Thứ Năm | 31/05/2012 08:45

Yên tăng so với các đồng tiền chủ chốt do khủng hoảng nợ châu Âu

Khủng hoảng ngân hàng ở Tây Ban Nha gây lo ngại khủng hoảng châu Âu lan rộng tăng, đẩy nhu cầu tài sản an toàn lên cao làm yên tăng giá.
Yên tăng 0,1% lên 97,65 yên/euro vào 9h47 tại Tokyo so với lúc đóng cửa ngày 30/5 tại New York. So với USD, yên tăng 0,2% lên 78,94 yên/USD, trước đó có lúc đồng tiền này chạm ngưỡng 78,86 yên/USD, cao nhất từ 17/2. Tỷ giá EUR/ USD không thay đổi nhiều tại 1,2370 USD/EUR sau khi euro giảm xuống 1,2358 USD/euro, thấp nhất từ tháng 7/2010.

Như vậy, yên tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng so với USD khi lợi suất trái phiếu chuẩn của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 giữa bối cảnh thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm.

Đồng thời, euro đã giảm 8 ngày liên tiếp so với yên, chuỗi giảm giá dài nhất trong gần 2 năm từ tháng 6/2010, trước khi số liệu về tỷ lệ thất nghiệp và sản xuất vốn được dự đoán tiêu cực trên toàn khu vực đồng euro được đưa ra.

Trái ngược với yên, các đồng tiền châu Á khác hướng tới tháng giảm nhiều nhất từ tháng 9/2011 do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, và khủng hoảng ngân hàng tại Tây Ban Nha khiến nhu cầu đầu tư vào các tài sản thị trường mới nổi giảm.

Bloomberg-JPMorgan AsiaDollar Index (ADXY), chỉ số theo dõi 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhấttrong khu vực châu Á không tính yên giảm 2,7% kể từ 30/4, khi các quỹ đầu tư quốc tế rút 7,8 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia.

Rupee của Ấn Độ giảm mạnh nhất, tháng này giảm 6,2% xuống 56,2325 rupee đổi 1 USD lúc đóng cửa hôm qua tại Mumbai. Ringgit của Malaysia giảm 4,8% xuống 3,1778 ringgit/ USD lúc 9h41 sáng tại Kuala Lumpur, mức thấp nhất trong năm. Nhân dân tệ cũng chạm mức thấp nhất trong năm nay. Trong khi đó, won của Hàn Quốc giảm 4,3% xuống 1.181,5 won/USD.

Hôm qua, ECB bác tin nhận được tham vấn hay bày tỏ quan điểm về việc chính phủ Tây Ban Nha muốn phát hành trái phiếu tái cấp vốn cho ngân hàng Bankia. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Luis de Guindos cũng lên tiếng bác bỏ thông tin đăng tải trên tờ Financial Times trước đó về việc ECB từ chối bơm tiền cứu trợ ngân hàng Tây Ban Nha.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha kỳ hạn 10 năm tăng lên 6,692%, gần tới mức 7% khiến Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha cầu cứu gói cứu trợ.

Nguồn Bloomberg/ DVT


Sự kiện