiều gia đình lao động. Sự tăng trưởng ở khu vực thương mại là có nhưng hậu quả của nó để lại cho khu vực sản xuất là chưa thể đo đếm được.

Theo báo cáo của McKinsey, dưới tác động của các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ thúc đẩy các chuỗi sản xuất và cung ứng, đặc biệt là chuỗi may mặc, điện tử tiêu dùng, sản phẩm gia dụng di chuyển sang các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam...

 

Thay đổi để ứng phó

Chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc cùng với hoạt động thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới là động lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu và chính ở các quốc gia mà họ đặt chuỗi cung ứng. Đó là lý do Chính phủ Indonesia quyết tâm trong việc tạo các hàng rào bảo vệ trước làn sóng thương mại điện tử xuyên biên giới. Đó có thể là bài học cho các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và trong bối cảnh như vậy, điều doanh nghiệp có thể làm là không ngừng tối ưu hoạt động kinh doanh để chuẩn bị cho một nhịp độ kinh doanh mới. “Tôi nghĩ việc quay lại nhịp độ kinh doanh từ trước khi làn sóng thương mại điện tử xuất hiện là không thể”, ông Trần Lâm, sáng lập Julyhouse, nói.

Thị trường thương mại điện tử giá rẻ cộng hưởng xu hướng của các nền tảng thương mại điện tử chi phí thấp không phải tự nhiên phát triển mạnh mẽ. Xu hướng này tiếp tục được củng cố trong bối cảnh kinh tế bất ổn trên khắp thế giới, thu nhập trì trệ, gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng. Cũng như nền tảng thương mại của nhiều quốc gia khác, cuộc giao chiến của các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ lại đang gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam. Giá cạnh tranh, đặt hàng dễ dàng là các lợi ích mà hàng xuyên biên giới mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam nhưng là áp lực lớn đối với doanh nghiệp nội địa. “Ngành thời trang đang thay đổi sâu sắc”, ông Đào Thế Vinh, sáng lập thương hiệu thời trang 8 năm tuổi Midori, nói.

Sự xuất hiện của thương mại điện tử, gần đây là hàng xuyên biên giới đã đưa thế mạnh về khả năng sản xuất và tối ưu chi phí của phần lớn nhãn hàng thời trang nội địa về số không. Song song đó, với mẫu mã đa dạng, vòng đời tiêu thụ thời trang trong nước bị thay đổi rất nhanh bởi làn sóng hàng hóa xuyên biên giới, Midori phải thay đổi cách làm để thích nghi với xu hướng mới. Theo đó, Công ty tập trung vào đội ngũ thiết kế, tối ưu chất liệu thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các đơn hàng nhỏ nhưng liên tục. Ví dụ, một mẫu thời trang mới xuất hiện, Công ty sẽ làm sao để trong vòng 2 tiếng có thể cho khách hàng đặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, số lượng vài trăm cũng có thể đáp ứng được và tiếp tục sản xuất nếu mẫu thiết kế đó vẫn được ưa chuộng.

Bởi cách xoay vòng sản phẩm quá nhanh, có thể tính bằng tuần nên việc sử dụng hệ thống bán lẻ để bán hàng đã không còn hiệu quả. Từng sở hữu hệ thống hơn 20 cửa hàng từ Cà Mau đến TP.HCM, Midori hiện đã rút gọn quy mô chuỗi tới 2/3, đóng góp doanh thu từ đây cũng chỉ còn chiếm 10% toàn hệ thống. “Ngành thời trang giờ đây thay đổi tính bằng tuần, cách bán hàng truyền thống đang chịu rất nhiều áp lực về chi phí và tính hiệu quả”, ông Vinh nói.

iệc phát triển của công nghệ thương mại xã hội khiến người tiêu dùng dễ lãng quên thương hiệu hơn so với trước kia, chất lượng sản phẩm và khả năng sáng tạo nội dung đủ tần suất để được khách hàng ghi nhớ là mấu chốt. Ảnh: TL.
Việc phát triển của công nghệ thương mại xã hội khiến người tiêu dùng dễ lãng quên thương hiệu hơn so với trước kia, chất lượng sản phẩm và khả năng sáng tạo nội dung đủ tần suất để được khách hàng ghi nhớ là mấu chốt. Ảnh: TL.

Không bị áp lực thay đổi như hàng thời trang, thậm chí có lợi thế về nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam và các thương hiệu Trung Quốc chưa mạnh với khách hàng trong nước nhưng việc luôn tối ưu chi phí vẫn là cách Julyhouse, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm tinh dầu thiên nhiên, tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Để có chi phí nguyên liệu cạnh tranh hơn, ông Trần Lâm cho biết Julyhouse hướng đến việc hợp tác với các nhà cung cấp bao tiêu sản phẩm ở trang trại cho đến tự cung cấp chai đựng sản phẩm. Giá sản phẩm Julyhouse đang cao hơn 70% so với hàng Trung Quốc và thấp hơn 30% so với hàng Nhật. Công ty đang phân phối hàng hóa qua các kênh bán lẻ như Guardian, Medicare... và các nền tảng thương mại điện tử.

Song song đó là đầu tư xây dựng thương hiệu để giữ chân người tiêu dùng. Việc phát triển của công nghệ thương mại xã hội khiến người tiêu dùng dễ lãng quên thương hiệu hơn so với trước kia, chất lượng sản phẩm và khả năng sáng tạo nội dung đủ tần suất để được khách hàng ghi nhớ là mấu chốt. “Hai thương hiệu cùng tập khách nhưng chênh lệch 10% giá là rất khác biệt, chỉ có câu chuyện hấp dẫn hơn mới giúp khách hàng lựa chọn mình”, ông Trần Lâm nói. Tỉ lệ doanh thu là 90% online và 10% hệ thống cửa hàng. Julyhouse đang tiến đến tỉ lệ 70% online và 30% offline. Đây được coi là tỉ lệ bền vững đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong lĩnh vực FMCG như Julyhouse trong bối cảnh hiện nay.

Dù thế nào, những người mua hàng như chị Kiều Nam và Quỳnh Như vẫn đang được hưởng lợi khi săn các món hàng giá rẻ đến từ bất kỳ đâu. Thói quen tiêu dùng gắn với hàng giá rẻ cùng môi trường vĩ mô hiện nay đang mở đường cho cuộc đua về giá, sẽ tạo sự thay đổi đáng chú ý đối với người mua sắm cũng như các nền tảng thương mại điện tử”, đại diện một nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam bình luận. 

Có thể bạn quan tâm 

Đánh thức triệu tỉ đồng tiết kiệm