Hiện nay, trong nước mới chỉ có doanh nghiệp duy nhất sản xuất xe ô tô điện chạy pin là VinFast với công suất sản xuất, lắp ráp 250.000 xe/năm.
Xe điện Việt Nam chờ cú hích chính sách
Bộ Tài chính Việt Nam vừa đề xuất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện chỉ bằng một nửa so với ô tô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi. Tuy nhiên, để thu hút sự quan tâm của xã hội cho phương tiện này, Việt Nam cần nhiều chính sách mạnh mẽ hơn.
Đòn bẩy cho phương tiện xanh
Nội dung giảm thuế trước bạ nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 của Chính phủ về lệ phí trước bạ vừa được Bộ Tài chính ban hành. Mức lệ phí trước bạ này dự kiến áp dụng trong 5 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.
Đây là chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô điện chạy pin, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xe này theo Luật Bảo vệ môi trường. Với cùng phân khúc ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, ô tô truyền thống chạy bằng xăng hiện chịu mức thu lệ phí trước bạ 10-15% (tùy từng địa phương). Theo đề xuất của Bộ Tài chính, lệ phí trước bạ với ô tô điện theo đó sẽ chịu mức thu 5-7,5%.
Mức nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi của ô tô điện sẽ tương đương với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%). Một phép tính đơn giản, giả sử ô tô chạy điện bằng pin có giá trị 600 triệu đồng thì chủ sở hữu chỉ tốn 30-45 triệu đồng đăng ký sở hữu thay vì 60 đến gần 100 triệu đồng như trước kia.
Hiện nay, trong nước mới chỉ có doanh nghiệp duy nhất sản xuất xe ô tô điện chạy pin là VinFast với công suất sản xuất, lắp ráp 250.000 xe/năm. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh xe điện đang được kỳ vọng là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, khí thải ở các thành phố lớn mà nhiều quốc gia đã cam kết theo đuổi kể từ Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua.
Mỹ sau nhiều lần chần chừ cũng đã cho thấy quyết tâm đẩy mạnh phương tiện này khi mới đây Tổng thống Joe Biden cho biết hy vọng rằng đến năm 2030, có một nửa lượng ô tô bán ra thị trường là xe điện.
Lĩnh vực giao thông vận tải đang được cải tổ mạnh nhất vì đó là bộ phận thải ra khí nhà kính nhiều nhất, trong đó ô tô và xe tải là các phương tiện đóng góp nhiều nhất. Theo CNBC, các tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu và khí thải liên bang Mỹ sẽ được thông qua vào năm 2026, dựa trên các quy định khắt khe của California, bang đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.Theo Sở Lâm Nghiệp và Phòng cháy rừng (CAL Fire) trong năm 2020, có hơn 20 vụ cháy rừng ở California khiến hơn 10.000 tòa nhà hủy hoại và hơn 30 người thiệt mạng.
Trung Quốc và các quốc gia châu Âu cũng ủng hộ mạnh mẽ phong trào xe điện. Theo Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT - International Council on Clean Transportation), kể từ năm 2010 đến năm 2020, đã có 10 triệu chiếc xe điện được giao đến khách hàng. Trong số đó, 44% do Trung Quốc sản xuất, 25% do châu Âu.
Cần mạnh mẽ hơn nữa
Trên thực tế, dựa trên tính toán của Bộ Tài chính, nhu cầu sử dụng ô tô điện ở Việt Nam được cho là sẽ tập trung ở các thành phố lớn nơi có hạ tầng giao thông phát triển nên lượng ô tô điện bán ra sẽ không quá lớn.
Vì thế, theo các nhà phân tích, mục tiêu đưa người sử dụng đến dòng sản phẩm mới này ở Việt Nam có thể không gây tác động quá lớn. Từ kinh nghiệm các quốc gia đi trước, để thúc đẩy lượng tiêu thụ xe điện được sản xuất, các chính sách hỗ trợ thuế là chưa đủ. Thậm chí, bài học kinh nghiệm từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cho thấy việc hỗ trợ về tiền sẽ không có hiệu quả bền vững, thậm chí còn tạo ra các lỗ hổng để chính sách bị trục lợi.
Thay vào đó, cần kết hợp với các chính sách trợ cấp tiêu dùng phi tiền mặt để thúc đẩy xe điện phát triển. Chính sách hỗ trợ xe năng lượng mới (NEV) ở Trung Quốc, chẳng hạn, có rất nhiều điều kiện hỗ trợ phi tiền mặt nhưng hiệu quả cao. Như việc cấp bảng số xe mới, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc giới hạn số lượng biển số xe được cấp mới mỗi năm, thậm chí là cấm luôn đối với các loại xe sử dụng nhiên liệu xăng, trong khi các dòng NEV được ưu ái hơn. Không chỉ như vậy, NEV cũng được ưu ái lưu thông trong thành phố lớn và thậm chí một số thành phố còn bố trí cả chỗ đậu xe riêng.
Song song đó, Chính phủ Trung Quốc cũng giảm dần trợ cấp giá xe cho khách hàng và chuyển phần lớn khoản kinh phí này vào việc trợ cấp cho cơ sở hạ tầng sạc. Hướng dẫn phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện của chính phủ (2015-2020) bao gồm các yêu cầu liên quan đến các điểm sạc công cộng trên mỗi xe điện phải đạt tỉ lệ 1 trạm phục vụ 7 xe ở các thành phố trọng điểm của các tỉnh ven biển phía Đông vào cuối năm 2020 và đối với bán kính dịch vụ sạc công cộng dưới 0,9 km trong khu vực lõi đô thị.
Theo Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 516.000 cửa hàng sạc xe điện công cộng, tăng 56% so với cuối năm ngoái.
Cuối cùng, Chính phủ Trung Quốc cũng đẩy mạnh đối tượng được điện khí hóa đối với các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và taxi với thời hạn cụ thể. Như năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải nước này đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn bộ xe buýt ở các thành phố lớn sẽ là NEV.