Đội nghiên cứu tại IRRI đã tới Ấn Độ và Bangladesh để thăm những cánh đồng trồng thử nghiệm giống lúa chịu ngập của nông dân.

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 27/12/2022 15:14

Làm nông nghiệp cân bằng để thích ứng với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Tại tọa đàm mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Ông Bùi Thế Duy cho biết thêm, tại Việt Nam, ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Nói về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, GS. Pamela Ronald (Đại học California) cho biết ở Nam Á và Đông Nam Á, ngập úng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người nông dân, dự đoán sẽ làm thất thoát khoảng 4 triệu tấn lúa, ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Các nhà khoa học trao đổi về giải pháp để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học trao đổi về giải pháp để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Để đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, một trong số đó là đưa gene chịu ngập vào giống lúa.

Theo GS. Pamela Ronald, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đã tìm cách tạo ra các giống lúa chịu ngập tốt, có thể chống chịu trong khoảng 2 tuần, trong khi giống khác chỉ chịu 3 ngày.

Đội nghiên cứu tại IRRI đã tới Ấn Độ và Bangladesh để thăm những cánh đồng trồng thử nghiệm giống lúa chịu ngập của nông dân. Nơi trồng thử nghiệm là địa bàn thường xuyên chịu ngập úng, nhất là khi biến đổi khí hậu gia tăng. Tại đây, dân trồng lúa Swarna, bổ sung gene chịu ngập sub1 thì sinh trưởng tốt, chịu ngập tốt, sản lượng cao hơn. Dự án đã thành công khi trong năm vừa qua có 6 triệu nông dân toàn cầu đã trồng giống lúa có gen sub1 chịu ngập tốt.

ần sử dụng đất thông minh bền vững hơn thông qua
Cần sử dụng đất thông minh bền vững hơn thông qua "bẫy carbon". Ảnh: T.L

Đề cập đến vấn đề dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu, TS. Van Schepler-Luu, Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và tính kháng của cây ký chủ tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho hay, hằng năm các loại dịch bệnh làm giảm 30% năng suất cây trồng. Ngoài ra, thuốc trừ sâu sử dụng trong sản xuất cũng làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân; biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trong nông nghiệp.

Đưa ra giải pháp, TS. Van Schepler-Luu đề xuất: "Cần mô hình dự báo toàn cầu, để biết và dự báo khả năng bùng nổ dịch bệnh. Với mạng lưới toàn cầu, chúng ta có thể xác định được xu hướng dịch bệnh và nhanh chóng xác định được giống lúa có thể kháng bệnh tật".

Bà Van Schepler-Luu cho rằng, khả năng kháng bệnh không chỉ ở 1-2 giống cây trồng, mà còn ở cả hệ thực vật nói chung. Mô hình nông nghiệp kháng bệnh hiệu quả với công nghệ mới có thể hỗ trợ xây dựng mạng lưới để dự báo và điều chỉnh mô hình canh tác phù hợp.

Trao đổi về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp, GS. Claudia Wagner-Riddle (Canada) phân tích: Các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, phá rừng làm nương rẫy hoặc vận tải chế biến lương thực đóng góp 30% vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng phát thải từ chăn nuôi chiếm 50% phát thải trong tổng ngành.

Để giảm thiểu tác động của sản xuất nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, GS. Claudia Wagner-Riddle cho rằng, cần sử dụng đất thông minh bền vững hơn thông qua "bẫy carbon" (giải pháp hấp thụ-cô lập-lưu trữ carbon) và giảm phát thải N2O.

Việc này có thể vấp phải khó khăn do người nông dân chưa có động lực đầu tư vào môi trường, vì vậy cần triển khai mẫu và thuyết phục người nông dân thực hiện. Khi có các mô hình làm tốt vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại năng suất cao cho cây trồng thì người nông dân sẽ tự động áp dụng theo.

Có thể bạn quan tâm:

Xây dựng thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam