Bên trong nhà máy tự động hóa cao của Xpeng ở Triệu Khánh, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times.
Những tân binh của ngành ôtô và startup Trung Quốc đánh cược tất cả vào xe điện
Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy sản xuất ôtô điện nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Các hãng xe nội địa sử dụng hàng tỉ USD huy động từ các nhà đầu tư quốc tế lẫn hỗ trợ của chính quyền nước sở tại, tham vọng đánh bại những nhà sản xuất xe hơi lâu đời.
Trung Quốc sẽ sản xuất 8 triệu xe điện mỗi năm
Gần đây, start-up về xe điện Xpeng Motors vừa đưa vào hoạt động một nhà máy lắp ráp quy mô lớn ở miền đông nam Trung Quốc. Cách đó không xa, một cơ ngơi tương tự cũng đang được xây dựng. Tất cả chỉ mới là 1/3 kế hoạch mà hãng đã vạch ra.
Một đại lý Nio ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times. |
Nhà sản xuất Nio cũng vừa mở cửa một nhà máy ở miền trung Trung Quốc và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ hai cách đó vài km. Hồi tháng 4, tập đoàn sở hữu hãng Volvo Zhejiang Geely cũng đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xe điện mới ở miền đông Trung Quốc. Xét về quy mô, nhà máy khổng lồ này không thua kém những cơ sở sản xuất hàng đầu thế giới.
Chưa hết, gã khổng lồ ngành bất động sản Trung Quốc Evergrande cũng tham gia cuộc chơi xe điện. Công ty vừa xây dựng các nhà máy sản xuất ở 2 thành phố Thượng Hải và Quảng Châu, với hy vọng sản lượng ô tô thuần điện do hãng tạo ra vào năm 2025 có thể ngang bằng toàn bộ Bắc Mỹ.
Các công ty Trung Quốc thừa nhận, những thương hiệu lâu đời sở hữu nhiều lợi thế nhờ kinh nghiệm làm xe hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Nhưng họ khẳng định kế hoạch của họ sẽ thành công.
Động lực này dẫn đến một kịch bản trong tương lai gần, nơi bản đồ ngành công nghiệp ôtô có thể được định hình lại bởi các thương hiệu xe điện non trẻ của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Năm 2020, lượng xe điện tạo ra tại Trung Quốc chỉ là 1 triệu xe. Nhưng theo ước tính của công ty dữ liệu toàn cầu LMC Automotive, Trung Quốc sẽ sản xuất hơn 8 triệu xe điện/năm vào năm 2028. Cùng thời gian này, châu Âu theo phía sau với khoảng 5,7 triệu xe. Với các nhà sản xuất xe Bắc Mỹ, từ năm 2028, con số dự kiến vào khoảng 1,4 triệu xe, so với con số 410.000 xe của năm ngoái. Cộng gộp 2 khu vực này, sản lượng xe điện tầm 7,1 triệu xe/năm, thấp hơn Trung Quốc khoảng 900.000 xe.
Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi các hãng xe nước này tập trung nguồn lực cho xe điện vì nhận thấy xu hướng tương lai của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken còn khẳng định: "Ngay thời điểm này, Mỹ đã chạy sau Trung Quốc".
Giám đốc chính sách của chính phủ Trung Quốc David Tulauskas tại General Motors cho biết: “Trung Quốc có vị trí tốt để dẫn đầu trong lĩnh vực này”.
Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đang coi trọng trách nhiệm pháp lý. Nước này đứng sau Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác khi nói đến việc sản xuất các phương tiện chạy bằng khí đốt, nhưng bằng cách bỏ qua công nghệ hiện tại, Trung Quốc hy vọng sẽ có được bước nhảy vọt tiếp theo.
Số lượng lẫn tốc độ mở rộng trạm sạc nhanh nhất thế giới
Không chỉ là câu chuyện sản lượng, quốc gia châu Á cũng đang đi đầu về hạ tầng phục vụ cho xe điện. Nhờ một phần hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc, có hơn 800.000 trạm sạc điện được xây dựng trên khắp đất nước. Không nơi nào trên thế giới có thể sánh với nước này về số lượng lẫn tốc độ mở rộng trạm sạc.
Thế giới cần sản xuất 10.000 gigawatt giờ (GWh) pin mỗi năm trong 15 năm để chuyển toàn bộ đội xe toàn cầu thành xe điện. Ảnh: SCMP. |
Bên ngoài Trung Quốc, khi mạng lưới trạm sạc hạn chế trở thành trở lực với phần lớn quốc gia trên thế giới muốn phát triển thị trường xe điện, các hãng xe vẫn phải duy trì cung cấp các mẫu hybrid (xe lai) trong những năm tới. Còn tại Trung Quốc, sự cạnh tranh đang đổ dồn cho xe thuần điện, không chỉ bởi đây là xu hướng mà còn đang chứng kiến tốc độ mở rộng nhanh.
Với ôtô Trung Quốc, điểm hạn chế đến từ mặt trái của tuổi đời non trẻ. Ở đất nước mà các hãng xe hơi mới mọc "như nấm sau mưa", tên thương hiệu thậm chí còn xa lạ ngay với cả các tài xế bản địa. Trên đường phố, những chiếc Buicks, Volkswagen, Mercedes vốn quen thuộc với người dân hàng chục năm qua. "Chỗ đứng" cho những hãng xe mới thành lập vài tháng, vài năm vì thế là điều không dễ.
Nhà máy Nio ở Hợp Phì, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times. |
Dù còn mới mẻ với thị trường nội địa nhưng tham vọng của các hãng xe Trung Quốc đã tính đến việc vươn ra nước ngoài. Xpeng bắt đầu xuất khẩu xe sang châu Âu với Na Uy là trạm dừng đầu tiên. Chery, một hãng xe quốc doanh vừa thông báo kế hoạch xuất khẩu ô tô chạy bằng xăng sang thị trường Mỹ vào 2022, sau đó là xe thuần điện.
Để đối phó với thuế nhập khẩu ôtô 25% áp dụng từ thời chính quyền Tổng thống Trump hồi 2018, các hãng xe Trung Quốc tính đến phương án chuyển nhiều thành phần linh kiện vốn có cùng mức thuế (thấp hơn xe nhập nguyên chiếc) đến Mỹ. Sau đó, các hãng tiến hành lắp ráp và bán xe hoàn chỉnh ở thị trường vốn nổi tiếng là khó tính ở Mỹ.
Giám đốc điều hành Michael Dunne của ZoZo Go, một công ty tư vấn chuyên về ôtô điện khu vực châu Á, nói rằng: “Trung Quốc đang trên đường trở thành kẻ thống trị toàn cầu khi họ tiến vào ngành sản xuất ô tô điện".
Có thể bạn quan tâm: