Ảnh: thuongtruong.com.vn

 
Văn Quốc Thứ Bảy | 16/11/2019 08:00

Xuất khẩu lao dốc

Gần 100 quốc gia đã chứng kiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019, so với 33 quốc gia vào năm ngoái.

“Tình hình thực sự không lạc quan”, Jeong Tae-ki, Giám đốc phân xưởng tại nhà máy của Posco ở Pohang, Hàn Quốc, lo ngại về nhu cầu sụt giảm đối với thép cán nóng của Posco. Nhưng điều ông quan ngại hơn cả là triển vọng thương mại toàn cầu cực kỳ ảm đạm. Trong 18 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại, giao thương quốc tế đã sụt giảm mạnh, khiến cho các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Hàn Quốc lao đao.

Xuất khẩu Hàn Quốc trong tháng 10 đã giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất trong gần 4 năm qua và là tháng thứ 11 liên tiếp lao dốc. Đặc biệt có đến 2/3 nhóm hàng hóa xuất khẩu Hàn Quốc đã sụt giảm, theo số liệu chính thức của Hải quan Hàn Quốc. Nỗi đau này đặc biệt nhức nhối ở nhóm hàng điện tử, khi giảm tới 18% và chất bán dẫn giảm 32%.

Đây chỉ là một mảng tối trong bức tranh toàn cầu đầy màu xám. Giao thương quốc tế đã giảm 1,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ, tháng thứ 3 liên tiếp bị sụt giảm và là thời kỳ ảm đạm kéo dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm.

 

Tháng trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay từ 3,3% xuống còn chỉ 3%, một phần do giao thương ảm đạm. Các doanh nghiệp như Posco đang cảm nhận nỗi đau, khi lãi ròng sụt giảm trong quý III. “Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, vì thế chúng ta chứng kiến nhu cầu thép yếu ớt hơn”, Jeong nói. Được biết, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới hơn 40% GDP Hàn Quốc, mức cao nhất trong số 20 nền kinh tế lớn lớn nhất thế giới.

Nhưng thiệt hại không chỉ ở các quốc gia xuất khẩu. Gần 100 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, đã chứng kiến giá trị xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, tăng từ mức 33 quốc gia vào năm ngoái, theo một phân tích của Financial Times dựa trên dữ liệu của IMF. Trong đó, xuất khẩu máy móc và thiết bị vận tải đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

Tháng 11 này, IMF đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng hằng năm về khối lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, chỉ còn 1,2% trong năm 2019, giảm từ mức dự báo 3,7% hồi năm ngoái. “Các dịch vụ gắn liền với giao dịch hàng hóa, ví như ngành vận tải, đang tăng trưởng chậm lại, các rào cản thương mại trong một số ngành được dựng lên và tăng trưởng giao dịch các dịch vụ tài chính đang yếu ớt”, Adam Slater, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nhận định. Bất ổn địa chính trị gia tăng đã khiến nhiều công ty quyết định cắt giảm đầu tư. Tăng trưởng đầu tư dự kiến chậm lại còn 1,5% tại các nền kinh tế phát triển năm 2019, so với 4,1% năm 2017, theo IMF.

 

Chiến tranh thương mại càng gây bất lợi cho tình hình vốn dĩ ảm đạm tại Hàn Quốc. GDP nước này chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý III/2019 so với quý trước, thấp hơn dự báo của các chuyên gia. Là nhà cung cấp chính cho Trung Quốc, Hàn Quốc đang vô cùng chật vật do tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 17% xét về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 10.2019. Các nước khác trong khu vực cũng chứng kiến xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm như Thái Lan, Nhật, Singapore và Việt Nam.

Hàn Quốc cũng đang đau đầu vì mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với Nhật. Căng thẳng leo thang trong những tháng gần đây khi Nhật siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu chủ chốt trong sản xuất chip điện tử và màn hình - ngành công nghệ trụ cột của Hàn Quốc.

Dẫu vậy, một số dấu hiệu cho thấy tình hình có lẽ sẽ dần ổn định. Các cuộc đàm phán thương mại đã bớt ngột ngạt hơn và có thể sẽ đi đến một thỏa thuận chung, dù nhiều chuyên gia vẫn lo ngại bất cứ thỏa thuận ngắn hạn nào cũng khó mà giải quyết những căng thẳng sâu xa.

Nếu xét kỹ, giao thương toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8 đã giảm nhẹ hơn so với tháng 6. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất toàn cầu JPMorgan IHS đối với các đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm nhẹ trong tháng 9 so với tháng trước. Các số liệu gần đây “chỉ ra mặc dù giao thương toàn cầu có khả năng vẫn sẽ yếu ớt trong ngắn hạn nhưng tình hình ít nhất sẽ không tồi tệ hơn”, Bethany Beckett, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định.

 

Tuy nhiên, những kỳ vọng về một thỏa thuận “đình chiến” đã từng tan thành mây khói trong quá khứ, các số liệu kinh tế vẫn tốt xấu đan xen và các mức thuế quan Mỹ áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua có thể gia tăng thêm sức ép cho nền kinh tế thế giới nói chung và các quốc gia xuất khẩu nói riêng như Hàn Quốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc “vẫn bị kìm hãm bởi nhu cầu hàng công nghệ chậm lại, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và giá chất bán dẫn giảm”, Steven Burke, chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn Focus Economics, nhận định.

Đó là lý do mới đây Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thúc giục các nhà làm luật cần sớm thông qua gói kích thích tài khóa có quy mô lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giới chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo nước này có khả năng sẽ chịu nhiều đau thương hơn trong những tháng tới. Theo Tay Qi Hang, chuyên gia phân tích tại Fitch Solutions, hồi đầu năm nay tổ chức này đã dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ khả quan hơn, nhưng hiện cho rằng có khả năng vẫn ảm đạm trong những quý tới. Điều đó khiến Posco càng ra sức bảo vệ biên lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh hơn nữa tự động hóa sản xuất. “Cuộc chiến này là về câu chuyện tiết kiệm chi phí. Đây là vấn đề sống còn”, Kim Ki-soo, Phó Chủ tịch cấp cao của Posco, nhận định.

►Hơn nửa sắt, thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nào?

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc ngày càng khó

Xuất khẩu gỗ dăm: Nỗi lo khi vượt 1 tỉ USD

Nguồn FT