Ảnh: CNBC.

 
Gia Khánh Thứ Tư | 29/06/2022 14:37

Zero COVID khiến Trung Quốc bớt "mời gọi"

Những bất ổn do các đợt phong tỏa tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu phải cân nhắc lại các khoản đầu tư.

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc mới đây vừa công bố rằng các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt đã đẩy chi phí lao động tăng cao, làm trì trệ kinh tế và căng thẳng Mỹ- Trung đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc.

Những bất ổn do các đợt phong tỏa gần đây tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu phải cân nhắc lại các khoản đầu tư trong tương lai tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

“Chính sách Zero COVID hà khắc cùng những tác động địa chính trị của cuộc chiến Nga-Ukraine đã đẩy các doanh nghiệp châu Âu vào vòng xoáy biến động không ngừng. Tình hình hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn các kế hoạch và một số có thể cân nhắc rút khỏi Trung Quốc nếu sự mơ hồ này tiếp tục kéo dài, đặc biệt là khi các thị trường khác trở nên dễ đoán hơn”, theo báo cáo của EuroCham.

 

EuroCham đã khảo sát 372 doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc từ ngày 21-27/04 – thời điểm Thượng Hải đang trong giai đoạn phong tỏa kéo dài 2 tháng. Kết quả khảo sát cho thấy 23% doanh nghiệp được hỏi đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc dự kiến ra khỏi Trung Quốc. Tỷ lệ này nhiều gấp đôi so với kết quả ghi nhận được trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 2 và là mức cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Hơn 75% doanh nghiệp được hỏi nói rằng các biện pháp phòng chống COVID đã làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư. Trong khi đó, hơn 30% doanh nghiệp cho rằng nguyên do kém hấp dẫn hơn đến từ căng thẳng địa chính trị.

Khoảng 69% doanh nghiệp cho rằng COVID là thách thức lớn nhất đối với các công ty làm ăn tại Trung Quốc, tăng 5% so với khảo sát được thực hiện vào năm ngoái. 46% doanh nghiệp cho rằng chi phí lao động là yếu tố gây áp lực nhất, trong khi đó 42% chọn suy giảm tăng trưởng kinh tế, 30% chọn những rào cản trong tiếp cận thị trường và 25% lo ngại về sự phân ly kinh tế.

Kết quả khảo sát từ EuroCham được đưa ra trong bối cảnh sức khỏe kinh tế của Trung Quốc ngày càng đáng lo ngại. Doanh thu bán lẻ tháng 5 của quốc gia này đã giảm 3 tháng liên tiếp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lên tới 18,4%.

Theo EuroCham, việc làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn so với năm ngoái và 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đưa ra đánh giá này – mức cao kỷ lục kể từ khi khảo sát bắt đầu được thực hiện.

Ảnh: Getty Images.
Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, gần 70% doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc ghi nhận doanh thu tăng trong năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước lãi suất và thuế của họ cũng cải thiện với 4/5 doanh nghiệp được hỏi có kết quả khả quan.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã liên tục tổ chức họp mặt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các các phòng thương mại trong 2 tháng qua nhằm ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài. Nước này cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và ưu tiên việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc.

Klaus Zenkel, chủ tịch chi nhánh phía Nam Trung Quốc của EuroCham, cho biết 94% doanh nghiệp thành viên không có kế hoạch rời khỏi khu vực này dù chi phí sản xuất tăng lên, hầu hết doanh nghiệp muốn thúc đẩy tối ưu tự động hóa và sản xuất tinh gọn trong tình hình hiện tại.

Có thể bạn quan tâm: 

G7 công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga