Một thuận lợi là chi phí pin, vốn là lý do chính kìm hãm các phân khúc khác của thị trường xe điện, lại không phải là vấn đề ở phân khúc xa xỉ.
Siêu xe cũng xanh
Nhiều năm trời, nhà để xe của doanh nhân Luciano Colosio, 61 tuổi, luôn có một quy luật bất di bất dịch: tất cả xe mua về phải có 12 xi-lanh. Bộ sưu tập của ông từng có một chiếc McLaren F1, một chiếc Pagani giá 2,6 triệu USD, một chiếc Bugatti Veyron, 2 chiếc Aston Martin One-77 được trang bị động cơ Cosworth được chế tạo thủ công và một loạt chiếc Ferraris. Thế nhưng, Colosio đang tự phá bỏ quy tắc này khi vừa trả khoản tiền đặt cọc 380.000 euro cho chiếc Pininfarina Battista 1,98 triệu euro, một mẫu xe hoàn toàn chạy điện mà hứa hẹn sẽ mở ra một thời đại mới của các siêu xe chạy im không một tiếng động.
Chỉ 150 chiếc Battista sẽ được sản xuất. Mẫu thiết kế này với những đường nét gợi nhớ đến sự thanh nhã của di sản Ý Pininfarina đang rất được lòng khách hàng và công nghệ pin cho mẫu xe này cũng thu hút nhiều sự chú ý. “Tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc xe này. Tôi nghĩ đây là một chiếc xe tốt cho tôi. Thế giới chúng ta đang gặp vấn đề thực sự và có thể đây là lúc để thay đổi”, Colosio nói.
Trên thực tế, Ferrari, Lamborghini, Aston Martin và McLaren, những cái tên hàng đầu trong phân khúc siêu xe, khá chậm chạp trong việc chuyển đổi từ những động cơ siêu mạnh, ồn ào và ngốn xăng sang xe điện. Có khoảng 22.000 chiếc siêu xe hoặc những chiếc GT sanh chảnh được bán vào năm ngoái, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Jato Dynamics. Không một chiếc nào trong số này là hoàn toàn chạy điện. Sự chậm chạp này một phần do tính chất bức thiết không cao của siêu xe. Thậm chí giới phân tích đặt câu hỏi liệu các siêu xe có cần phải điện hóa hoàn toàn hay không vì chúng hầu như không được xem là một phương tiện để lái hằng ngày, mà chủ yếu để thỏa mãn thú vui sưu tầm siêu xe của giới nhà giàu.
Tuy nhiên, với sự gia tăng của tầng lớp người giàu mới có ý thức về môi trường ở Trung Quốc và những nơi khác, cùng sự tiến bộ của công nghệ, người chơi ở phân khúc siêu xe buộc phải chạy theo xu hướng chung của thế giới.
Nổi trội trong cuộc chơi này là Rimac, công ty Croatia được sáng lập bởi Mate Rimac. Công ty này tự sản xuất xe và cung cấp công nghệ điện cho các nhà sản xuất khác, trong đó có hệ thống động cơ lai trong chiếc siêu xe Valkyrie của Aston Martin. Rimac chỉ sản xuất 8 chiếc xe Concept_One. Mẫu xe thứ 2 của hãng này là Nevera được bán với giá 2 triệu euro và bắt đầu giao hàng vào mùa hè này.
Năm ngoái Porsche nắm cổ phần khống chế trong Rimac. SoftBank gần đây cũng rót vốn vào doanh nghiệp này. Với dòng tiền mới, Rimac dự kiến tuyển dụng thêm 200 nhân viên trong năm 2022 và đầu tư mở rộng công suất sản xuất với “những dự án số lượng lớn”. Rimac hiện chỉ sản xuất số lượng rất ít mỗi tháng. Tuy nhiên, Mate Rimac cho biết: “Công ty đang có kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng trong những năm tới”.
Automobili Pininfarina cũng sử dụng hệ thống lái của Rimac cho chiếc Battista, mẫu xe điện đầu tiên của Hãng mà dự kiến ra mắt vào cuối năm nay sau nhiều lần trễ hẹn. Nhưng hãng này dự kiến dùng công nghệ của riêng mình trong các mẫu xe tương lai.
