Didi Chuxing là công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc, trong khi Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản là cổ đông hàng đầu của công ty này. Ảnh: Didi.

 
Minh Duy Thứ Tư | 23/06/2021 16:27

Startup gọi xe Didi Chuxing đăng ký IPO tại Mỹ

Thương vụ được dự báo sẽ là một trong những đợt IPO công nghệ lớn nhất thế giới năm nay.

Startup gọi xe lớn nhất tại Trung Quốc Didi Chuxing vừa nộp đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ dưới tên gọi chính thức Xiaoju Kuaizhi Inc. Didi dự kiến chào bán chứng chỉ lưu ký tại Mỹ trên sàn Nasdaq hoặc sàn New York với mã DIDI. 

Theo Nikkei Asia Review, Didi có thể được định giá từ 70-100 tỉ USD khi IPO. Đây được dự báo sẽ là một trong những IPO công nghệ lớn nhất năm nay. Trong vòng gọi vốn gần đây nhất hồi năm ngoái, startup này được định giá 62 tỉ USD, theo PitchBook. 

Didi Chuxing được các công ty đầu tư công nghệ lớn nhất châu Á là SoftBank, Alibaba và Tencent hậu thuẫn. Ảnh: TL.
Didi Chuxing được các công ty đầu tư công nghệ lớn nhất châu Á là SoftBank, Alibaba và Tencent hậu thuẫn. Ảnh: TL.

Được thành lập năm 2012 bởi Cheng Wei và Jean Liu, Didi hoạt động tại 15 quốc gia và phục vụ hơn 493 triệu người dùng. Hiện, ông Cheng Wei - một cựu nhân viên của Alibaba - là Giám đốc điều hành của Didi, trong khi Jean Liu - con gái của người sáng lập Tập đoàn Lenovo Liu Chuanzhi giữ chức chủ tịch.

Sau khi “hất cẳng” đối thủ chính Uber ra khỏi Trung Quốc, Didi vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường gọi xe tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Nền tảng của Didi tại Trung Quốc hiện có 377 triệu người dùng và 13 triệu đối tác tài xế hoạt động hàng năm. 

Cổ đông lớn nhất của Didi là tập đoàn SoftBank của Nhật với 21,5% cổ phần thông qua quỹ SoftBank Vision Fund. Đến nay, SoftBank đã đầu tư gần 11 tỉ USD vào Didi - nguồn vốn để startup này mở rộng hoạt động ra toàn cầu cũng như sang các lĩnh vực mới như xe tự lái và giao thực phẩm. Nếu Didi đạt mức định giá mục tiêu, SoftBank có thể “bỏ túi” khoản lợi nhuận hàng tỉ USD. 

Cổ đông lớn thứ hai của Didi là Uber Technologies với 12,8% - số cổ phần công ty Mỹ có được sau khi bán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi năm 2016. Tiếp đến là người đồng sáng lập Cheng Wei với 7% cổ phần và Tencent Holdings với 6,8%.

Năm 2016, hãng công nghệ Mỹ Apple cũng đầu tư 1 tỉ USD vào Didi trong một thương vụ hợp tác chiến lược. Một giám đốc của Apple hiện giữ chức giám đốc tại Didi. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone không được liệt kê là một cổ đông chính của Didi trong hồ sơ đăng ký IPO.

Năm ngoái, Didi báo lỗ 1,6 tỉ USD trên doanh thu 21,6 tỉ USD do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình được dự báo sẽ khởi sắc khi Didi ghi nhận khoản lãi ròng 837 triệu USD trên doanh thu 6,4 tỉ USD vào quý I/2021. 

Năm 2020, Giám đốc điều hành Didi Cheng Wei cho biết: Didi đặt mục tiêu có 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu và hoàn thành 100 triệu đơn đặt xe mỗi ngày vào năm 2022, bao gồm các đơn hàng đi chung xe, xe đạp và giao đồ ăn.

Goldman Sachs, Morgan Stanley và J.P.Morgan là các đơn vị bảo lãnh chính cho đợt IPO này.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường quan trọng nhất của Didi, trong khi các thị trường quốc tế chỉ chiếm 1,6% tổng doanh thu. Mặc dù vậy, công ty này đã đầu tư mạnh tay để tăng cường sự hiện diện trên thị trường quốc tế, trong đó có việc ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Nhật hồi tháng 4. Didi hiện cũng là nền tảng gọi xe lớn thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh. 

Có thể bạn quan tâm:

Các công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc đang đánh mất đi "hào quang"