Thứ Năm | 23/08/2012 06:29

Xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do Nga gia nhập WTO

Trong thời gian ngắn hạn, xuất khẩu của Mỹ sang Nga có thể bị ảnh hưởng nếu Washington không dỡ bỏ điều khoản sửa đổi Jackson-Vanik năm 1974.
Nông nghiệp, máy bay và nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Mỹ sang Nga có thể bị ảnh hưởng nếu quốc hội Mỹ không sớm công nhận Nga là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các chuyên gia thương mại cho biết.

Viện kinh tế quốc tế Peterson ước tính xuất khẩu của Mỹ sang Nga có thể tăng gấp đôi lên 11 tỷ USD trong vòng 5 năm nhờ việc cắt giảm hàng rào thuế quan và những cải cách khác mà Nga sẽ thực hiện khi gia nhập WTO.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn hạn, xuất khẩu của Mỹ sang Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu quốc hội chưa dỡ bỏ điều khoản sửa đổi Jackson-Vanik năm 1974 để thiết lập mối "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga.

"Để các nhà sản xuất, công nhân, các nhà cung cấp dịch vụ, nông dân và chủ trang trại của Mỹ thu được lợi đầy đủ khi Nga gia nhập WTO, quốc hội phải chấm dứt luật sửa đổi Jackson-Vanik và công nhận các mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga", đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cho biết.

Luật sửa đổi Jackson-Vanik do 2 nghị sĩ Henry M. Jackson và Charles Vanik đặt ra vào năm 1974, áp dụng từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế thương mại với Liên Xô và các nền kinh tế mà Mỹ coi là phi thị trường. Điều luật này là trở ngại lớn trong việc thiết lập quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Nga.

Luật sửa đổi này vẫn còn hiệu lực và mâu thuẫn với một số quy định của WTO về việc các thành viên của tổ chức phải thiết lập mối quan hệ thương mại bình thường vô điều kiện.

Các doanh nghiệp Mỹ hy vọng quốc hội sẽ thông qua mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn vào tháng 9 sau khi kỳ nghỉ kéo dài 1 tháng, nhưng việc thông qua này có thể bị trì hoãn đến sau cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 6/11 hoặc hoãn đến năm 2013.

"Cả thể giới đã sẵn sàng phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, ngoại trừ Mỹ. Do đó, Nga có quyền từ chối những lợi ích đầy đủ của Mỹ", ông Thomas Donohue, chủ tịch phòng Thương mại Mỹ cho biết.

"Về thương mại, Mỹ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau một lần nữa. Các công ty châu Á và châu Âu đã bắt đầu thu được lợi ích từ thị trường Nga do áp dụng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn", ông Thomas Donohue nói thêm.

Nếu không thiết lập mối quan hệ bình thường vĩnh viễn, các nhà sản xuất thịt lợn và gia cầm của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do Nga ngừng nhập khẩu với lý do liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, Anders Aslund, một thành viên cao cấp tại Viện Peterson cho biết.

Nga cũng có thể trừng phạt Mỹ bằng cách chuyển các hợp đồng nhà nước cho các nhà cung cấp khác. Chẳng hạn như hãng hàng không Nga Aeroflot có thể quyết định mua máy bay từ nhà sản xuất châu Âu Airbus thay vì Boeing, hay hãng đường sắt Nga có thể mua thiết bị từ Siemens thay vì General Electric, ông Anders Aslund nói thêm.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện