Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 27 - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Dẫn đầu với thúc đẩy đổi mới của PwC.

 
Quyên Nhi Thứ Ba | 06/02/2024 17:00

Gần 2/3 CEO lo ngại về tính bền vững của doanh nghiệp

63% CEO tại châu Á-Thái Bình Dương tin rằng công ty của họ sẽ không thể tồn tại trong thập kỷ tới nếu tiếp tục theo con đường hiện tại.

Các CEO vẫn đang đối mặt với những biến động không ngừng của thị trường. Điều này thể hiện rõ qua khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 27 - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Dẫn đầu với thúc đẩy đổi mới của PwC. Giới CEO trong khu vực có quan điểm khác nhau khá nhiều về nền kinh tế toàn cầu. Trong khi 45% dự đoán tình hình sẽ xấu đi, 40% tin rằng kinh tế sẽ cải thiện vào năm 2024.

Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, 97% CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ đã bắt đầu các bước chuyển đổi doanh nghiệp, dù chỉ ở mức độ nào đó. Những nỗ lực này đã đạt được một số thành công. Khảo sát cho thấy các CEO trong khu vực cảm thấy ít bị ảnh hưởng hơn bởi các rủi ro ngắn hạn như biến động kinh tế vĩ mô (giảm 9%), lạm phát (giảm 21%) và căng thẳng địa chính trị (giảm 12%). Tuy nhiên, sự tự tin vẫn mong manh. 63% CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn lo lắng về tính bền vững của công ty, cao hơn 10% so với năm trước và 18% so với mức trung bình của các CEO toàn cầu.

Ông Raymund Chao, Chủ tịch PwC Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Khảo sát CEO Toàn cầu của chúng tôi năm nay chính là một lời kêu gọi cấp thiết và mạnh mẽ để doanh nghiệp hành động cứng rắn hơn trong việc chuyển đổi, đổi mới doanh nghiệp. Các cuộc xung đột địa chính trị kéo dài và lo ngại lạm phát, cùng với những thách thức khác, đã thực sự ăn sâu, gia tăng rủi ro và hạn chế tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, các đại xu hướng toàn cầu, bao gồm các đột phá công nghệ - điển hình là sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) - và các vấn đề liên quan đến khí hậu đang ngày càng thu hút sự chú ý của các CEO. Trong một thị trường không ngừng biến đổi, các doanh nghiệp phải áp dụng văn hóa đổi mới liên tục để không chỉ duy trì lợi thế cạnh tranh mà còn đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài.”

Các CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng liệt kê 3 trở ngại hàng đầu đối với việc chuyển đổi doanh nghiệp (ở mức độ vừa phải trở lên), bao gồm hệ thống quy định pháp luật (66%), thiếu hụt kỹ năng lực lượng lao động (60%), và chuỗi cung ứng không ổn định (57%).

Bắt kịp những đại xu hướng toàn cầu: Biến đổi khí hậu và đột phá công nghệ (GenAI)

Các CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận thức được rằng họ cần phải hành động trước tác động từ những đại xu hướng toàn cầu như biến đổi khí hậu và đột phá công nghệ, vốn đang đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong doanh nghiệp.

65% CEO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao về tiềm năng cải thiện hiệu suất làm việc của GenAI, tuy nhiên 25% dự đoán sẽ cắt giảm số lượng nhân viên.
65% CEO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao về tiềm năng cải thiện hiệu suất làm việc của GenAI, tuy nhiên 25% dự đoán sẽ cắt giảm số lượng nhân viên.

Báo cáo của chúng tôi nhấn mạnh rằng các CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có những bước tiến đáng kể trong hành trình giảm phát thải carbon - 68% đang tích cực nâng cao hiệu quả năng lượng và 51% đang đưa ra thị trường các sáng kiến thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khoảng 1/5 CEO khu vực hiện vẫn chưa áp dụng các hành động khác liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS, Nature-based Solutions) hoặc các giải pháp chuyển dịch năng lượng công bằng.

CEO châu Á - Thái Bình Dương đối mặt với trở ngại kép trong công cuộc chống biến đổi khí hậu - sự phức tạp trong quy định (63%) và lợi nhuận từ các khoản đầu tư thân thiện với môi trường thấp hơn (61%) được cho là những rào cản lớn nhất cần vượt qua. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là 51% CEO trong khu vực đã chấp nhận lợi nhuận thấp hơn cho các khoản đầu tư thân thiện với môi trường trong năm qua, cao hơn 10% so với mức trung bình toàn cầu.

Các CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận GenAI như chất xúc tác mạnh mẽ cho việc công cuộc chuyển đổi, thúc đẩy hiệu quả, đổi mới và chuyển đổi toàn diện. Hơn 2/3 CEO trong khu vực dự đoán GenAI sẽ tác động đáng kể đến công ty, lực lượng lao động và thị trường của họ trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là 41% CEO thừa nhận chưa áp dụng GenAI trên toàn công ty trong 12 tháng qua.

Việc giải quyết những thách thức xã hội phức tạp mang đến một cơ hội vàng cho các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương để tạo ra giá trị và giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững, các nhà lãnh đạo nên tinh chỉnh lộ trình chuyển đổi của mình, tích hợp tính linh hoạt xung quanh các yêu cầu chiến lược then chốt và đảm bảo gắn kết chặt chẽ, có định hướng với toàn bộ tổ chức.

Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, chia sẻ: “Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và những năm sau đó được dự báo có  nhiều hứa hẹn mặc dù thực trạng thương mại toàn cầu hiện nay đang chậm lại và có nhiều biến động khó lường. Dù chúng ta nhận thấy một số tín hiệu tích cực trong ngắn hạn dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng phục hồi, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp vẫn cần cấp bách đưa ra các quyết định chiến lược dài hạn. Các xu hướng lớn như AI, chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đóng góp một phần quan trọng trong việc tái định hình các chiến lược ở cả quy mô doanh nghiệp lẫn quốc gia”.

“Với 30 năm hoạt động tại Việt Nam, PwC đã đồng hành và chứng kiến ​​hành trình phục hồi, tăng trưởng phi thường của Việt Nam, nổi bật nhất là khả năng thích ứng, sự kiên cường và luôn cam kết hướng tới một tương lai bền vững. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hợp tác và hỗ trợ chính phủ cùng các doanh nghiệp trong suốt kỷ nguyên đầy biến đổi này", ông chia sẻ thêm.