Lựa chọn Mỹ là nơi đầu tiên, Vingroup có lý khi nuôi giấc mơ đưa cái tên Việt Nam lên bản đồ xe hơi thế giới. Ảnh: VinFast

 
Trung Nguyễn Thứ Hai | 22/11/2021 07:00

VinFast khởi đầu hành trình chinh phục thế giới

Một hãng xe trẻ trung đến từ Việt Nam đã lựa chọn Mỹ là nơi đầu tiên để đánh dấu hành trình chinh phục thị trường thế giới.

Sự kiện ra mắt thương hiệu xe  điện thông minh toàn cầu và 2 mẫu xe điện mới nhất VF e35, VF e36 của VinFast tại Los Angeles Auto Show sáng ngày 18/11 (giờ Việt Nam) đã gây sự chú ý đặc biệt với báo giới quốc tế. Trong đó, báo chí nước chủ nhà dành sự quan tâm lớn tới một hãng xe trẻ trung đến từ Việt Nam, đã lựa chọn Mỹ là nơi đầu tiên để đánh dấu hành trình chinh phục thị trường thế giới. 

Chạm vào giấc mơ Mỹ 

Nếu phải chọn ra một ngành công nghiệp đại diện cho sự trỗi dậy của Mỹ như một cường quốc lớn nhất thế giới, gần như chắc chắn đó sẽ là ngành công nghiệp xe hơi. Không phải là cái nôi sản sinh ra chiếc xe đầu tiên, song những thành tựu ở thế kỷ trước đã đưa xe hơi Mỹ lên một vị trí nổi bật trên bản đồ thế giới, cũng như góp phần định hình văn hóa và lịch sử của xứ sở cờ hoa.

 

Cách mạng công nghiệp xe hơi Mỹ bắt đầu với Henry Ford với việc phát triển chuỗi dây chuyền sản xuất hàng loạt. Ford đặt ra mục tiêu ai cũng có thể sở hữu một chiếc xe và ông đã làm được vào năm 1908, khi Ford Motor Company giới thiệu với thị trường mẫu xe Model T nổi tiếng với giá chỉ 850 USD vào thời bấy giờ. Thời gian sản xuất xe cũng đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 24 giây so với hơn 12 giờ lắp ráp thủ công trước đó.

Trong những thập niên tiếp theo, giá của một chiếc xe tiếp tục được giảm một cách đáng kể: Mẫu Model T giờ chỉ còn 290 USD. Xe hơi giờ đây cũng sử dụng động cơ điện chạy bằng xăng, khiến cho việc chạy xe trở nên dễ dàng hơn, những chiếc xe 4 bánh trở nên hữu dụng hơn trong nhiều mặt của cuộc sống. Thế chiến thứ nhất đã chứng minh giá trị của ô tô khi xe tải và xe cứu thương đã được sử dụng rất nhiều.

Cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước, ô tô trở thành một thú chơi của các thanh niên Mỹ và là một phần định hình văn hóa, “giấc mơ Mỹ” - vốn được thúc đẩy mạnh mẽ về mặt kinh tế sau những năm tháng chiến tranh. Năm 1950, có 25 triệu chiếc ô tô được đăng ký, phần lớn trong số đó được sản xuất trước Thế chiến thứ 2 và đến năm 1958 đã có 67 triệu chiếc được đăng ký. Các danh mục kinh doanh mới cũng đã được tạo ra, thúc đẩy văn hóa “chơi xe”, bao gồm các nhà hàng và rạp chiếu phim mà bạn có thể lái xe đến và ăn uống hay xem phim thoải mái.

Xe hơi len lỏi vào trong những cuộc nói chuyện thường ngày. Cũng giống như các bậc cha mẹ “khoe” con cái, những người trẻ Mỹ cũng “khoe” chiếc “xế hộp” mà mình sở hữu, từ việc động cơ chạy khỏe bao nhiêu, dung tích xy-lanh lớn bao nhiêu cho đến những “bộ cánh” sặc sỡ phản ánh hơi thở thời đại. Họ không chỉ độ lại nước sơn mà còn thoải mái sáng tạo trên những phụ tùng xe hơi khác như đèn hậu, mui xe hay kính chắn gió. Các mặt hàng xa xỉ như phanh trợ lực và hộp số tự động cũng trở nên phổ biến và rộng rãi hơn.

