Trong quý I, có khoảng 500.000 xe điện được bán ra tại Trung Quốc, kế đến là 450.000 chiếc tại thị trường châu Âu. Ảnh: vnmedia.vn.

 
Bảo Trung Thứ Hai | 09/08/2021 09:10

Trạm sạc hay sạc ở nhà?

Bài toán quyết định khả năng thành công của xe điện tại việt nam.

Theo Báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu năm 2021 mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, trong quý I, có khoảng 500.000 xe điện được bán ra tại Trung Quốc, kế đến là 450.000 chiếc tại thị trường châu Âu. Doanh số bán hàng tại Mỹ cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, nhưng số giá trị tuyệt đối thấp hơn 2 thị trường trên. 

Tính ra, số ô tô điện bán ra trong quý I vừa qua trên phạm vi toàn cầu tăng tới 140%, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Đà tăng trưởng của xe điện được thúc đẩy từ việc chính phủ nhiều nước thực thi biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải xuống ngưỡng 0. 

So sánh xe chạy xăng với xe điện, có thể nói các yếu tố đã khá cân bằng. Nếu xe chạy bằng động cơ đốt trong có lợi thế về giá thành, thói quen tiêu dùng, thì xe điện lại vượt trội về công nghệ, về xu thế phát triển bền vững.

Tuy vậy, dù tăng tới 39% so với năm 2019, tổng doanh số tiêu thụ xe điện toàn cầu năm 2020 vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, dưới 5% so với doanh số xe chạy bằng động cơ đốt trong (xe chạy xăng). Nguyên nhân nằm ở thách thức lớn nhất đối với xe điện: Pin bao lâu và sạc ở đâu?

 

Cuộc chạy đua công nghệ nhằm kéo dài tuổi thọ và giảm giá thành của pin vẫn đang tiếp diễn, nhưng ít nhất các hãng xe đã thành công khi cho ra đời nhiều loại pin ở mức giá chấp nhận được. Vấn đề khó khăn còn lại là sạc pin.

Giải quyết bài toán sạc pin thế nào để mỗi lần sạc, người dùng có thể chạy được trên 320 km - mức giới hạn theo khảo sát của Đại học Birmingham (Anh) để người sử dụng chấp nhận đổi xe xăng thành xe điện - vẫn là bài toán hóc búa nhất.

Các trạm sạc

Gần như ngay lập tức, các hãng xe điện lên kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống trạm sạc khi bắt đầu kế hoạch sản xuất xe. Đến cuối năm 2020, Tesla, hãng xe điện nổi tiếng nhất của Mỹ, đã sở hữu gần 2.000 trạm sạc với hơn 18.000 cây sạc trên toàn thế giới. Riêng tại Mỹ, hiện có hơn 5.000 trạm sạc của tất cả các hãng xe. Cánh chim đầu đàn của xe điện Việt Nam là VinFast cũng lên kế hoạch cho 2.000 trạm sạc với khoảng 40.000 đầu sạc cho cả xe máy điện và ô tô điện. Các hãng khác như Mitsubishi, Porsche... cũng đã có một số trạm sạc riêng tại thị trường Việt Nam.

Tất nhiên, các trạm sạc này phải giải quyết được bài toán “siêu tốc”. Từ tốc độ ban đầu cần 2-3 giờ để sạc đầy pin, nhiều hãng xe hiện đã rút xuống chỉ còn 30-60 phút. Ông lớn Tesla đã tuyên bố đầy tham vọng: sẽ sớm giảm thời gian sạc đầy pin xuống còn 10 phút.

 

10 phút. Con số quá lý tưởng, không hơn thời gian đổ xăng xe. Nếu đạt được con số này với kinh phí phù hợp, gần như bài toán khó của xe điện đã tìm ra lời giải. Nhưng đó vẫn là thì tương lai.

Hiện tại, số trạm sạc điện còn thiếu khá nhiều, ít thuận tiện cho người sử dụng so với xe chạy xăng. Chi phí đầu tư cho một trạm sạc lên tới 50.000 USD cho vòng đời sử dụng 12 năm, dẫn tới chi phí cao mỗi lần sạc tại trạm.  

