Tại Việt Nam, thị trường bất động sản hàng hiệu vẫn còn rất nhỏ. Ảnh: Quý Hòa
Bất động sản hàng hiệu sau cú hích Thủ Thiêm
24.524.500 tỉ đồng là số tiền mà một doanh nghiệp bỏ ra để trúng đấu giá lô đất 1 ha ở bán đảo Thủ Thêm. Quy ra đơn giá 2,4 tỉ đồng/m2. Đây là cột mốc kỷ lục mới của thị trường bất động sản Việt Nam và đưa TP.HCM vào nhóm các đô thị có giá bất động sản đắt đỏ nhất châu Á. Thực tế đơn giá này nếu quy về các diện tích tiêu chuẩn 80-100 m2, đơn giá đất trên 1 m2 sẽ còn cao hơn đáng kể so với 2,4 tỉ đồng cho toàn khu.
Đất kim cương cho bất động sản hàng hiệu
Vấn đề được nhiều người quan tâm là chủ lô đất sẽ làm gì với lô đất vàng? Theo các chuyên gia trong ngành, giá bán căn hộ tại dự án này sẽ không dưới 500 triệu đồng/m2, ngang ngửa với một dự án hạng sang đang phát triển ở đối diện quận 1. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng sau phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, “khái niệm trung tâm TP.HCM đã chính thức thay đổi”.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, lô đất là “trái tim kim cương” của Thủ Thiêm, có vị trí hiếm hoi ven sông Sài Gòn, phù hợp để xây bất động sản hàng hiệu.
Có khả năng tính toán của chủ đầu tư là đúng. Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho thấy dưới tác động của dịch COVID-19, thị trường đã chứng kiến những thay đổi trong nhu cầu cho sản phẩm nhà ở. Các dự án có không gian sống thoáng đãng, tiện nghi, tiện ích và yếu tố sức khỏe được quan tâm nhiều hơn. Mặt bằng giá trên thị trường liên tục tăng, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp và hạng sang.
Cuối năm 2021, thị trường nhà ở tại Việt Nam đón nhận 2 dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên, một dự án tọa lạc tại trung tâm Thủ đô Hà Nội với giá chào bán từ 35.000 USD/m2 và một dự án tại trung tâm TP.HCM với giá từ 16.000 USD/m2. Đây được ghi nhận là 2 dự án có giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Cả 2 dự án này nhận được nhiều sự quan tâm của người mua trong nước và quốc tế với các sự kiện mở bán tại Hồng Kông, TP.HCM.
Trên thế giới, thị trường bất động sản hàng hiệu trong đô thị được phát triển gần một thế kỷ trước với dự án đầu tiên là The Sherry-Netherland tại thành phố New York ở Mỹ vào năm 1920. Trải qua 100 năm phát triển, loại hình bất động sản hàng hiệu trong đô thị thể hiện sự độc đáo, hiếm có khó tìm tại các “Thành phố toàn cầu” trên thế giới với chỉ gần 350 dự án tại thời điểm năm 2021. Nếu tính cả những dự án bất động sản hàng hiệu ngoài đô thị ở các khu nghỉ dưỡng thì số lượng lên đến hơn 500 dự án. Như vậy, thị trường bất động sản hàng hiệu trong đô thị chiếm khoảng 62% tổng số lượng bất động sản hàng hiệu, phần còn lại là 38% tổng số lượng dự án đến từ các khu nghỉ dưỡng ven biển, trên núi và vùng ngoại ô.
Tại Việt Nam, thị trường bất động sản hàng hiệu vẫn còn rất nhỏ. Ngoài 2 dự án mới được chào bán tại TP.HCM và Hà Nội được đề cập ở trên, dự kiến thị trường Việt Nam sẽ đón nhận thêm 1 dự án hàng hiệu nữa ở khu trung tâm trong năm 2022 và vài dự án trong giai đoạn 2023-2025. Đáng chú ý, tập đoàn quản lý khách sạn Swiss-Belhotel International cũng sắp ra mắt dự bất động sản hàng hiệu đầu tiên tại Việt Nam.
