Xúc tiến thành lập Diễn đàn ổn định tài chính Đông Á
Bên cạnh đó, theo ông Ngoạn, tăng cường thể chế tài chính là một trong bài học quan trọng mà Việt Nam đã học hỏi được từ các quốc gia tham dự hội nghị.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, bất cứ nền kinh tế nào khi rơi vào khủng hoảng kinh tế đều phải nhanh chóng tiến hành cải cách thể chế một cách thuyết phục.
Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra ví dụ về Nhật Bản. Quốc gia châu Á này trong thời kỳ khó khăn đã có những thay đổi lớn về thể chế, điển hình là việc tách và nâng cao thẩm quyền của các cơ quan giám sát. Nhật Bản cho rằng, cần một cơ quan độc lập mang tính chất khách quan để xử lý nợ xấu và quản lý rủi ro đồng thời hoàn toàn độc lập với bộ tài chính.
Một bài học khác được ông Ngoạn đưa ra là việc chú ý thay đổi chính sách vĩ mô. Ông Ngoạn cho rằng, nhiều bất ổn trên thị trường tài chính đều phát sinh từ yếu tố này.
Theo ông Ngoạn, khi thị trường phát triển mạnh ai cũng đầu tư, còn khi thị trường đi xuống thì mọi người lại cùng rút tiền. Chính vì thế, thị trường có quá nhiều sự đầu tư sẽ gây ra nguy cơ đổ vỡ.
“Điều này đòi hỏi các nhà chính sách cần đo lường được khuynh hướng phát triển thị trường, ở mức độ nào là hợp lý. Chúng ta phải dự đoán được khi nào có bong bóng tài sản, bất động sản”, ông Ngoạn nói.
Nói thêm về kết quả của hội nghị lần này, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, các bên tham gia đã đưa ra bức tranh khá toàn diện về cải cách tài chính, những việc đã, đang tiến hành cần lưu tâm.
Trong số đó, xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề được quan tâm và giúp các nước có thêm kinh nghiệm quý. Các đại biểu đều cho rằng cần xử lý các khoản nợ xấu càng nhanh càng tốt. Nếu càng để lâu, chi phí cho công việc này sẽ ngày càng lớn.
Nguồn Vietnam+