Khổng Hiệp Thứ Hai | 06/01/2020 14:00

Bất động sản xanh ứng phó biến đổi khí hậu

Theo nhu cầu của thị trường, các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các dự án xanh.

Vừa qua, Air Visual liên tục đưa ra cảnh báo không khí ô nhiễm tại TP.HCM và Hà Nội. Độ tin cậy về số liệu của Air Visual bị nhiều người đặt dấu hỏi nhưng thực tế không thể phủ nhận ô nhiễm không khí đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà còn ở toàn cầu.

Quan tâm của người trẻ

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ, với câu hỏi dành nhiều người trong độ tuổi 25-35: “Rủi ro lớn nhất trong tương lai là gì?”. Đa số câu trả lời là “Biến đổi khí hậu”. Thực vậy, xu hướng sản xuất, kinh doanh và đầu tư “xanh” đang nổi lên và nhận được sự ủng hộ của nhiều người như một nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, gìn giữ môi trường sống.

Trong lĩnh vực bất động sản, xu hướng bất động sản “xanh” tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, nhiều dự án thương mại ở Việt Nam đã đạt được hay tuân theo tiêu chuẩn của các chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng, trong đó Chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, là chứng chỉ được công nhận rộng rãi trên thế giới. Ngoài ra, còn có Chứng chỉ EDGE, do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc World Bank chứng nhận; Chứng nhận BREEAM do Cơ sở Nghiên cứu Xây dựng Vương quốc Anh (BRE) chứng nhận; Chứng nhận Green Star ở Úc hay Green Mark của Singapore... Mục tiêu chung của các chứng nhận này là giảm tác động của công trình đó lên sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, cải thiện năng suất của nhân viên và giảm ô nhiễm môi trường.

 

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 87 công trình đạt chứng nhận xanh, nhiều nhất là LEED và EDGE. Còn theo báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam, dự án được chứng nhận xanh tại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng, kém xa Singapore, nơi tỉ lệ này đạt tới 37%. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng công trình xanh ở mức thấp do chi phí đầu tư cao và những đòi hỏi nghiêm ngặt.

Xu thế khó đảo ngược

Theo Hội đồng Công trình Xanh Mỹ, ngoài yếu tố môi trường, sức khỏe, một trong những điểm quan trọng hơn của các tòa nhà, dự án theo tiêu chuẩn của chứng chỉ LEED là có thể tạo ra sự nhận biết ngay lập tức về giá bán hay thuê sẽ tốt hơn.
 

 

Phát triển bất động sản xanh, thân thiện với môi trường cũng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Bà Lucy Auden, Lãnh đạo toàn cầu của Bộ phận ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tại Nhóm quản lý đầu tư của Savills, cho biết, các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. “Thị trường đang suy nghĩ về việc nếu mua một tòa nhà không “xanh” và không có kế hoạch gì để cải thiện việc “xanh”, liệu có thể bán nó trong tương lai được không?”, bà Lucy Auden cho biết.

Ở các nước phát triển như Mỹ, kể từ năm 2003, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) đã yêu cầu chứng nhận LEED - Cơ bản cho tất cả các tòa nhà liên bang, đến năm 2010 thì nâng lên yêu cầu LEED - Vàng. Tại Singapore, Hội đồng Công trình xanh (SGBC) đã giới thiệu Đề án Chứng nhận Green Mark vào năm 2005. “Hiện tại, khoảng 40% các tòa nhà ở Singapore đã được chứng nhận Green Mark và mục tiêu là 80% vào năm 2030”, Chủ tịch SGBC, ông Ho Nyok Yong, cho biết. 

Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, phát triển các công trình xanh ở Việt Nam chậm hơn các nước trên thế giới từ 15-20 năm. Giáo sư Đăng cũng kiến nghị Việt Nam cần xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí công trình xanh để làm cơ sở thiết kế công trình xanh, cũng như để đánh giá và cấp chứng chỉ công trình xanh.

 

Thời gian qua, tại Việt Nam, hàng loạt chủ đầu tư như Gamuda Land, Capital House, Phúc Khang, Nam Long, Flamingo Group, Novaland... cũng theo đuổi các công trình xanh. Ngoài sự quan tâm của chủ đầu tư, một điểm cần lưu ý nữa là trong tương lai, các tiêu chuẩn xanh có thể sẽ trở thành một yêu cầu hoặc mục tiêu theo quy định của Nhà nước, đối với các dự án cấp phép trong tương lai hoặc thậm chí là yêu cầu thay đổi với các dự án hiện tại.

Trong xu hướng này, báo cáo và khảo sát World Green Building Trends 2018 của Dodge Data & Analytics cũng đưa ra những dự báo khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13% nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Theo báo cáo này, Việt Nam có tỉ lệ phát triển công trình xanh chung cư vào năm 2021 cao nhất thế giới, chiếm đến 61%, so với mức trung bình thế giới là 30% và Singapore là 25%. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.