Định hình lại nhu cầu thị trường
Báo cáo của Wealth-X cho thấy dân số tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam đã tăng 13,9%/năm giai đoạn 2010-2019 và được dự báo sẽ tăng trưởng 10,1%/năm giai đoạn 2018-2023, nằm trong top 4 quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu cao nhất thế giới. Trong báo cáo Xu hướng bất động sản 2021 của New World Wealth, giới thượng lưu tìm kiếm nhà ở với an ninh riêng tư tuyệt đối, phong cách sống thời thượng, cộng đồng cùng đẳng cấp, tiện ích cao cấp và kết nối giao thông thuận lợi. Đây là những đặc trưng của bất động sản hàng hiệu. Do đó, sự gia tăng của tầng lớp thượng lưu sẽ hỗ trợ tích cực cho nhu cầu bất động sản hàng hiệu.
Trong tương lai, sự tăng trưởng ngày càng nhanh của nhóm người giàu tại Việt Nam và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ góp phần kích hoạt sản phẩm hàng hiệu trong đô thị, đặc biệt là các dự án nằm gần hệ thống tàu điện ngầm.
Những dự án căn hộ hàng hiệu đang và sắp chào bán tại Việt Nam có vị trí độc tôn ngay khu trung tâm thành phố được quản lý bởi thương hiệu quản lý khách sạn 5 sao hàng đầu và lâu đời trên thế giới. Đây là các yếu tố được chủ đầu tư chăm chút để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng hằng ngày sau thời gian làm việc căng thẳng và đảm bảo sức khỏe cho cư dân. Nhu cầu này ngày càng được quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua. Ngoài ra, bất động sản hàng hiệu trong đô thị còn là nơi kết giao giới tinh hoa, có giá trị cao và tăng trường bền vững theo thời gian.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhận định sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu trong đô thị đến từ nhu cầu thực tế trên thị trường kết hợp với các yếu tố vị trí, hướng nhìn, chất lượng sản phẩm và đơn vị quản lý sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm bất động sản hàng hiệu trong đô thị; đây là sự gia tăng bền vững chứ không phải là sự gia tăng nhất thời.
Ngoài ra, bất động sản hàng hiệu trong đô thị còn là nơi kết giao giới tinh hoa, có giá trị cao và tăng trường bền vững theo thời gian. Ảnh: Quý Hòa. |
“Các sản phẩm hàng hiệu khi bàn giao sẽ được quản lý bởi các đơn vị quản lý khách sạn 5 sao, là những thương hiệu có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý bất động sản. Bất động sản được quản lý chuyên nghiệp sẽ luôn đảm bảo giá trị của các sản phẩm không bị mai một mà còn ngày càng tăng theo thời gian”, bà Dung nhận định.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng nhu cầu mua bất động sản hàng hiệu của người Việt còn khá lớn. Hơn nữa, giá bán của loại hình bất động sản này tại Việt Nam còn khá rẻ so với các nước trong khu vực. Lợi suất hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố thu hút giới nhà giàu Việt mua căn hộ hàng hiệu. Có đến 65% người mua căn hộ với mục đích đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, phân khúc bất động sản hạng sang thường không dành cho nhà đầu tư muốn lướt sóng và dùng đòn bẩy tài chính vì thanh khoản thứ cấp không dễ. Tập khách hàng của dòng sản phẩm này thường khá dư giả tiền mặt nên dự án nào có sản phẩm đúng gu, chủ đầu tư uy tín ghi nhận giao dịch khá nhanh. Nhưng dù có giá “kim cương” nhưng phân khúc hạng sang không phải đại diện cho thị trường bất động sản mà vai trò đó thuộc về những sản phẩm có giá trị trung bình đến trung cao - khu vực chứng kiến nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân.