Mô hình giao thông thông minh. Ảnh: TL.

 
Bảo Trung Thứ Ba | 14/09/2021 08:49

Smart car trong Smart city

Để phát triển một đô thị thông minh đúng nghĩa cần có một hệ thống giao thông thông minh.

Xe hơi tự hành, hệ thống giao thông tự điều tiết, giải pháp tích hợp cho lưu thông... là những vấn đề cần được giải quyết để mang đến cuộc sống tiện nghi cho cư dân và giải quyết bài toán quá tải hạ tầng.

Đông Nam Á và bài toán cho đô thị thông minh

Với tốc độ tăng trưởng dân số và xu hướng đô thị hóa hiện tại, các thành phố lớn ở Đông Nam Á được dự báo sẽ quá tải vào năm 2025. Để đảm bảo chất lượng sống cho lượng dân cư đông đảo như vậy, nhiều thành phố đang gấp rút phát triển mô hình đô thị thông minh. Trong đó, giao thông thông minh đang là bài toán được quan tâm nhiều nhất, bởi đây là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề nổi cộm như quá tải hạ tầng, an ninh công cộng, ô nhiễm không khí và tiêu thụ năng lượng.

Ảnh: zing.vn.
Mẫu xe thông minh VF e34. Ảnh: TL

Giao thông công cộng đang được xem là giải pháp trong trung hạn. Có thể kể đến hệ thống Petepete của Makassar (Indonesia) -  trung tâm điều khiển những xe buýt mini từ xa, hay hệ thống Metro hiện đại của Bangkok - dự kiến sẽ được mở rộng lên 500 km vào năm 2029. Ở Việt Nam, có thể kể đến các nỗ lực phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT và các hệ thống Metro dù đều đang gặp nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, trong dài hạn những giải pháp giao thông công cộng thế này vẫn là chưa đủ. Phương tiện giao thông cá nhân vẫn là bài toán bắt buộc phải giải. Hơn hết, làm sao để thiết kế được một hệ thống giao thông toàn diện - từ phương tiện công cộng đến phương tiện cá nhân và cả đường bộ hành - giúp con người và hàng hóa lưu thông xuyên suốt trong đô thị đang là chủ đề nóng, được nhắc đến trên phạm vi toàn cầu.

Trong bài nói chuyện TedTalk năm 2011, Bill Ford, cháu nội Henry Ford và là người dẫn đầu xu hướng lưu thông thông minh, đã giới thiệu tầm nhìn về một “hệ thống tích hợp”. Trong đó, toàn bộ hệ thống giao thông sẽ tương tác với nhau bằng dữ liệu thời gian thực, tạo ra một dòng chảy lưu thông tối ưu cho thành phố. Hệ thống này sẽ giúp phân bổ những chiếc xe điện tự lái của cá nhân vào tuyến đường phù hợp, sao cho tổng thời gian lưu thông của mọi người là tối thiểu. Từ đó đến nay, đã có hơn 220 tỉ USD được rót vào hơn 1.100 startup lưu thông (theo McKinsey).

Phối hợp để phát triển một hệ thống lưu thông tích hợp

Để phát triển một hệ thống như vậy, xe điện thông minh là điều kiện cần, nhưng mỗi xe điện thông minh thôi là không đủ.

 

Cần có sự phối hợp giữa nhiều ngành công nghiệp. Cụ thể, McKinsey đã điểm danh 10 lĩnh vực đang tham gia vào cuộc chơi lưu thông: (1) Thiết bị cảm ứng cho phương tiện tự động (AV) và thành phần cho hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS); (2) Phần mềm và bản đồ AV; (3) Hệ thống công nghệ và an ninh mạng; (4) Công nghệ pin; (5) Công nghệ kết nối và thông tin; (6) Xe điện và hệ thống sạc; (7) Gọi xe điện tử; (8) Công nghệ tương tác con người - máy tính và nhận diện giọng nói; (9) Vật liệu bán dẫn; (10) Viễn thông học và giao thông thông minh.

10 lĩnh vực này sẽ hình thành nên một hệ sinh thái, đảm nhận 4 chức năng chính, được viết tắt là ACES:

A là Autonomous Driving (Lái xe tự động). Đảm nhiệm khoảng 66% tổng quãng đường di chuyển của hành khách toàn cầu năm 2040. Doanh thu hằng năm vào khoảng 2.000 tỉ USD.

C là Connectivity (Kết nối). Có khoảng 45% phương tiện giao thông mới đạt Chuẩn kết nối thứ 3 - Cá nhân hóa dựa trên sở thích - vào năm 2030. Trị giá thị trường khoảng từ 450-750 tỉ USD.

E là Electrification (Điện hóa). Công nghệ pin và hệ thống trạm sạc đang được coi là “nút cổ chai” cho việc đưa xe điện vào hoạt động phổ cập.

S là Shared Mobility (Chia sẻ phương tiện đi lại). Thị trường này được ước tính có trị giá khoảng 1.600 tỉ USD vào năm 2030. Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường lớn nhất.
Không chỉ là tầm nhìn để giải quyết vấn đề giao thông trong dài hạn, hệ sinh thái lưu thông thông minh hứa hẹn trở thành một thế lực kinh tế khổng lồ, một miếng bánh lớn đang được các ông lớn tranh giành.

Lưu thông thông minh ở Việt Nam

Nhiều thành phố tại Việt Nam đang theo đuổi các kế hoạch phát triển đô thị thông minh, trong đó đặt vấn đề giao thông thông minh làm nền tảng.

Những điểm sáng có thể kể đến như hình thành được thói quen sử dụng ứng dụng gọi xe ở những thành phố lớn; thử nghiệm thành công các mạng lưới đèn giao thông thông minh; hệ thống camera an ninh và phạt nguội; cùng mạng lưới 5G đã sẵn sàng để kết nối các phương tiện, thiết bị và hạ tầng. Những hãng công nghệ trong nước cũng đang chủ động hợp tác với nước ngoài để phát triển những giải pháp công nghệ thông tin cho giao thông.

 

Tuy nhiên, để thật sự đạt được tầm nhìn lưu thông thông minh, đòi hỏi một khối lượng khổng lồ công việc phải thực hiện. Trước hết là cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá và bãi đậu xe, vốn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại. Tiếp đến là phát triển các giải pháp thông tin cho giao thông, bao gồm công nghệ thu thập dữ liệu từ camera và cảm biến, các thuật toán giúp xử lý dữ liệu và điều tiết hệ thống giao thông tự động, các ứng dụng gọi xe và đi chung xe.

Xa hơn nữa, có thể phát triển những giải pháp giúp các phương tiện và hệ thống giao thông giao tiếp với nhau, đưa bản đồ thông tin giao thông toàn thành phố lên đám mây. Cuối cùng, ở một tương lai xa, là phát triển dòng xe điện thông minh với các tính năng như tự lái, kết nối di động, tự lên lộ trình và tự đặt chỗ tại trạm sạc gần điểm đến...

Đây không phải là bài toán của riêng Việt Nam. Theo dự báo, vào năm 2050 sẽ có khoảng 4 tỉ chiếc ô tô lưu thông trên toàn cầu. Nếu không có những giải pháp thông minh, hệ thống giao thông sẽ không thể nào đáp ứng được.