Nhu cầu mua xe điện đang có xu hướng chững lại. Ảnh: Reuters.

 
Khánh Tú Thứ Năm | 02/11/2023 14:36

Hồi chuông cảnh báo cho các "ông lớn" ngành xe điện

Xe điện hiện đang là xu hướng của ngành công nghiệp ô tô, nhưng nhu cầu suy yếu xuất hiện đã trở thành thách thức của thị trường.

Nhu cầu suy yếu 

Doanh số bán xe điện hiện đang tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng so với những khoản đầu tư hàng tỉ USD của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thì doanh số bán ra vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, lãi suất cao trong thời gian lâu đã khiến nhiều công ty trong ngành xe điện buộc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh một cách thận trọng khi bước sang năm 2024.

Rõ ràng nhất là sự kiện hãng xe Toyota (Nhật Bản) và General Motors (Mỹ) tuyên bố chấm dứt quan hệ đối tác trị giá 5 tỉ USD. Trước đó, 2 hãng xe này đã bắt tay hợp tác chiến lược nhằm cùng nhau phát triển các mẫu xe điện giá rẻ nhưng đứng trước tình trạng nhu cầu giảm tốc so với kỳ vọng đã khiến quan hệ hợp tác này đi vào “ngõ cụt”.

 

Các nhà đầu tư đã phản ứng lại với sự thay đổi của thị trường xe điện đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục iShares Self-Driving EV & Tech đã giảm hơn 24% trong 3 tháng qua khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực xe điện, công nghệ pin và công nghệ tự lái. Trong khi đó, chỉ số MSCI All-World ghi nhận giảm 8,3%.

Dự báo năm 2024

Doanh số bán xe điện tại Mỹ đạt mốc 300.000 xe lần đầu tiên trong quý III vừa qua. Trong khi đó, doanh số bán ra trong tháng 9 tại thị trường châu Âu ghi nhận tăng 14,3%. Về phần Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất và sôi động nhất thế giới hiện nay, cũng ghi nhận mức tăng 22%.

Mặc dù doanh số bán ra có chiều hướng gia tăng, nhưng tỉ phú Elon Musk, CEO Tesla, cho biết sẽ hoãn kế hoạch xây nhà máy sản xuất xe điện ở Mexico. Lý giải điều này ông nói việc lãi suất của các Ngân hàng Trung ương đang ở mức cao khiến hoạt động vay tiền mua xe trả góp đối với nhiều người dân ở các nước trở nên khó khăn hơn. Việc này gây ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược trong hoạt động kinh doanh của vị tỉ phú. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân khiến các hãng xe điện trên thế giới có chung sự đồng thuận rằng nhu cầu đối với xe điện trong năm 2024 vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của nhiều hãng xe.

Không chỉ Tesla, tuần trước hãng xe Volkswagen (Đức) cũng đã phát đi thông báo cắt giảm triển vọng tỉ suất lợi nhuận trong năm 2024 do lo ngại chi phí vật liệu sản xuất pin xe điện tăng cao.  

 

Tương tự như những ngành công nghiệp khác, ngành xe điện cũng sử dụng các hợp đồng tương lai và quyền chọn để phòng ngừa trường hợp biến động giá cả hàng hoá. Kể từ đầu năm đến nay, giá lithium đã giảm 67% trong khi giá cobalt cũng giảm 20%. Do nhu cầu xe điện chững lại đã kéo theo giá vật liệu thô, những vật liệu được sử dụng nhiều trong sản xuất pin xe điện, sụt giảm.

Trong phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu Nidec, nhà sản xuất động cơ điện của Nhật Bản, chứng kiến đà sụt giảm hơn 10%, mức giảm lớn nhất của hãng trong 15 năm qua, khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh của Nidec trên thị trường xe điện ngày càng khốc liệt ở Trung Quốc. Hãng sản xuất động cơ thay đổi dự báo sẽ lỗ 15 tỉ yen (100 triệu USD) ở mảng kinh doanh hệ thống động cơ truyền động E-Axle dành cho xe điện trong năm nay, thay vì có lợi nhuận như trước đây.

CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy tăng trưởng chỉ ở mức 10,7%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của công ty. Có thể thấy, nhu cầu mua xe điện đang có xu hướng chững lại trước sự cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.

Theo dữ liệu thống kê, thị phần của CATL tại Trung Quốc trong tháng 9 đang thu lại xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Cũng vì thế mà những thách thức công ty cần phải đối mặt ngày càng hiện rõ hơn, nhất là trong bối cảnh “sân chơi” của ngành đang dần thu hẹp cùng với nhu cầu suy yếu.

Có thể bạn quan tâm:

Các doanh nghiệp lớn ở Nhật có thể "bỏ túi" 9,3 tỉ USD khi đồng yen suy yếu

Nguồn Reuters