Xuất khẩu giảm, Trung Quốc tính tăng cường kích thích
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật 8/11, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 10 tính theo USD giảm 6,9%, giảm mạnh hơn so với dự đoán của 31 nhà kinh tế học trong khảo sát Bloomberg. Sự sụt giảm nhu cầu than đá, kim loại và các hàng hóa khác của ngành công nghiệp nặng khiến nhập khẩu giảm 18,8%, đưa thặng dư thượng mại đạt kỷ lục 61,6 tỷ USD.
Báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu mở đầu cho một tuần tràn ngập số liệu kinh tế chủ chốt của Trung Quốc nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định - vốn được dự đoán chỉ tăng không đáng kể cho dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 6 lần giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014 và những động thái thúc đẩy chi tiêu của chính quyền địa phương. Điểm sáng hiếm hoi có thể là doanh số bán lẻ tháng 10.
Tuy tầng lớp trung lưu ngày một tăng giúp đẩy tăng doanh thu và lợi nhuận của các công ty như người khổng lồ internet Alibaba Group Holding Ltd - sẽ thực hiện ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm vào thứ Tư tuần này, song như vậy là chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm của ngành công nghiệp nặng.
Louis Kuijs, phụ trách nghiên cứu kinh tế học khu vực châu Á tại Oxford Economics ở Hong Kong, cho rằng, số liệu thương mại tháng 10 của Trung Quốc đang gia tăng áp lực buộc nước này phải nới lỏng chính sách hơn nữa. Các biện pháp kích thích có thể tiếp tục tập trung vào thúc đẩy nhu cầu nội địa thay vì làm suy yếu nhân dân tệ. Theo thời gian, vai trò của việc mở rộng chính sách tài khóa sẽ ngày một tăng.
Các số liệu khác trong tuần này được dự đoán cho thấy giảm phát tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực công nghiệp và lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 10 đạt 1,5%.
Báo cáo thương mại hôm Chủ nhật 8/11 cho thấy, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Nhật Bản giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang EU giảm 3,7% và sang Hồng Kông giảm 11,7%.
Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - lại tăng 5,8%, sang ASEAN cũng tăng 4,2% và sang Ấn Độ tăng 8,9%.
Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ 10 đối tác thương mại chủ chốt giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm nay, đáng kể là nhập khẩu từ Úc - nguồn cung cấp chủ yếu quặng sắt cho Trung Quốc - giảm 25,7%.
Trong Báo cáo Thực hiện Chính sách Tiền tệ quý III/2015 công bố hôm thứ Sáu 6/11, PBOC cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định và tạo ra môi trường tài chính và tiền tệ trung lập cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.
PBOC cũng nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với áp lực suy giảm và lạm phát sẽ ở mức thấp.
Những bình luận này "cho thấy PBOC có ý định ngăn đà suy giảm của lực cầu trong bối cảnh chuyển đổi sang "tiêu chuẩn mới", Goldman Sachs cho biết trong báo cáo ra hôm Chủ nhật 8/11.
Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc đã phát tín hiệu không chấp nhận tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tăng trưởng bình quân hàng năm trong 5 năm tới không thể thấp hơn 6,5% để có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng gấp đôi GDP 2010 và thu nhập theo đầu người từ mức của năm 2010 vào năm 2020.
Trung Quốc có nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu này với thâm hụt tài khóa tương đối thấp và nợ của chính quyền trung ương không đáng kể. Đến nay, PBOC vẫn quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lớn ở mức 17,5%, kể cả sau nhiều lần cắt giảm.
Thặng dư thương mại cao kỷ lục cũng giúp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bất ngờ tăng từ 3,51 nghìn tỷ USD trong tháng 9 lên 3,53 nghìn tỷ USD trong tháng 10 bất chấp việc PBOC phải sử dụng nguồn lực này để hỗ trợ nhân dân tệ.
Liu Ligang, nhà kinh tế học phụ trách nghiên cứu Trung Quốc đại lục tại ngân hàng ANZ, cho biết, thặng dư thương mại ở mức cao có thể bù đắp lượng vốn bị rút ra, đồng thời xua tan đồn đoán nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg