Chủ Nhật | 26/10/2014 15:15

Thêm hàng trăm người bỏ quốc tịch Mỹ do luật thuế mới

Số người Mỹ bỏ quốc tịch Mỹ tăng 39% trong quý III/2014 sau khi quy định mới khiến việc “giấu tài sản” trước cơ quan thuế trở nên khó khăn hơn.
Số người từ bỏ quốc tịch tại sứ quán Mỹ tăng lên 776 người trong quý III/2014 từ 560 người cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan Đăng ký Quốc tịch Liên bang (Federal Register) công bố hôm 26/10.

Quy định khắt khe hơn về việc công khai tài sản, có hiệu lực từ 1/7 theo Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (Fatca), đã khiến hơn 6 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài từ bỏ hộ chiếu Mỹ. Sức hấp dẫn của quốc tịch Mỹ đối với những người sống xa xứ cũng giảm mạnh khi hơn 100 ngân hàng Thụy Sĩ bắt đầu giao nộp dữ liệu về khách hàng Mỹ nhằm tránh bị buộc hỗ trợ những kẻ trốn thuế.

Mỹ, quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh thuế công dân bất kể họ định cư ở nơi nào trên thế giới, đang tăng cường tìm kiếm các đối tượng trốn thuế sau khi UBS AG thanh toán khoản tiền phạt 780 triệu USD năm 2009 và giao nộp dữ liệu về 4.700 tài khoản. Việc các ngân hàng Thụy Sĩ và Đức xa lánh Mỹ cùng với việc Fatca bắt đầu có hiệu lực đã khiến hơn 9.000 người Mỹ sống ở nước ngoài đã từ bỏ quốc tịch Mỹ trong 5 năm qua.

Fatca yêu cầu các tổ chức tài chính Mỹ đánh thuế thu nhập 30% đối với các khoản thanh toán đến ngân hàng nước ngoài mà không đồng ý nhận biết và cung cấp thông tin về chủ tài khoản Mỹ. Quy định này cho phép Mỹ thu được dữ liệu từ hơn 77.000 tổ chức và 80 chính phủ liên quan đến các hoạt động tài chính nước ngoài của công dân Mỹ.

Trong quá trình soạn thảo Fatca 2010, Quốc hội và Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ không cho phép các ngân hàng và công ty tiếp cận thị trường Mỹ nếu họ không cung cấp thông tin nêu trên. Theo Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội đặc trách về Thuế, Fatca ước tính sẽ mang lại 8,7 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Tính đến thời điểm hiện tại của năm, đã có 2.353 người Mỹ bỏ quốc tịch Mỹ, gần bằng mức kỷ lục 2.369 trong 9 tháng đầu năm 2013.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện