Bà Phạm Thị Mai Son, CEO Maison RMI. Ảnh: Maison RMI.

 
Linh Lan Thứ Năm | 20/10/2022 15:15

Maison RMI đặt mục tiêu doanh thu 400 triệu USD trong vòng 5 năm

Maison RMI, một trong những nhà bán lẻ thời trang hàng hiệu hàng đầu tại Việt Nam, đặt cược vào sự trải nghiệm của khách hàng.

Vừa bước qua tuổi 20, Maison RMI đặt mục tiêu mở rộng hệ thống cửa hàng lên 400 trong 5 năm tới, từ con số 120 ở thời điểm hiện tại. Doanh thu dự kiến tăng lên 400 triệu USD từ 110 triệu USD.

Các cửa hàng mới không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà còn tại các thành phố trực thuộc tỉnh như Bình Dương, Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ninh... Bà Phạm Thị Mai Son, CEO Maison RMI, chia sẻ với NCĐT về những thách thức mà Maison RMI sẽ phải vượt qua để đạt được mục tiêu này.

Bà đã có những chuẩn bị gì để thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới kinh doanh trên?

Trong suốt 20 năm qua, doanh thu thường niên của Maison RMI luôn ở mức ổn định mà chưa cần bất kỳ sự hỗ trợ nguồn vốn nào từ bên ngoài. Chúng tôi luôn tự hào về điều này. Chính vì thế, tập trung vào lợi nhuận vẫn sẽ là điều cốt lõi trong kế hoạch tăng trưởng của Công ty. Chúng tôi lên kế hoạch gia tăng nguồn vốn sau 20 năm hoạt động với mục tiêu tăng trưởng cấp số nhân trong vòng 5 năm tới nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc “tăng trưởng có lãi” vốn làm nên thành công cho Maison RMI.

Để đạt được mức tăng trưởng theo đúng kế hoạch đã đề ra, chúng tôi đã và đang đầu tư vào khả năng vận hành của doanh nghiệp ở nhiều mặt. Về nhân lực, chúng tôi thu hút đội ngũ quản lý cấp cao nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.

Chẳng hạn, COO từng là đồng sáng lập của Leflair, trước đó từng điều hành công việc tại Lazada. Phó Tổng Giám đốc Thương mại của Maison RMI sở hữu thâm niên hơn 3 thập kỷ trong ngành thể thao và phong cách sống toàn cầu cùng nhiều thương hiệu khắp 3 châu lục.

Chúng tôi cũng đang sở hữu 3 trung tâm phân phối với tổng diện tích lên đến 10.000 m2 hiện hoạt động hết công suất trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thâm nhập những thị trường mới và mở rộng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, chúng tôi chú trọng mảng công nghệ với việc thành lập Business Intelligence hơn 3 năm nay để hỗ trợ những báo cáo và phân tích dữ liệu theo thời gian thực nhằm giúp đội ngũ quản lý ra quyết định chính xác hơn. Hệ thống SAP và ERP đã được chúng tôi xây dựng gần 10 năm.

Người tiêu dùng đang có thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn, việc mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý của Maison RMI liệu có mạo hiểm?

Tôi không nghĩ đây là một bước đi mạo hiểm. Bởi với thời trang, tôi tin rằng, nhu cầu được chạm, nhìn và trải nghiệm trực tiếp tại các cửa hàng vẫn rất phổ biến và cần thiết đối với người tiêu dùng Việt Nam. Và thực tế, doanh thu từ các cửa hàng vật lý vẫn chiếm khoảng 90% tổng doanh thu tại Maison RMI.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phát triển thương mại điện tử và các nền tảng mua sắm trực tuyến song song với việc mở rộng các cửa hàng vật lý. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái để khách hàng có thể tiếp cận các sản phẩm và thương hiệu ở bất kỳ hình thức nào họ thấy thuận tiện từ app, website, cửa hàng trực tuyến của mỗi thương hiệu cho đến mua trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ vật lý.

Đâu là mô hình phân phối thời trang quốc tế đáng để tham khảo? Bà đã ứng dụng những gì từ họ? 

Là một nhà phân phối các thương hiệu thời trang quốc tế, tôi học được nhiều từ quy chuẩn của chính các thương hiệu mà chúng tôi đang phân phối như Charles & Keith, Pedro, MLB, Havaianas,... Tôi cho rằng, là một nhà bán lẻ, trước khi có sự sáng tạo, phải nắm vững quy trình, quy chuẩn và định vị của thương hiệu. Chỉ cần làm được điều này thôi, bạn đã có thể bán được hàng.

Chúng tôi tìm kiếm các đối tác quan tâm đến sự phát triển bền vững đôi bên cùng có lợi. Điều quan trọng là chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác có chung tầm nhìn và sẵn sàng “địa phương hóa” tại thị trường Việt Nam, không chỉ tập trung vào trung tâm thương mại mà còn ở các “cửa hàng đường phố”.

Ngoài ra, các thương hiệu do chính Maison RMI thành lập sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng của Công ty trong thời gian tới. Chúng tôi đã ra mắt GiGi - thương hiệu thời trang Việt mang cảm hứng Paris và Ceci - thương hiệu phụ kiện dành cho giới trẻ. Cả 2 đều được đón nhận tích cực trên thị trường kể từ khi ra mắt. Maison RMI cũng sẽ cân nhắc việc mua lại các thương hiệu thời trang nội địa đã có tên tuổi khác mà Công ty nhận thấy có tiềm năng mở rộng quy mô bằng nguồn lực, cơ sở hạ tầng và chuyên môn của mình.

Để cạnh tranh với những thương hiệu cùng phân khúc, bà có những chiến lược gì để thu hút khách hàng?

Cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Có những đối thủ rất mạnh, uy tín và quyền lực trên thị trường với những thương hiệu xuất sắc trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, tôi tin rằng, bằng một số chiến lược chính chúng tôi sử dụng sau đây, có thể giữ được khách hàng trung thành vừa thu hút được những khách hàng mới.

Thứ nhất, chúng tôi hướng tới việc khách hàng nhận được nhiều lợi ích hơn khi mua sắm nhiều hơn thông qua chương trình khách hàng thân thiết. Chương trình hiện mới được áp dụng trên app. 

 

Thứ 2, tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi cố gắng cung cấp những dịch vụ tốt nhất, từ tư vấn, giao hàng cho đến chăm sóc sau bán hàng. Chúng tôi cam kết trả lời tất cả thắc mắc của khách trong vòng 24 giờ.

Thứ 3, chúng tôi coi trọng sự phát triển lâu dài và vị thế của thương hiệu trên thị trường thông qua các chiến dịch quảng bá thương hiệu, sự kiện, truyền thông và đẩy mạnh hợp tác với các KOLs hàng đầu về thời trang.

Thứ 4, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào các thương hiệu đại chúng chuyên về thời trang và có thể là mỹ phẩm chứ không tham gia cạnh tranh làm mất tính tập trung vào các lĩnh vực khác như F&B hay dịch vụ du lịch...

Nhân lực có chất lượng cũng là một trong những thách thức trong hành trình mở rộng kinh doanh. Bà giải quyết bài toán này như thế nào?

Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn hóa cách thức trưng bày sản phẩm, tối ưu hóa các mặt hàng bán chạy. Những khía cạnh khác như ánh sáng, nhiệt độ và vệ sinh cửa hàng cũng được đồng bộ theo quy chuẩn chung của các cửa hàng quốc tế. Thông qua chương trình “Mystery Shopper Program”, chúng tôi có thể kiểm tra chất lượng dịch vụ tại mọi cửa hàng trên toàn quốc, nhờ đó, khâu quản lý và dịch vụ chăm sóc gần như nhất quán.

Trên tất cả, với quan điểm lấy con người làm trung tâm, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến bộ phận đào tạo và phát triển như đã chia sẻ. Khách hàng bước chân vào bất kỳ cửa hàng nào của Maison RMI đều cảm nhận được mọi nhân viên bán hàng là một chuyên gia về thương hiệu. Chất liệu sản phẩm thế nào, xu hướng thời trang ra sao, thuộc bộ sưu tập nào, nên tương tác với khách thế nào... các bạn đều được trang bị trong chương trình đào tạo nâng cao tay nghề.

Để đảm bảo sự nhịp nhàng trong khâu vận hành và duy trì văn hóa công ty, phương thức quản trị của bà là gì?

Bên cạnh các chương trình đào tạo, chúng tôi còn định hướng phát triển nghề nghiệp cho từng nhân viên để họ có niềm tin về sự nghiệp rộng mở tại nơi đang làm việc thông qua  KPI và bảng mô tả công việc cụ thể, nhằm giúp họ có cơ hội phát triển sự nghiệp, thăng tiến lên vị trí quản lý và gia tăng thu nhập.

Công việc và sự nghiệp là 2 phạm trù khác nhau. Dĩ nhiên, tôi muốn mọi người cùng phát triển trong Công ty của chúng tôi. Khi chúng tôi mở nhiều cửa hàng hơn, chúng tôi sẽ cần nhiều quản lý cửa hàng hơn. Trong năm tới, theo kế hoạch chúng tôi sẽ mở rộng thêm 40 cửa hàng mới, đồng nghĩa với việc sẽ cần có thêm 40 quản lý cửa hàng mới. Sẽ là cơ hội tốt cho những nhân viên bán hàng hiện tại được thăng lên các vị trí quản lý này vì Công ty luôn ưu tiên những nhân sự đã và đang cống hiến hết mình. Maison RMI cũng sẽ hợp tác thêm nhiều thương hiệu quốc tế mới và sẽ cần thêm nhiều giám đốc thương hiệu mới. Đây là cơ hội cực kỳ hấp dẫn cho bất kỳ ai trong Công ty, bất kể vị trí hiện tại của họ là gì, nếu sẵn sàng học hỏi, làm việc chăm chỉ và duy trì một thái độ tích cực, cơ hội sẽ đến với người xứng đáng.

Điều quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là sự trao quyền. Tôi luôn khuyến khích nhân viên dám làm dám thử các phương pháp cần thiết trong các khâu vận hành để công việc được diễn ra nhịp nhàng, từ đó hoàn thành mục tiêu. Tôi tin một khi nhân viên được trao quyền, được tin tưởng sẽ nỗ lực đóng góp hết sức cho công việc. Đây chính là nét văn hóa tôi đã và đang tạo ra tại Maison RMI.