Doanh nghiệp Việt đối mặt với rủi ro thương mại quốc tế ngày càng tăng
Ngày càng khó khăn về thị trường, nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những thị trường mới, hoặc tham gia thị trường ngách mà chưa có điều kiện tìm hiểu thông tin khách hàng.
Muôn vàn kẽ hở “chết”
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn nhận được một đơn hàng xuất khẩu cá tra phile đông lạnh trị giá 58.881,60 USD (sau khi đã trừ 10% đặt cọc 6.542,4 USD) vào 2015.
Sau đó, Vĩnh Hoàn đã nhiều lần gửi thư yêu cầu thanh toán, từ tháng 7.2015 đến tháng 12.2016, nhưng Công ty Al-Reda luôn tránh việc thanh toán với nhiều lý do. Sau nhiều biện pháp cứng rắn của Vĩnh Hoàn và can thiệp từ Hiệp hội Thuỷ sản Vasep, năm 2017 khách hàng này mới chịu trả tiền.
VHC từng vất vả đòi tiền từ Công ty Al-Reda tại Ai Cập trong hơn 2 năm |
Công ty Thuỷ sản Gò Đàng cũng đã bán nhiều lô hàng trị giá hơn 100.000 USD nhưng không nhận được tiền từ Công ty Echopack, mặc dù xuất khẩu qua hình thức tín dụng thư. Theo đó, Echopack mở L/C tại ngân hàng có tên General Equity ở New Zealand, phía Gò Đàng giao hàng và bộ chứng từ xong, ngân hàng trên sẽ chuyển tiền thanh toán.
“Nhưng chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, làm rất nhiều cách mà ngân hàng này không chuyển tiền thanh toán. Còn phía Công ty Echopack có dấu hiệu lừa đảo khi đăng ký một chữ ký khác với chữ ký trong hợp đồng mua bán”, ông Đạo từng chia sẻ. Công ty thuỷ sản Sóc Trăng cũng chung số phận khi mất 200.000 USD.
Theo Vasep, có đến 10 doanh nghiệp Việt là nạn nhân của Công ty Echopack. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, chia sẻ Công ty Echopack ký hợp đồng mua thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thanh toán thông qua Ngân hàng General Equity. Các bên thỏa thuận yêu cầu là chữ ký của Echopack tại General Equity phải trùng với chữ ký của Echopack trên hợp đồng thương mại.
Tuy nhiên, khi các công ty Việt Nam gửi bộ hồ sơ, yêu cầu General Equity thanh toán thì ngân hàng này chậm phản hồi đến 100 ngày. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm hiểu và phát hiện ra sự thật bên mua đã nộp cho ngân hàng hợp đồng có chữ ký khác với chữ ký trên hợp đồng giữa hai bên…
Echopack và Công ty nhập khẩu có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở L/C và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký. General Equity cố ý làm sai quy định thanh toán của L/C” theo chia sẻ của ông Trương Đình Hòe.
Ngày càng nhiều “kẽ hở” gian lận
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ma của các nước đang tiến hành nhiều thương vụ lừa đảo đến các doanh nghiệp Việt Nam.
Vừa qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu không giao dịch với công ty MACROTEX TRADING SL hay GOLD NUTS. Thương vụ cho biết, tuy đăng ký kinh doanh tại Tây Ban Nha nhưng theo thông tin của Hải quan Tây Ban Nha thì không có tên MACROTEX TRADING SL trong số các nhà nhập khẩu nông sản vào nước này. Như vậy, họ chỉ là nhà môi giới mua hàng bán sang nước thứ ba.
Công ty Maroc có tên STE TOP ARABIC SARL A.U thường lừa đảo khi đặt mua các sản phẩm hạt điều, tiêu, cà phê, gia vị... |
Doanh nghiệp có tên GOLD NUTS tại Ceuta cũng đã tiến hành hỏi mua sản phẩm Việt Nam vào hồi tháng 3.2018 và có ý định lừa đảo nhưng không thành.
Tuần vừa qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu không giao dịch với Công ty Maroc có tên STE TOP ARABIC SARL A.U. Theo đó, công ty này thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu các nước, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản như hoa quả đóng hộp, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gia vị…
Sau khi ký hợp đồng với phương thức thanh toán đổi chứng từ và bên bán đã gửi hàng theo cam kết, Công ty Maroc này không lấy hàng, bỏ mặc hàng lưu kho với mức phí hàng ngày tại Maroc rất cao nhằm mục đích ép giá, gây thiệt hại và đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thực tế, đây là một công ty ma chuyên lừa đảo.
Doanh nghiệp mua giấy A4 từ một đối tác Thái Lan bị lấy mất tiền cọc |
Một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải vất vả kiện tụng khi mua hàng hóa từ đối tác Thái Lan với trị giá lô hàng khoảng 5.700 USD, nhưng người bán đã không giao hàng như thỏa thuận và có dấu hiệu lừa đảo sau khi công ty hoàn tất chuyển tiền hàng. Một số doanh nghiệp ngành nhựa cũng bị tương tự.
Đầu năm nay, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (bang Texas, Mĩ) cũng đưa cảnh báo tới doanh nghiệp Việt bị lừa đảo khi làm ăn với đối tác Mĩ. Cụ thể, doanh nghiệp Việt (bên mua) đã chuyển tiền vào tài khoản bên bán theo số tài khoản mà bên bán cung cấp qua email. Tuy nhiên, đây là những tài khoản giả mạo. Hộp thư điện tử của bên bán bị kẻ lừa đảo đột nhập, rồi gửi thông tin giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền.
Sản phẩm trái cây từng bị đốc tác tại Tiều vương Quốc Ả Rập Thống nhất lừa tiền |
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam đã bị lừa tiền khi xuất khẩu trái cây sang thị trường này. Trước đây khoảng thời điểm 2011 thì khá nhiều doanh nghiệp bị mắc bẫy lừa đảo tại thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á… Hầu hết các trường hợp doanh nghiệp Việt bị lừa đều do chưa tìm hiểu kỹ thông tin các đối tác hoặc ham hàng giá rẻ.