Yên mất giá, nhà đầu tư quay lưng với tiền tệ châu Á
Trên thực tế, thị trường tiền tệ châu Á rất nhạy cảm với biến động của đồng yên chủ yếu do mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ giữa các nước trong khu vực và Nhật Bản.
Yên đã giảm 4,8% so với USD kể từ khi ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến cả thị trường tài chính thế giới phải ngạc nhiên khi tăng cung tiền hàng năm lên 80 nghìn tỷ yên vào ngày 31/10.
Diễn biến tỷ giá USD/JPY |
Giới đầu tư khu vực đang đánh cược với nhau rằng, các ngân hàng trung ương, từ Hàn Quốc cho tới Thái Lan, cũng sẽ theo đó hành động để làm suy yếu nội tệ, nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.
Won của Hàn Quốc là một trong những đồng tiền châu Á chịu thiệt hại nhiều nhất vì đà trượt giá của yên. Kể từ ngày 31/10, won đã giảm 3,7%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/11, won giảm 1,2% so với U SSD xuống thấp nhất kể từ tháng 8/2013.
Không chỉ đồng won bị ảnh hưởng bởi yên, các đồng tiền châu Á khác cũng đang "rủ nhau" giảm giá so với USD. Đôla Đài Loan chạm mốc thấp nhất hơn 4 năm trong khi đôla Singapore cũng xuống thấp nhất gần 3 năm so với USD. Thậm chí, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cho biết, sẽ sẵn sàng hành động để giúp nội tệ bắt kịp với đà trượt giá của yên, nhằm ổn định thị trường.
Trước tình hình này, quỹ quản lý Schroders tại châu Á đã phải giảm nắm giữ trái phiếu của Hàn Quốc, và đang xem xét giảm nắm giữ tài sản của định giá bằng đôla Singapore.
Yên trượt giá cũng sẽ gián tiếp tác động đến hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á. Khối doanh nghiệp và chính phủ các nước châu Á đang lo sợ rằng, đà trượt giá mạnh của yên trong thời gian gần đây sẽ giúp Nhật Bản thâu tóm toàn bộ thị trường xuất khẩu tại khu vực. Điển hình là những doanh nghiệp Hàn Quốc đang cạnh tranh gay gắt với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất ôtô, cũng sẽ chịu thiệt hại lớn vì, yên suy yếu sẽ giúp giảm giá xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản.
Yên trượt giá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á (Ảnh: Wall Street Journal) |
Không chỉ ảnh hưởng thông qua lĩnh vực thương mại, đà trượt giá của yên sẽ gây tổn thương cho thị trường tiền tệ châu Á thông qua dòng vốn FDI. Theo số liệu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản vào châu Á trong nửa đầu năm nay đạt 14,8 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng FDI của khu vực.
Yên suy yếu sẽ khiến các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn đang có xu hướng đầu tư mạnh ra nước ngoài, cũng sẽ rút vốn về đầu tư vào thị trường nội địa. Nguyên nhân đơn giản vì, khi đó chi phí lao động và vận hành tại Nhật Bản sẽ thấp hơn so với các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, châu Á không nên quá lo ngại trước đà lao dốc của yên và khẳng định rằng, USD mới là động lực chính đối với thị trường tiền tệ châu Á. Hiện nay, USD vẫn đang trên đà tăng giá mạnh so với phần lớn các đồng tiền, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ.
Nguồn DVO/ Wall Street Journal