Ảnh: International Business Time.

 
Quỳnh Anh Thứ Năm | 07/03/2019 15:53

Ý sẽ tham gia Vành đai và Con đường?

Ý có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất ủng hộ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, CNN cho hay.

Theo nhiều báo cáo, chính phủ Ý có thể ký một biên bản ghi nhớ trong vòng vài tuần, với hy vọng thu hút đầu tư lớn hơn của Trung Quốc vào nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Nếu ký thỏa thuận với Bắc Kinh, Ý sẽ là thành viên đầu tiên của nhóm các nền kinh tế phát triển G7 chính thức ủng hộ sáng kiến, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Anh đều không muốn tham gia.

Ông Michele Geraci, một quan chức của Bộ phát triển kinh tế của Ý, nói với Thời báo Tài chính Anh rằng thỏa thuận này hy vọng sẽ được thực hiện kịp thời trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này vào tháng 3. Truyền thông Ý cũng đưa tin về kế hoạch.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sản phẩm 'Made in Italy' có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn, đây là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới," Geraci nói.

Thông báo có thể được đưa ra trong bối cảnh phản ứng quốc tế ngày càng tăng đối với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, bao gồm lệnh cấm đối với người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và cuộc chiến thương mại nóng bỏng với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đến Ý vào cuối tháng này trước khi tới Pháp và cuối cùng là Mỹ, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Donald Trump khi hai nước cố gắng đạt thỏa thuận về thuế quan.

Ấn Độ đã không hào hứng khi tham gia sáng kiến ​​này, nhưng một số đối tác khu vực như Pakistan và Malaysia đã nhiệt tình tham gia cùng với hàng chục quốc gia khác.

Nhưng các nhà phê bình, đặc biệt là chính phủ Mỹ, đã tuyên bố các dự án Vành đai và Con đường tạo ra những khoản nợ lớn đối với các nước đang phát triển, trong khi có rất ít lợi ích kinh tế. Thậm chí có ý kiến cho rằng ​​Trung Quốc đang sử dụng dự án để mở rộng phạm vi quân sự và chính trị ở nước ngoài.

Thông báo về sự tham gia của Ý sẽ là tin vui với Bắc Kinh vào thời điểm mà ngay cả một số quốc gia đã tham gia Vành đai và Con đường, như Malaysia, đã bắt đầu đặt câu hỏi về lợi ích của các dự án của họ.

Quyết định của Ý cũng sẽ trùng với một cuộc tranh luận ở châu Âu về vai trò của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei trong việc triển khai các mạng 5G siêu tốc mới. Các chính phủ bao gồm Vương quốc Anh và Đức đang cân nhắc xem có nên chặn các nhà khai thác di động sử dụng công nghệ của Huawei hay không.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, nước Ý suy thoái đã thành lập một Lực lượng Đặc nhiệm vào tháng 10 để điều tra các cơ hội kinh tế ở Trung Quốc, bao gồm cả khả năng tham gia BRI.

Đại sứ Trung Quốc tại Ý, Li Ruiyi, nói rằng: "Ý và Trung Quốc đã được liên kết bởi Con đường tơ lụa cổ đại trong quá khứ. Chúng tôi hy vọng Lực lượng Đặc nhiệm sẽ giúp tăng cường hợp tác của hai nước theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và góp phần củng cố mối quan hệ EU-Trung Quốc", Li nói.

Khi được hỏi về thông báo có thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các phóng viên hôm 6.3 rằng: "Ngày càng có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế muốn tham gia [BRI]".

"Ngày càng có nhiều người trong số họ nhận thấy đây thực sự là một nền tảng rất tốt cho sự hợp tác cùng có lợi kể từ khi Vành đai và Con đường được đề xuất cách đây 6 năm. Và chúng tôi sẽ tiết lộ bất kỳ thông tin nào về việc này ngay khi chúng tôi có nó", ông nói.