Thứ Năm | 29/05/2014 12:08

Xuất khẩu của châu Á vẫn yếu

Xuất khẩu châu Á suy yếu là do tăng trưởng chậm chạp của hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và dòng chảy thương mại trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu của các thị trường chính như Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của châu Á. Theo các nhà gia phân tích, kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục khá chậm chạp sau khủng hoảng.

Derrick Kam, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á (trừ Nhật Bản) tại Morgan Stanley, nhận định, xuất khẩu của thế giới vẫn rất yếu sau khủng hoảng tài chính, đặc biệt yếu trong quý I năm nay khi giảm 1,8% so với mức tăng 6,1% của quý IV/2013 và 4,1% quý III/2013.

Ông Kam cho rằng, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu châu Á tăng trưởng yếu là do xuất khẩu sang Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - vẫn trì trệ và dòng chảy thương mại trong khu vực chậm hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhận định, xuất khẩu của châu Á trong tháng 4 đang có dấu hiệu phục hồi như lần đầu tiên trong 2 tháng qua xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi sát sao số liệu xuất khẩu của các nước, kể cả Hàn Quốc, trong những tháng tới.

Nhiều nền kinh tế châu Á kể cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Xuất khẩu từ trung tâm sản xuất của châu Á được nhiều nhà kinh tế học xem như là yếu tố phản ánh tình trạng của nền kinh tế toàn cầu.

Glen Levine, nhà kinh tế học cao cấp tại Moody's Analytics ở Sydney, cho rằng, các nền kinh tế chú trọng vào xuất khẩu của châu Á vẫn dễ bị tổn thương trước những thay đổi của bối cảnh toàn cầu, đặc biệt là khi kinh tế Mỹ trượt dốc. Triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu đang là mối lo ngại chính đối với các nền kinh tế châu Á.

Ông Levine phân tích, kinh tế châu Âu đã gây thất vọng trong quý I/2014 khi GDP chỉ tăng 0,2% so với quý trước đó. Triển vọng của khu vực này vẫn khá ảm đạm.Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục do mùa đông khắc nghiệt và sự suy yếu liên tục của thị trường nhà đất. Những yếu tố này đầu tiên sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu, tiếp đó là hoạt động sản xuất của châu Á.

Để thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm chạp và lạm phát thấp, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự định giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới.

Những lo ngại về tình trạng suy yếu của kinh tế Mỹ đã làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc trong những tuần gần đây, mặc dù Mỹ đón nhận một vài số liệu kinh tế tích cực trong ngày 27/5, như niềm tin tiêu dùng, số đơn hàng lâu bền và giá nhà đất.

Ông Levine cho biết, hoạt động sản xuất điện thoại di động và hàng tiêu dùng công nghệ cao của Đài Loan và hoạt động sản xuất ôtô và thiết bị gia dụng của Hàn Quốc đặc biệt nhạy cảm với sự suy yếu của kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Singapore và Thái Lan cũng là các nước dễ bị tổn thương khi phải hứng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ suy thoái của các thị trường khác như Nhật Bản.

Theo số liệu công bố ngày 28/5, xuất khẩu của Thái Lan - chiếm 60% GDP cả nước - giảm 0,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của khủng hoảng chính trị.

Nguồn Theo DVO/CNBC


Sự kiện