Nắm bắt được nhu cầu này, các hãng xe bắt đầu chạy đua với nhau để tạo ra những mẫu xe “khỏe”, “chắc”, “bền”. Trong suốt một thời gian dài, nhắc đến xe Mỹ là nhắc đến những chiếc xe cơ bắp, khỏe khoắn như mẫu Chevrolet Chevelle, Dodge Challenger, Ford Mustang hay Pontiac GTO. Sở hữu một con xe “chiến” của Mỹ đã trở thành một giấc mơ của nhiều thanh niên và giới chơi xe lúc bấy giờ.

 

Người Mỹ tự hào về văn hóa của mình và văn hóa xe hơi cũng vậy. Điều đó kéo dài cho tới tận ngày hôm nay, khi những tiến bộ về kinh tế - văn hóa - công nghệ đang mở ra những cánh cửa mới cho ngành công nghiệp già cỗi này. 

Mở cánh cửa Mỹ, chinh phục thế giới

“Đây chính là thời điểm thích hợp và thuận lợi để VinFast gia nhập thị trường, dù sẽ có nhiều cạnh tranh, nhưng tôi tin rằng cạnh tranh sẽ giúp VinFast mạnh hơn, tạo nên những sản phẩm tốt hơn”, CNN dẫn lời ông Michael Lohscheller, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu.

Lựa chọn Mỹ là nơi đầu tiên, Vingroup có lý khi nuôi giấc mơ đưa cái tên Việt Nam lên bản đồ xe hơi thế giới, ở một nơi mà thị trường còn non trẻ và có nhiều dư địa phát triển. Song một bài toán khó đặt ra là làm thế nào để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe hơi nổi tiếng khác?

Sau những mẫu xe đầu tiên mang tính chào đón công chúng và thăm dò thị trường, VinFast giờ đây lộ rõ tham vọng “đi tắt đón đầu” khi mạnh dạn đóng cửa mảng sản xuất smartphone để tập trung sản xuất xe điện thông minh - một khái niệm vẫn còn mới mẻ nhưng rất hứa hẹn và đang là xu hướng của thế giới.

Ở thị trường trong nước nói riêng và Đông Nam Á nói chung, VinFast có lợi thế khi vừa là một trong những đơn vị tiên phong, vừa hưởng lợi từ tệp khách hàng trẻ, hiện đại và dễ dàng bắt kịp xu hướng công nghệ. Quan trọng hơn, trong khi các hãng xe “truyền thống” đang nỗ lực chuyển đổi, rũ bỏ những giá trị “cơ bắp” đã làm nên tên tuổi của mình thì VinFast hoàn toàn có lợi thế về thời gian để tăng giá trị cạnh tranh của Công ty.

Về chiến lược gia nhập thị trường Mỹ của VinFast, CNN nhận định, hãng xe Việt đang theo bước chân của các hãng xe khổng lồ châu Á đã có mặt ở đây. “VinFast đã thuê các giám đốc điều hành, kỹ sư và nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới để giúp họ hiểu người tiêu dùng ở các thị trường như Mỹ và châu Âu, giúp việc gia nhập thị trường được tốt hơn”, CNN cho hay.

Các mẫu xe VF e35 và VF e36 của VinFast được đánh giá cao nhờ thiết kế với điểm nhấn là sự đơn giản hóa và an toàn. Báo chí Mỹ nhận định chính sách cho thuê pin của VinFast sẽ mang đến mức giá hợp lý cho khách hàng.

“Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt” - ai tận dụng thời thế sẽ trở thành kẻ cầm lá cờ đầu. Soi chiếu tới thị trường trong nước với tên tuổi nổi bật là VinFast, dù non trẻ nhưng điều đó lại mang cho cho hãng xe đến từ Việt Nam lợi thế về việc tiếp nhận nhanh chóng những thay đổi của thị trường và tiếp cận giới trẻ dễ dàng hơn những hãng xe lâu đời khác. Lịch sử 135 năm của xe hơi sẽ luôn là bài học quý giá, giờ là lúc doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn viết tiếp những trang mới của lịch sử ngành công nghiệp ô tô trong nước.