Minh họa nút khởi động cảm biến có thể phát hiện nồng độ cồn qua da. Ảnh: Vice.

 
Minh Duy Thứ Năm | 05/08/2021 11:35

Ô tô sản xuất từ năm 2027 phải có hệ thống phát hiện say rượu

Lái xe trong tình trạng mất tập trung đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người ở Mỹ vào năm 2019.

Theo Vice, mỗi năm ước tính khoảng 10.000 người Mỹ qua đời vì vấn nạn lái xe lúc say rượu. Từ năm 2008, Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã phối hợp với Liên minh Ô tô An toàn giao thông (ACTS) phát triển chương trình phát hiện người lái xe say rượu, mang tên DADSS.

DADSS tạo ra 2 hệ thống riêng biệt. Một hệ thống có khả năng phát hiện nồng độ cồn từ hơi thở của tài xế phát tán trong cabin xe, phân biệt với hơi thở của những người khác. Hệ thống còn lại là cảm biến tích hợp trên nút khởi động động cơ, có thể phát hiện nồng độ cồn qua da, ngay khi tài xế nhấn nút. Cả hai đều là hệ thống giám sát thụ động, không yêu cầu tài xế thực hiện quy trình kiểm tra.

Về lý thuyết, nếu nồng độ cồn vượt giới hạn cho phép, tài xế sẽ không thể lái xe mà chỉ có thể sạc điện thoại hoặc điều chỉnh nhiệt độ trong xe. CÔng nghệ này sẽ được cấp phép mã nguồn mở, giúp các nhà sản xuất ô tô có thể tiếp cận và đưa vào xe của họ.

Điều khoản trong dự luật cơ sở hạ tầng không trực tiếp nhắc đến DADSS nhưng vẫn yêu cầu tất cả các phương tiện chở khách được sản xuất sau năm 2027 phải có công nghệ phát hiện tài xế say rượu.

Ông Jason Levine thuộc Liên minh Ô tô An toàn giao thông Mỹ cho biết: “Hai mươi năm trước, công nghệ này không tồn tại. Nhưng giờ đây chúng tôi có thể lắp đặt công nghệ này trên các phương tiện giao thông để giúp giám sát xem ai đó có bị say rượu hay không và ngăn người đó làm tổn thương bản thân hoặc người khác”.

Một điều khoản trong thỏa thuận cơ sở hạ tầng sẽ yêu cầu công nghệ ô tô mới ngăn chặn tình trạng lái xe khi say rượu trước khi bắt đầu. Ảnh: MediaNews Group.
Một điều khoản trong thỏa thuận cơ sở hạ tầng sẽ yêu cầu công nghệ ô tô mới ngăn chặn tình trạng lái xe khi say rượu trước khi bắt đầu. Ảnh: MediaNews Group.

Rõ ràng việc loại bỏ tình trạng lái xe khi say rượu thông qua hệ thống giám sát thụ động nghe có vẻ tuyệt vời. Câu hỏi lớn là liệu công nghệ này có thực sự hoạt động hiệu quả hay không. Nếu được cài đặt trên các ô tô, hệ thống giám sát sẽ được dùng hàng trăm triệu lần mỗi ngày, chỉ cần tỉ lệ lỗi là 0,01% cũng tương ứng với hàng triệu lỗi xảy ra hằng ngày. 

Một vấn đề khác liên quan đến hệ thống giám sát tài xế say rượu là quyền riêng tư của người dùng. Bên trong xe chứa nhiều dữ liệu từ những thói quen nhỏ nhất như thắt dây an toàn, tốc độ lái xe cho đến hoạt động đi lại hằng ngày, có thể tiết lộ nhiều điều về chủ xe và những người xung quanh. 

Trước những lo ngại của dư luận, người phát ngôn cho DADSS khẳng định hệ thống sẽ có các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư, cũng như việc những nhà sản xuất ô tô hiện nay đều có cách bảo mật dữ liệu khách hàng.

Dù vậy, không phải lúc nào nhà sản xuất ô tô cũng chịu trách nhiệm khi chủ xe bị lấy cắp thông tin. Ô tô ngày nay được trang bị rất nhiều công nghệ tân tiến và cài đặt các nền tảng từ bên thứ ba.

Hồi đầu năm, tin tặc bán dữ liệu khách hàng của Audi và Volkswagen, nhưng lỗi không ở hãng xe mà do một lỗ hổng trên máy chủ đám mây của Microsoft Azure khiến kẻ xấu có thể đột nhập vào kho dữ liệu.

Khóa xe thông minh được nhiều người ưa chuộng cũng là đích nhắm của bọn tin tặc. Năm 2019, một hacker đã vô hiệu hóa thành công động cơ xe từ xa bằng cách đăng nhập vào hàng nghìn nền tảng giám sát của bên thứ ba chỉ bằng cách nhập chuỗi mật khẩu "123456" dễ đoán.

Có thể bạn quan tâm:

Amazon mua dữ liệu sinh trắc học khách hàng với giá 10 USD