Ý đồ khống chế Đông Nam Á của Trung Quốc
Tương tự, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) cũng đăng bài viết của nhà bình luận kỳ cựu Philip Bowring cảnh báo hành vi hiện nay của TQ ở biển Đông là "hung hăng, ngạo mạn, mang tính chủ nghĩa bá quyền Đại Hán".
Cũng trong ngày 18.5, Bloomberg đăng bài bình luận cho rằng với sự hung hăng của TQ ở Đông Nam Á, có vẻ như nước này đang đi theo chính sách của các đế quốc thời trước Thế chiến 2. Theo bài báo, yêu sách đường lưỡi bò phi lý của TQ ở biển Đông đang khiến dư luận nhớ lại bản "21 yêu sách" mà đế quốc Nhật đưa ra vào năm 1915 nhằm buộc chính quyền TQ khi đó phải nhượng bộ về lãnh thổ, đường sắt, mỏ than…
Theo Bloomberg, chủ trương khăng khăng đòi đàm phán song phương về tranh chấp nhằm lợi dụng ưu thế nước lớn của TQ chẳng khác nỗ lực của các đế quốc cô lập nước này về mặt ngoại giao trước Thế chiến 2.
Nhu cầu đối nội
Sử gia Romano phân tích thêm, vụ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển VN cho thấy TQ không chỉ có mưu đồ độc chiếm biển Đông mà còn muốn thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giấc mộng "đế quốc". Ông chỉ ra sự tăng trưởng vượt bậc của TQ mấy chục năm qua cũng kéo theo nhiều nhân tố có thể gây bất ổn như tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, môi trường bị hủy hoại… dẫn đến bất bình trong xã hội.
Vì thế, có thể chính quyền tin rằng bành trướng lãnh thổ là một cách làm giảm áp lực trong nước. Trước đó, nhà phân tích Ely Ratner tại Trung tâm an ninh Mỹ (CNAS) cũng nhận định việc TQ gây căng thẳng với VN trong thời điểm này chứng tỏ yêu cầu cấp bách về chính trị và đối nội đã lấn át tính logic trong chiến lược của Bắc Kinh, theo báo mạng Business Insider.
Trong khi đó, Giáo sư chính trị quốc tế Mark Beeson tại ĐH Murdoch (Úc) cho rằng thật khó biết vụ đưa giàn khoan trái phép vào VN được thực hiện theo chính sách phối hợp từ trên xuống hay chỉ là chủ trương của quân đội, tập đoàn dầu khí hoặc chính quyền địa phương, theo báo The Japan Times. Trong một nghiên cứu hồi năm 2012, Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (Crisis Group) ở Bỉ đã chỉ rõ tuy chiến lược độc chiếm biển Đông của TQ có thống nhất từ trên xuống về chính trị và ý đồ, nhưng về cụ thể thì đa phần "mạnh ai nấy làm". Nhiều lực lượng, đơn vị, chính quyền địa phương ở TQ đua nhau tăng cường hành động trên biển Đông để giành phần trong ngân sách trung ương cũng như tăng cường vị thế.
Ép buộc nước nhỏ
Từ những hành động ngang ngược của TQ trong thời gian qua ở biển Đông, Giáo sư Patrick Cronin tại CNAS nhận định với Bloomberg rằng giới lãnh đạo TQ đang thực hiện mô hình "chấp nhận nguy cơ bằng cách dùng sức ép để củng cố tuyên bố chủ quyền biển" và muốn "các nước láng giềng phải lựa chọn hợp tác theo điều kiện của TQ hoặc gây sức ép chiến thuật đối với những quốc gia ngăn cản sự trỗi dậy của nước này".
AFP dẫn lời chuyên gia Ernie Bower tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói ông không có gì ngạc nhiên nếu TQ tiến tới lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông và đó sẽ "không phải là hành động khiêu khích cuối cùng".
Ngoài ra, một nhà ngoại giao châu Á nhận định nhiều nước Đông Nam Á đang quan ngại khả năng TQ muốn đạt được ngày càng nhiều lợi ích bằng cách khiêu khích các nước láng giềng. Chiến thuật có nguy cơ làm thay đổi diện mạo khu vực nếu các nước nhỏ hơn trong khu vực không có được sự ứng phó thống nhất. Có lẽ do vậy mà biên tập viên Zachary Keck của chuyên san The Dilopmat (Nhật) đã kêu gọi các nước ASEAN tham gia tranh chấp ở biển Đông nên ngồi lại giải quyết bất đồng rồi cùng hiệp sức ứng phó các hành động của TQ.
Nguồn Thanh Niên