Thông thường, hoạt động vận tải hàng không trong tuần đầu tiên của năm mới khá im lắng. Ảnh: CNBC.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 25/01/2024 17:14

Giá cước vận tải hàng không tăng mạnh do đâu?

Giá cước vận tải hàng không tăng khi các công ty chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không để tránh tình trạng chậm trễ.

Các chuyến tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đang phải thay đổi hải trình do lo ngại về cuộc tấn công của phiến quân Houthi, dẫn đến thời gian giao hàng bị chậm trễ. Trước tình hình này, nhiều công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa đã chuyển sang sử dụng dịch vụ vận tải hàng không như một giải pháp thay thế. Do đó, dẫn đến việc giá cước vận tải đường không tăng mạnh.

Dữ liệu từ Xeneta, nền tảng hàng đầu về giá cước vận tải biển và hàng không, cho thấy khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng máy bay đã tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những lô hàng có đích đến là châu Âu mà lẽ ra nên phải được vận chuyển bằng đường biển. Để tránh tuyến Biển Đỏ, ngày càng nhiều tàu chở hàng đã chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (châu Phi), khiến thời gian hành trình kéo dài. Nhằm tránh việc không bị chậm trễ, nhiều công ty đã chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không, nhưng phải đối mặt với mức giá cước cao.

Thông thường, hoạt động vận tải hàng không trong tuần đầu tiên của năm mới khá im lắng. Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy, đã có sự thay đổi trong năm 2024.

Cuộc khủng hoảng vận tải biển ở Biển Đỏ đã làm gia tăng mối lo ngại về lạm phát trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là sự gia tăng mạnh mẽ về khối lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn bất cứ thời điểm nào trong năm 2023. Nếu nhu cầu lớn vẫn tiếp tục, giá cước vận tải hàng không có thể tăng nhiều hơn mức 10%.

Tình hình hiện nay khiến người nhớ lại cú sốc trong chuỗi cung ứng xảy ra vào thời kỳ đại dịch COVID-19, khi giá cước cả đường biển và đường không đều tăng vọt. Giới chuyên gia cho biết, sự khác biệt chính giữa vận tải hàng không thời đại dịch và hiện nay là sự trở lại của hành khách và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đã giảm so với trước đây.

 

“Trước đây, công suất là vấn đề. Nhưng giờ đây, khối lượng hàng hoá được vận chuyển bằng hàng không tăng mạnh không phải do người tiêu dùng mua hàng nhiều hơn, mà do các công ty cần vận chuyển hàng, nhằm giảm thiểu tình trạng hàng hoá bị chậm trễ do các chuyến tàu biển phải đi đường vòng”, ông Niall van de Wouw, Chuyên gia tại Xeneta, cho biết.

Khối lượng hàng hoá đi từ Việt Nam sang châu Âu, chủ yếu là hàng dệt may, đã tăng 62% trong tuần trước và cao hơn 6% so với tuần cao điểm của năm 2023 hồi tháng 10. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng này cũng cao hơn 16%, theo dữ liệu Xeneta.

“Cước vận tải hàng không vẫn chưa cao như trong thời đại dịch, nhưng sự đột ngột của cuộc khủng hoảng Biển Đổ đã khiến giá cước vận tải hàng không tăng nhanh hơn với dự báo và gây ra sự đảo lộn lớn hơn so với giai đoạn ban đầu lúc đại dịch xảy ra”, bà Emily Stausboll, Chuyên gia phân tích dữ liệu Xeneta, cho biết.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Bank of America, khoảng 28% hàng hoá container trên toàn cầu đi qua kênh đào Suez/Biển Đỏ. Trong số này, khoảng 30% là đồ nội thất, vật dụng trong nhà và hàng dệt may. Những doanh nghiệp có sự hiện diện lớn ở thị trường châu Âu như Phillips-Van Heusen Corporation, Birkenstock, Capri Holdings Limited, Nike, Ralph Lauren, VF Corp và Levi Strauss & Co. đều bị ảnh hưởng bởi việc kéo dài thời gian vận chuyển hàng từ châu Á sang châu Âu thông qua đường biển. Phillips-Van Heusen sở hữu các thương hiệu như Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Warner's, Olga và True & Co. Capri Holdings sở hữu Versace, Jimmy Choo và Michael Kors. VF Corp là chủ sở hữu của các thương hiệu như Vans, The North Face, Timberland và Dickies.

 

Việc thay đổi lộ trình tránh Biển Đỏ và đi qua Mũi Hảo Vọng khiến các chuyến tàu chở hàng từ châu Á đến Mỹ mất thêm từ 1-2 tuần, thay vì đi qua Biển Đỏ hoặc kênh đào Suez như thường lệ. Những chuyến tàu đi từ châu Á sáng châu Âu  phải đi quãng đường dài hơn nếu tiếp tục việc chuyển hướng như vậy. Đây chính là lý do mà việc sử dụng phương thức vận tải hàng không đang ngày càng tăng lên.

Các chuyên gia quản lý logistics thường ưa chuộng việc sử dụng kênh đào Suez, vì đây là tuyến đường nhanh nhất để vận chuyển hàng hóa từ Đông Nam Á đến châu Âu và Bờ Đông của Mỹ. Ông Lorraine Hutchison, Chuyên gia tại Bank of America, cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu có thể tăng thêm 30%, trong khi phần lớn hàng hoá đi qua kênh đào Suez là được chuyển tới châu Âu.

Nhiều hãng sản xuất ô tô, chẳng hạn như Suzuki, Tesla và Volvo đã báo cáo về tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng vận tải biển lên hoạt động sản xuất của họ. Một số nhà mày của các hãng này tại châu Âu phải giảm bớt hoạt động vì trì hoãn thời gian giao nhận linh kiện.

“Chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển sang vận tải hàng không trong tất cả các lĩnh vực, từ hàng thời trang cho đến linh kiện ô tô”, ông Brian Bourke, Giám đốc Thương mại toàn cầu công ty SEKO Logistics, nhận định. Thời gian vận chuyển biển kéo dài, cộng với việc các nhà máy đóng cửa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đang gây lo lắng cho các nhà nhập khẩu tại châu Âu.

Có thể bạn quan tâm:

BYD tìm đường vào châu Âu và Bắc Mỹ

Nguồn CNBC