Sau khi những ngôi nhà ở Joshimath bị hư hại do sụt lún vào đầu năm 2023, người dân đã được tái định cư trong những công trình kiến ​​trúc tạm thời bằng kim loại xanh gần khu phố cổ. Ảnh: Bloomberg.

 
Gia Khánh Thứ Hai | 01/04/2024 18:10

Mặt trái của sự phát triển các cơ sở năng lượng tái tạo tại Ấn Độ

Việc xây dựng dày đặc trên nền đất không ổn định, kết hợp với biến đổi khí hậu, đã làm tăng nguy cơ thảm họa và đe doạ đời sống người dân.

Vào ngày 3/1/2023, các vết nứt bất ngờ lan rộng trên hàng trăm tòa nhà ở Joshimath, Ấn Độ. Người dân đã thu dọn đồ đạc quý giá khi còn có thể nhà nhanh chóng rời đi. Trong vài ngày, hơn 1.000 người đã tìm nơi trú ẩn tạm thời khi tuyết bao phủ những gì còn sót lại tại nơi từng là mái ấm của họ.

Một năm trôi qua, những ngôi nhà vẫn trống rỗng. Một cuốn album ảnh cưới và một cuộn giấy cầu nguyện nằm im lìm trên kệ, hay một biển hiệu "Nồng nhiệt chào mừng quý khách" vẫn đang yên vị tại một khách sạn cũ trong khu vực.

Joshimath chỉ là một trong những cộng đồng miền núi nằm trong vùng nguy hiểm giữa tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và các kế hoạch phát triển khu vực của Thủ tướng Narendra Modi, vốn đang được chú trọng hơn trước thềm bầu cử vào mùa xuân này. Ông Modi coi việc củng cố biên giới phía bắc Ấn Độ, giáp với Trung Quốc, là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và hy vọng biến dãy Himalaya thành một cường quốc năng lượng tái tạo.

Chỉ trong tháng này, ông Modi và các quan chức hàng đầu đã đi thăm các thị trấn biên giới, trong khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nitin Gadkari phê duyệt hoặc khánh thành sáu dự án đường bộ và đường sắt lớn trong khu vực.

Tuy nhiên, việc xây dựng dày đặc trên nền đất không ổn định của khu vực, kết hợp với biến đổi khí hậu, đã làm tăng nguy cơ thảm họa.

Một phần của dự án đường cao tốc Char Dham ở Uttarakhand. Ảnh: Bloomberg.
Một phần của dự án đường cao tốc Char Dham ở Uttarakhand. Ảnh: Bloomberg.

Nằm ở độ cao 1.875 mét trên một khối băng tích, thường sót lại sau khi sông băng đang dịch chuyển, Joshimath luôn dễ bị sụt lún do địa hình này. Một nghìn năm qua, đặc điểm địa hình này chưa từng là mối đe doạ hiện hữu và chào đón hàng chục nghìn tín đồ đạo Hindu đi bộ hành hương Char Dham mỗi mùa.

Khu vực xung quanh Joshimath cũng là nơi đặt một trong những tiền đồn quân sự dọc biên giới Trung-Ấn, nơi Ấn Độ tập trung khoảng 20.000 binh sĩ và vũ khí, đồng thời là bãi đáp cho trực thăng tư nhân.

Các dự án cầu đường đang được xây dựng tại đây không chỉ để quân đội di chuyển mà còn để cải thiện kết nối với phần còn lại của đất nước. Một trong những dự án lớn nhất đang triển khai là đường cao tốc Char Dham dài 890 km trị giá 1,5 tỉ USD ở bang Uttarakhand, sẽ kết nối Joshimath với các thôn miền núi khác dọc theo tuyến đường hành hương của người Hindu.

Gần Dehradun, thủ đô của Uttarakhand, một con đường mới được mở rộng ngoằn ngoèo đến tận chân trời, được xây dựng trên lòng sông khô cạn và dựa vào vách núi đổ nát. Trong khi đó, số lượng các con đập đang nhân lên. Ông Rajnath Ram, cố vấn năng lượng của cơ quan hoạch định chính sách của chính phủ trung ương Ấn Độ, cho biết nhu cầu điện của Ấn Độ đang tăng cao và dãy Himalaya thì lại có nguồn thủy điện dồi dào. Ông cho biết cả nước có 150 gigawatt tiềm năng thủy điện, trong đó chỉ hơn 50 gigawatt hiện đang được khai thác. “Kế hoạch của chúng tôi là tăng con số này lên 68 gigawatt", ông nói.

Sự phát triển nhanh chóng của các đập thuỷ điện tại khu vực Himalayas. Ảnh: Bloomberg.
Sự phát triển nhanh chóng của các đập thuỷ điện tại khu vực Himalayas. Ảnh: Bloomberg.

Theo Global Energy Monitor, Ấn Độ có hơn 100 đập thủy điện mới đang được quy hoạch hoặc đang xây dựng trên dãy Himalaya, vị trí hoàn hảo để chặn lượng nước khổng lồ chảy từ sông băng đang tan chảy trên núi.

Thuy nhiên các nhà khoa học cho biết sức nặng tăng thêm của cơ sở hạ tầng mới, quy mô lớn cũng như việc thường xuyên phá núi để lấy không gian cho đường và đường hầm làm tăng thêm mối nguy hiểm cho Joshimath và các thị trấn miền núi khác.

Năm 2019, một đánh giá khoa học mang tính bước ngoặt ước tính rằng hơn 1 tỉ người trên khắp khu vực Hindu Kush Himalaya, trải dài từ 8 quốc gia từ Afghanistan đến Myanmar, phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn, bao gồm lũ quét, tuyết lở, lở đất và hạn hán.

Khi các dự án cơ sở hạ tầng mới đang được lên kế hoạch, chính quyền sẽ nghiên cứu các tác động đến môi trường xung quanh và cố gắng giảm thiểu chúng. Mặc dù vậy, ông Arun Shreshta, chuyên gia khí hậu cấp cao của Trung tâm Phát triển Núi Tích hợp Quốc tế (ICIMOD) có trụ sở tại Nepal, cho biết: “chúng tôi ngày càng lo ngại hơn rằng tác động của chính môi trường đối với cơ sở hạ tầng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu”. Sạt lở đất và lũ lụt luôn xảy ra ở vùng núi, nhưng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những rủi ro này.

Ông nói, lhông thể hiểu được mức độ rủi ro của một dự án nếu không tính đến khả năng xảy ra tác động chồng chất. Ví dụ, sự sụp đổ của một con đập trên sông sẽ khuấy động nhiều mảnh vụn và trầm tích đến mức có thể lấn át các con đập ở hạ lưu. Tuy nhiên, ông nói, phạm vi đánh giá đó “là điều mà các nhà quản lý dự án thường không làm.”

Có thể bạn quan tâm:

 Doanh nghiệp phương Tây mất hơn 100 tỉ USD vì rời Nga

Nguồn Bloomberg