Thời gian sạc lâu cũng gây nản lòng cho các tài xế. Cũng vì thời gian sạc lâu, dẫn đến số lượng xe cần sạc nhiều hơn hẳn xe đổ tại các trạm xăng trong một thời điểm. Do đó, cần không gian rộng lớn. Đây là đòi hỏi tương đối khó đối với các trạm sạc,  đặc biệt các trạm sạc trong đô thị. Những khó khăn này khiến các hãng xe tiếp tục tìm kiếm giải pháp khác, song song với cải tiến trạm sạc.

Sạc tại nhà

Sạc tại nhà tất nhiên chi phí đầu tư ban đầu không thể nhiều như trạm sạc, nên cần thời gian sạc lâu hơn, từ 10-12 tiếng. Điều này không phải trở ngại, vì các xe thường để ở nhà qua đêm, thời gian đủ dài để sạc.

Một bộ sạc tại nhà Tesla bán tại Mỹ tầm 850 USD. VinFast có vẻ như sẵn sàng trợ giá, khi trên website của Hãng công bố kế hoạch tung ra thị trường bộ sạc tại nhà với giá 5,5 triệu đồng, lượng điện tiêu thụ chỉ ngang một chiếc tủ lạnh trong một ngày (khoảng 3 kW).

Rõ ràng, nghe khá hấp dẫn đối với người chạy xe trong đô thị hoặc đi gần dưới 200 km. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhờ giải pháp này, lượng xe điện tiêu thụ cho nhu cầu chạy trong đô thị, phục vụ sinh hoạt hằng ngày ở các nước phát triển đã tăng nhanh chóng. Cũng nhờ đó, các trạm sạc được giảm tải, chỉ cần bố trí đủ cho người chạy đường trường, người quên sạc...

Tại Việt Nam, với giải pháp sạc tại nhà, khả năng lớn VinFast và các hãng xe điện sẽ dễ dàng chinh phục thị trường nông thôn hay các khu vực dân cư thưa thớt và các gia đình có nhà rộng rãi để được xe trong sân hay trong nhà.

Ảnh: vov.vn.
Các hãng xe sẽ phải có nhiều giải pháp linh hoạt hơn trước các vướng mắc dành cho xe gửi ở bãi xe, dưới tầng hầm căn hộ...Ảnh: vov.vn.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, tỉ lệ gia đình để xe trong nhà và có thể chủ động sạc không nhiều. Các hãng xe sẽ phải có nhiều giải pháp linh hoạt hơn trước các vướng mắc dành cho xe gửi ở bãi xe, dưới tầng hầm căn hộ..., đặc biệt trong tình trạng bãi xe còn thiếu và chật hẹp như ở Việt Nam hiện nay.

Vấn đề nguồn điện sẽ xử lý thế nào? Các bãi gửi xe và tầng hầm chung cư có hệ thống điện đủ tải nhiều xe cùng sạc hay không? Khả năng là không và lúc này câu hỏi đặt ra ai sẽ là người đầu tư hệ thống điện? Các hãng xe liệu có dàn trải được nguồn lực đến tất cả các tầng hầm chung cư và bãi xe? Chi phí sạc điện tính toán thế nào? Chủ xe có nhất thiết phải đầu tư bộ sạc tại nhà hay các ban quản lý bãi xe có thể cho thuê?

Tóm lại, còn nhiều câu hỏi cần phải trả lời đặt ra trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, đòi hỏi các hãng xe phải có những giải pháp đồng bộ. Mà số lượng bãi xe, hầm gửi xe cực lớn, nên để có được giải pháp đồng bộ là không hề đơn giản.

Sẽ là những thách thức rất lớn đang chờ đợi. Nhưng phương án nào cũng khó cả, dù là trạm sạc hay sạc ở nhà. Đi tiên phong là thế, thời gian đầu sẽ đầy trở ngại. Nhưng hãng xe nào giải quyết được những khó khăn đó, tìm ra được giải pháp hợp lý nhất, sẽ là hãng sớm nhất gặt hái được trái ngọt của thành công.