Ảnh: Mẫu xe điện của Vinfast.

 
Bảo Trung Thứ Hai | 11/10/2021 08:17

Giờ G kích hoạt lợi thế cho xe điện

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn lên xác lập vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất xe điện tại khu vực và thế giới.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có doanh nghiệp nội địa sản xuất thành công ô tô điện, đồng thời, đang đứng trước cơ hội vươn lên xác lập vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất xe điện tại khu vực và thế giới.

Kỷ nguyên xe điện đã tới

Thế giới đang bước sang kỷ nguyên xe điện. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết có khoảng 3 triệu chiếc ô tô điện đăng ký mới trong năm 2020, tăng kỷ lục hơn 41% so với năm 2019. Theo dự báo của Ngân hàng Đầu tư UBS, đến năm 2025, 20% tổng số ô tô mới bán ra trên toàn cầu sẽ là xe điện và đến năm 2040, hầu như mọi chiếc ô tô mới được bán ra sẽ là xe điện.

Ô tô điện và ô tô xăng dầu tuy có nhiều điểm chung nhưng có rất nhiều thành tố cốt lõi hoàn toàn khác biệt, thậm chí phức tạp hơn, đơn cử như động cơ, pin và hệ thống xử lý thông minh. Vì vậy, việc sản xuất xe điện cần hệ thống dây chuyền và quy trình sản xuất mới, chứ không dễ dàng và nhanh chóng để có thể chuyển đổi ngay việc sản xuất xe xăng sang. Thành thử, trừ vài ông lớn tiên phong, còn lại, tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện gần như cùng đang ở vạch xuất phát.

Đó chính là cơ hội cho những doanh nghiệp mới như VinFast và những nước như Việt Nam xác lập vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, vì như đã nói, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phụ thuộc nặng nề vào xe sử dụng động cơ đốt trong, không phải tốn kém cho quá trình chuyển đổi và có cơ hội phát triển ngay. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với thế giới, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể.

Lộ trình bước vào chuỗi giá trị toàn cầu

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, xây dựng chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, hồi tháng 7, UNDP đã đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam phát triển ngành ô tô, xe điện.

 

Theo UNDP, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa 2 yếu tố cung và cầu. Lộ trình xác định các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng.

Hiểu được tầm quan trọng của ô tô điện đối với triển vọng phát triển kinh tế của đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp non trẻ này. Gần đây, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ vừa được Bộ Tài chính ban hành, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin sẽ bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng có cùng số chỗ ngồi.

Như vậy, mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô điện sẽ dao động trong khoảng 5-7,5%, trong khi ô tô truyền thống đang chịu mức phí từ 10-15%. Sự nổi lên của xe điện thực sự tạo ra cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam tạo dựng vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.

Cơ hội dẫn trước trong ngành công nghiệp ô tô điện

Khi xe điện vẫn là cuộc chơi ở thời kỳ sơ khai, sự hơn kém nhau về công nghệ chưa lớn, nếu nắm trong tay chìa khóa công nghệ của riêng mình, cơ hội cho những chiếc xe Việt Nam trên thị trường thế giới là không nhỏ. Điều này là có cơ sở vì những doanh nghiệp trong nước như VinFast đã nắm trong tay công nghệ tương đương, thậm chí vượt nhiều hãng xe trên thế giới. Đơn cử chiếc xe tự hành cấp độ 4 của VinFast mới đây đã chính thức được thử nghiệm.

Đây là công nghệ chỉ một số ít nhà sản xuất ô tô phát triển thành công. Phần lớn những mẫu xe tự hành trên thế giới hiện mới chỉ ở cấp độ 2, tức là vẫn đòi hỏi tài xế phải tham gia vào quá trình vận hành. Để có được thành công này, VinFast thực tế đã đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng, tương đương gần 2 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các dòng xe của mình trong các năm qua.

