Nio tích cực đẩy mạnh quá trình tự động hoá trong sản xuất. Ảnh: SCMP.

 
Khánh Tú Thứ Bảy | 09/12/2023 06:50

Robot và A.I sẽ thay thế 30% lực lao động ngành xe điện Trung Quốc

Robot và A.I được ứng dụng vào dây chuyền sản xuất xe điện ở các nhà máy Trung Quốc, nhằm tiết kiệm chi phí thuê nhân công.

Nio, một trong ba nhà sản xuất xe điện (EV) cao cấp hàng đầu Trung Quốc, đã đặt mục tiêu giảm 1/3 lực lượng lao động vào năm 2027, đồng thời nhanh chóng ứng dụng robots vào quá trình sản xuất. Đầu tháng 11 vừa qua, hãng xe cho biết đã cắt giảm 10% nhân sự để tăng hiệu quả và duy trì tính cạnh tranh.

Lãnh đạo Nio cho biết công ty đang tích cực đẩy mạnh quá trình tự động hoá trong sản xuất và cũng có kế hoạch cắt giảm 50% các vị trí quản lý tại các nhà máy khi áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I). Nhà sản xuất xe điện ứng dụng A.I với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào công nhân và kỹ thuật viên có tay nghề cao, từ đó tiết kiệm chi phí lao động. “Nếu 80% quyết định của chúng tôi trong quá trình sản xuất có thể được thực hiện bởi A.I, chúng tôi có thể cắt giảm một nửa các vị trí quản lý vào năm 2025”, lãnh đạo Nio nói. 

 

Theo dữ liệu từ Qichacha, Nio có khoảng 7.000 nhân viên vào cuối năm 2022. 30% trong số này có thể sẽ bị thay thế bởi robot công nghiệp ở khâu dây chuyền sản xuất từ năm 2025 đến năm 2027. Nio cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng tự động hoá thông qua việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn dựa vào công nghệ robot và A.I tiên tiến ở các cơ sở sản xuất xe điện trong tương lai. Tuy nhiên, rất khó để đưa ra thời gian chính xác cho việc chuyển đổi hoàn toàn này.

Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với khoảng 200 nhà sản xuất EV lớn nhỏ. Những người chơi đứng trước áp lực cạnh tranh khốc liệt, tìm cách giảm lỗ trong khi thị trường chứng kiến tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng. Nio mặc dù là một trong những nhà sản xuất lớn tại Trung Quốc, nhưng kể từ khi thành lập vào năm 2014, hãng xe điện vẫn chưa thể thu về lợi nhuận. Áp lực đường đua lớn hơn khi các “ông lớn” khác ngành như Xiaomi và Baidu cho biết sẽ tham gia vào thị phần vốn đã chật chội.

Điều đáng nói là những cái tên mới lại đang thu hút người tiêu dùng hơn so với những tên tuổi trước đó.

Nio hiện có 2 nhà máy sản xuất ở thủ phủ tỉnh An Huy. Nhà máy đầu tiên có công suất mỗi năm là 150.000 chiếc trong một ca và nhà máy thứ 2 là 300.000 chiếc. Được biết 1 ca thường cần khoảng 1.000 nhân công. Giới chuyên môn nhận định Nio có năng lực sản xuất rất lớn và kỹ thuật sản xuất góp phần lớn vào tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên, Nio cần sản xuất nhiều hơn nữa nếu muốn thu hút thị phần và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Trong 10 tháng năm 2023, Nio đã giao 126.067 xe, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Song ông Qin Lihong, Chủ tịch Nio, cho biết mức tăng trưởng doanh số 40% hàng năm là không đủ để phản ánh sức mạnh thiết kế và năng lực sản xuất của công ty.

Thị trường xe điện Trung Quốc đối mặt với cuộc đua khốc liệt giữa những người chơi. Ảnh: SCMP.
Thị trường xe điện Trung Quốc đối mặt với cuộc đua khốc liệt giữa những người chơi. Ảnh: SCMP.

Để tăng tốc hơn nữa, Nio đặt mục tiêu biến nhà máy của mình trở thành nhà máy thông minh nhất thế giới với thiết bị tiên tiến, quy trình linh hoạt và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Ở nhà máy thứ 2, hãng xe đang trang bị 756 robot nhằm đạt mục tiêu tự động hoá 100% ở một khâu trong quy trình sản xuất.

Xpeng, đối thủ cạnh tranh của Nio, hồi tháng 4 cũng cho biết sẽ tinh chỉnh thiết kế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất trong năm 2024. Trước mắt, Xpeng đặt mục tiêu cắt giảm 25% chi phí để vượt qua đối thủ. Bên cạnh đó, “việc cắt giảm chi phí sẽ giúp Xpeng tạo ra dòng tiền tăng trưởng dương vào năm 2025 sau giai đoạn báo lỗ như hiện nay”, ông Brian Gu, Chủ tịch Xpeng, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Xe điện giá rẻ Trung Quốc vẫn chưa thể vào Mỹ

Nguồn SCMP