Mặc cho những hứa hẹn về khả năng tăng tốc nhanh nhờ công nghệ pin, việc duy trì trải nghiệm lái xe của siêu xe chạy xăng là cả một thách thức lớn đối với các siêu xe 100% chạy điện. Nhiều người chơi trong ngành tin rằng công nghệ pin hiện nay vẫn chưa thể phù hợp với siêu xe, vốn cần có khả năng lướt nhanh quanh một đường đua cũng như khả năng đi xuyên các châu lục một cách nhẹ nhàng trong chuyến đi đường trường.
Cùng lúc đó, trọng lượng nhẹ - chìa khóa làm nên sự nhanh nhẹn của một chiếc xe thể thao - là một bài toán còn khó giải hơn vì pin nặng tới hàng trăm kg. Tuy nhiên, mặc cho những thách thức này, quy định thải khí ngày càng gắt gao đối với các loại xe mới và nhu cầu khách hàng thay đổi đang buộc các nhà sản xuất siêu xe dù muốn hay không cũng phải xanh hóa. “Các nhà sản xuất siêu xe cũng phải khử carbon chỉ để được xã hội chấp nhận”, Philippe Houchois, chuyên gia phân tích tại Jefferies, cho biết.
Một thuận lợi là chi phí pin, vốn là lý do chính kìm hãm các phân khúc khác của thị trường xe điện, lại không phải là vấn đề ở phân khúc xa xỉ, theo Julia Poliscanova, Giám đốc Transport & Environment. “Các siêu xe dường như có biên lợi nhuận siêu cao và các khách hàng sang trọng, vì thế việc chuyển sang chạy điện nhanh hơn thị trường đại chúng là hoàn toàn có thể”, bà nói.
“Hơn nữa, có tranh luận là tại sao giới siêu giàu được phép thải khí carbon trong khi những người khác lại phải giảm thải khí ra môi trường”, Ken Choo, điều hành HR Owen, đại lý xe Ferrari và Lamborghini lớn nhất thế giới, cho biết. Ông nói thêm, các khách hàng của ông cũng đang hỏi về xe điện, dù vì tò mò hay vì muốn làm điều đúng đắn. “Họ muốn là người đầu tiên và cũng thời thượng hơn khi ngồi trong một chiếc xe điện xanh, sạch”, ông nói.
Rimac, với vị thế là nhãn hàng đầu tiên tung ra thị trường, đã có khởi đầu tốt hơn những người chơi khác nhưng cũng đối mặt với thách thức của người đi trước. “Hiện chưa có các siêu xe chạy điện nào khác trên thị trường, vì thế khách hàng không có gì để tham khảo, đối chiếu”, Mate Rimac nói. Công ty sẽ phải tổ chức các sự kiện và thu hút thêm nhiều người mua, ông cho biết.
Còn nếu những người mua tương lai muốn trung thành với các nhãn hàng họ quen thuộc thì sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi. Bởi vì Ferrari phải đến năm 2025 mới tung ra chiếc xe hoàn toàn chạy điện đầu tiên và 40% mẫu xe sẽ hoàn toàn chạy pin vào cuối thập kỷ này. Hay Lamborghini cam kết ra mắt xe 100% chạy điện trong thập kỷ này.
McLaren trong năm nay sẽ trình làng chiếc xe lai mới nhất Artura nhưng xe hoàn toàn chạy điện phải chờ đến năm 2028. Aston Martin thì dự kiến ra mắt xe điện vào năm 2025 và tiến tới toàn bộ dòng xe sẽ chuyển sang xe lai hoặc xe điện vào năm 2056.
Tuy vậy, Lawrence Stroll, Chủ tịch Điều hành tại Aston Martin, cho biết: “Những người mua xe Tesla không phải cùng đối tượng khách hàng mua xe Aston Martin. Chúng tôi vẫn có những khách hàng thích tiềng ồn và mùi của xe chạy xăng, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục bán xe chạy xăng khi nào vẫn còn nhu cầu”.
Trong khi đó, các đại lý ô tô cho biết nỗi lo chấm dứt sản xuất động cơ chạy xăng thậm chí đã thúc đẩy cơn sốt mua xe. “Nó thực sự giúp đẩy tăng doanh số bán xe xăng vì sợ là đợt cuối cùng trước khi chuyển sang xe điện. Mọi người đang cố gắng tận hưởng thời xe xăng càng lâu càng tốt vì họ biết xe xăng rồi sẽ đến ngày cáo chung”, Ken Choo tại HR Owen cho biết.
(Tổng hợp)