Ngày 24/3/2021, VinFast chính thức công bố giá bán và nhận đặt cọc mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi VF e34. Chỉ trong vòng 12 giờ đầu tiên, VF e34 đã lập kỷ lục với gần 4.000 đơn đặt hàng. Sau 3 tháng, VF e34 lại tiếp tục thiết lập thêm một kỷ lục mới khi số lượng đơn đặt hàng đã lên tới hơn 25.000 chiếc. Cột mốc này được xem là “vụ nổ big bang” khởi đầu cho nền công nghiệp xe điện ở Việt Nam và mang lại sự tự tin cho ngành công nghiệp ô tô nội địa.
Đối với xe điện, các bài toán cần giải quyết để phát triển thị trường xe điện bao gồm: giá thành, công nghệ pin, cơ sở hạ tầng, độ chấp nhận của thị trường và sự an toàn cho môi trường sống.

Về công nghệ pin, đây là cuộc chạy đua của toàn thế giới và có những dấu hiệu phát triển rất tích cực khi pin được xem là chìa khóa giúp xe điện cạnh tranh sòng phẳng với xe chạy xăng. Quy trình sản xuất, tái chế pin được các nhà sản xuất thực hiện khép kín, giúp việc xử lý chất thải từ quy trình này dễ thực hiện và quản lý hơn. Các vấn đề đang được quan tâm và không ngừng được đầu tư nghiên cứu, phát triển là tăng cao chu kỳ và tuổi thọ pin, giảm giá thành pin và thời gian sạc. Các nước như Trung Quốc, Mỹ, Israel, Hàn Quốc... đang dẫn đầu trong cuộc đua này với công nghệ và vật liệu làm pin vượt trội.

Mới đây, ngày 22/8, VinFast và Gotion High-Tech đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, cùng triển khai nghiên cứu, phát triển, sản xuất pin LFP và nghiên cứu kế hoạch xây dựng nhà máy Giga sản xuất pin LFP đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một bước tiến lớn để giảm việc phụ thuộc từ nước ngoài.

 

Bà Thái Thị Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ: “Hợp tác với Gotion High-Tech là một trong các kế hoạch hành động quan trọng của VinFast trong việc phát triển các dòng ô tô điện thông minh và tự chủ chuỗi cung ứng”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng xe điện, tới hết tháng 6/2021, VinFast đã hoàn thiện việc lắp đặt hơn 8.100 cổng sạc cho ô tô và xe máy điện tại 60 tỉnh, thành. Dự kiến đến cuối năm 2021, VinFast sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 40.000 cổng sạc trên cả nước.

Về giá thành và độ chấp nhận của thị trường, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi tỉ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp, đồng thời nằm ở nhóm các nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới. Nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Những hộ gia đình ở tầng lớp trung lưu sẽ có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 đến 110 USD một ngày. Theo đó, nhu cầu sở hữu ô tô sẽ ngày một cao hơn, trong khi giá xe tại Việt Nam sẽ ngày càng rẻ. 

Ảnh: VinFast.
Ảnh: VinFast.

Với ô tô điện, VinFast đang áp dụng chiến lược giá rất hấp dẫn khi tách giá xe ra khỏi giá pin và cho thuê pin riêng. Nhờ giá thành giảm cùng nhiều ưu đãi đặc biệt khác, giá chiếc xe VF e34 chỉ xoay quanh mức 500 triệu đồng. Bước đi này đã và tiếp tục mang lại nhiều hơn khả năng tiếp cận, sử dụng ô tô điện cho nhiều người có dự định mua xe lần đầu hoặc lên đời từ những xe hạng A/B, dòng xe phù hợp với việc di chuyển trong thành phố.

Về yếu tố môi trường, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dần nhận thức rõ nét về việc sử dụng ô tô điện là phương thức hiệu quả góp phần giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống cả cho cộng đồng.

Nhưng điều quan trọng hơn hết là các vấn đề này cần một chiến lược quốc gia tổng thể dài hạn cộng hưởng các nguồn lực, nắm bắt mọi cơ hội để đạt mục tiêu lấy lại lợi thế cho xe điện nội địa. Chiến lược đó không chỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong hiện tại hay hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện mới, sạch hơn mà còn phải thúc đẩy cả quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Với chừng đó cơ hội, nếu chậm trễ một, hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này.