Phần mềm cho xe cộ cực kỳ hao vốn và đòi hỏi các nhà sản xuất phải đầu tư cho các kỹ năng và tài năng mới. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Tư | 25/09/2024 16:27

Cuộc đua phát triển xe ô tô chạy bằng phần mềm

Mặc dù có ngân sách nghiên cứu lớn và nhân lực dồi dào, nhiều hãng sản xuất ô tô lớn vẫn chưa tận dụng hiệu quả nguồn lực để chuyển đổi.

Các tập đoàn ô tô toàn cầu từ Toyota và Volkswagen đến General Motors đã tụt hậu so với Tesla và các đối thủ Trung Quốc trong việc phát triển phần mềm vận hành ô tô. Trong kỷ nguyên xe điện, những phương tiện ô tô, xe tải hoặc SUV chạy bằng phần mềm, có khả năng nâng cấp theo thời gian (software-defined vehicle) ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là lợi nhuận.

Bảng xếp hạng mới nhất về hiệu suất kỹ thuật số của các tập đoàn ô tô từ công ty tư vấn Gartner cho thấy chỉ có 3 nhà sản xuất ô tô lâu đời, Ford, GM và BMW, lọt vào top 10 trong khi các hãng còn lại bị thống trị bởi Nio, Xpeng và BYD từ Trung Quốc và các công ty khởi nghiệp của Mỹ bao gồm Tesla, Rivian và Lucid.

“Chỉ số nhà sản xuất ô tô kỹ thuật số” hàng năm nhấn mạnh những công ty lớn trong ngành, bao gồm Volkswagenvà Toyota, đã phải vật lộn như thế nào để theo kịp những thay đổi, khi trọng tâm chuyển từ động cơ vượt trội sang phần mềm sẽ kiểm soát mọi thứ, từ pin và các tính năng an toàn đến công nghệ tự lái và kết nối. 

“Đây chắc chắn là một quá trình chuyển đổi khó khăn đòi hỏi cả sự thay đổi về tư duy lẫn công nghệ”, ông Anders Bells, Giám đốc Kỹ thuật và Công nghệ của Volvo Cars, cho biết khi tập đoàn ra mắt mẫu xe thể thao đa dụng chạy điện mới vào đầu tháng này.

Vào đầu năm, Renault của Pháp đã hủy bỏ kế hoạch niêm yết trong bối cảnh doanh số bán xe chạy bằng pin trên toàn thế giới đang chậm lại. Nhưng công ty vẫn đang trên đường ra mắt xe chạy bằng phần mềm đầu tiên của mình vào năm 2026. Công ty cũng đặt mục tiêu tạo ra 40% lợi nhuận từ chiếc xe phần mềm này trong suốt vòng đời của nó vào năm 2030, so với mức 10% hiện tại.

Các nhà sản xuất ô tô theo truyền thống dựa vào các kỹ sư nội bộ để phát triển công nghệ và phần mềm. Tuy nhiên, hiện tại họ buộc phải tìm kiếm tài năng từ các công ty khởi nghiệp cũng như các tập đoàn công nghệ lớn như Apple và Google, gây ra xung đột văn hóa và căng thẳng nội bộ.

Vào tháng 6, Volkswagen triển khai dự án hợp tác phần mềm trị giá 5 tỉ USD với công ty khởi nghiệp xe điện Rivian của Mỹ, sau khi trục trặc trong việc phát triển phần mềm nội bộ và chi phí vượt ngân sách.

Toyota cũng gặp khó khăn với đơn vị phần mềm nội bộ của mình, Woven,  tổng số lỗ ròng đã lên tới 126 tỉ Yên (888 triệu USD) trong hai năm qua. 

Mặc dù có ngân sách nghiên cứu lớn và nguồn nhân lực dồi dào, ông Pedro Pacheco, một nhà phân tích tại Gartner, cho biết các hãng sản xuất ô tô lớn cho đến nay vẫn chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực của mình để chuyển đổi sang phần mềm, một phần là do ban quản lý cấp cao không thực sự chú trọng.

Ngoài việc cải thiện các chức năng cơ bản của xe, các nhà sản xuất ô tô đã bị thu hút bởi tiềm năng mang lại doanh thu cao hơn của phần mềm, thông qua việc thu thập dữ liệu người dùng và cung cấp các dịch vụ đăng ký đi kèm với một khoản phí hàng tháng cho bảo hiểm, dịch vụ và sửa chữa. Khía cạnh kiếm tiền đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty đang vật lộn với chi phí phát triển cao và biên lợi nhuận thấp hơn cho xe điện.

Theo Accenture, các dịch vụ kỹ thuật số chỉ tạo ra khoảng 300 triệu USD, hoặc 3%, doanh thu của ngành ô tô trên toàn cầu. Tuy nhiên, công ty tư vấn dự đoán rằng con số này có thể tăng lên 3,5 nghìn tỉ USD vào năm 2040, chiếm gần 40% doanh thu do ngành ô tô tạo ra.

Stellantis, công ty đứng sau các thương hiệu Jeep, Peugeot và Fiat, đang đặt mục tiêu tạo ra 20 tỉ euro (22,4 tỉ USD) doanh thu hàng năm từ các sản phẩm phần mềm và dịch vụ đăng ký.

Nhưng sự suy giảm liên tục của các nhà sản xuất ô tô truyền thống trong chỉ số của Gartner, đánh giá các công ty theo tiềm năng sử dụng phần mềm như một động lực doanh thu mới, là bằng chứng cho thấy họ có thể không tận dụng được mức tăng trưởng dự kiến.

Nhà phân tích Kota Yuzawa của Goldman Sachs ước tính chi phí ít nhất để phát triển hệ điều hành cho xe hơi là 11 tỉ USD, đối với bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào.

 

“Việc kiếm tiền cực kỳ khó khăn. Nhiều người nghĩ rằng mô hình kinh doanh trả phí hàng tháng rất hấp dẫn, nhưng so với dử dụng điện thoại thông minh hằng ngày thì việc sử dụng xe cá nhân chỉ chiếm 5%”, ông Yuzawa cho biết.

Trong nỗ lực củng cố phần mềm và dịch vụ, Ford đã tích cực lôi kéo các giám đốc điều hành từ Apple và Tesla trong những năm gần đây, bao gồm ông Doug Field, người trước đây lãnh đạo dự án ô tô của Apple.

Lượng đăng ký phần mềm trả phí của tập đoàn ô tô Mỹ Ford Pro đã tăng 40% trong nửa đầu năm so với năm ngoái, doanh nghiệp này nhắm vào khách hàng thương mại.
Tuy nhiên, công ty vẫn đang phải vật lộn với chi phí phát triển ​​xe điện, buộc phải từ bỏ mục tiêu trước đó: kiếm được lợi nhuận từ những chiếc xe này vào năm 2026.

Phần mềm cho xe cộ cực kỳ hao vốn và đòi hỏi các nhà sản xuất phải đầu tư cho các kỹ năng và tài năng mới. Mặt khác, nó có thể giảm chi phí sửa chữa vì việc sửa chữa có thể được thực hiện kỹ thuật số và nó có thể tăng lòng trung thành của khách hàng bằng cách khiến người lái xe khó chuyển đổi thương hiệu hơn.

Ông Bell từ Volvo tin rằng, chi phí ban đầu và những khó khăn trong việc phát triển phần mềm tiên tiến sẽ được đền đáp, vì tính an toàn và hiệu suất của xe có thể được cải thiện liên tục ngay cả sau khi bán cho người tiêu dùng. Chi phí phát triển cho các mẫu xe trong tương lai cũng sẽ giảm xuống khi kiến ​​trúc điện toán chung được thiết lập.

Có thể bạn quan tâm:

 Cơ hội kinh doanh từ xu hướng ly hôn đang gia tăng ở Trung Quốc

Nguồn FT