Thế Sơn Thứ Tư | 31/08/2016 12:30

“Xuất khẩu” con nuôi: Ngành công nghiệp nhiều tranh cãi

Trong số những người phản đối việc nhận con nuôi ở nước ngoài lại là một số đứa trẻ lớn lên bắt đầu muốn biết cội nguồn của chúng.

Cách đây 10 năm, các khách sạn Guatemala chật kín người nước ngoài da trắng với những đứa trẻ da màu. Đó là bởi vì Cộng hòa Guatemala đã gửi rất nhiều trẻ sang Mỹ làm con nuôi. Từ năm 1996-2008, hơn 30.000 đứa trẻ Guatemala đã được nhận nuôi ở nước ngoài. Trong năm 2007, cứ 1 trong số 100 đứa bé ở Guatemala được nhận nuôi. Các khách sạn ở thành phố Guatemala, thủ đô của nước này, có cả những tầng dành riêng cho chăm sóc trẻ em và các văn phòng công chứng. “Một số nước xuất khẩu chuối, còn chúng tôi xuất khẩu trẻ em”, Fernando Linares Beltranena, luật sư về nhận con nuôi, khi đó cho biết.

Ngành “xuất khẩu” con nuôi của Guatemala đã cất cánh vào thập niên 1970, khi cuộc nội chiến đã khiến hàng trăm ngàn người dân mất chỗ ở. Một bộ luật ra đời vào năm 1977 đã cho phép các phòng công chứng tạo điều kiện cho các trường hợp nhận con nuôi. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1996, số trường hợp nhận con nuôi ở nước ngoài đã tăng vọt, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu.

Đến thập niên 2000, “chuỗi cung cấp” trẻ làm con nuôi của Cộng hòa Guatemala đã có tới hàng ngàn lao động. Và những vấn nạn cũng bắt đầu trở nên nhức nhối: Tình trạng mua bán, bắt cóc trẻ nhiều hơn; các luật sư và công chứng viên thu khoản phí béo bở từ việc xử lý hồ sơ nhận con nuôi; những người phụ nữ nghèo được trả tiền để sinh con với giá rất rẻ. Hầu hết trẻ được nhận nuôi bởi người nước ngoài mỗi năm “được sản xuất vì mục đích cho làm con nuôi”, Rudy Zepeda, thuộc Hội đồng Nhận con nuôi Quốc gia của Guatemala, cho biết. Vào năm 1997, có chưa tới 1.000 trường hợp đưa trẻ sang Mỹ làm con nuôi, nhưng một thập niên sau, con số này đã tăng gấp 5 lần.

Đến năm 2008, trước phản đối của những cha mẹ bị mất con và áp lực từ Liên hiệp Quốc và các nước nhận con nuôi, Guatemala đã ngừng cho trẻ sang nước ngoài làm con nuôi. Nhiều nước khác cũng siết chặt quy định, khiến số trẻ được cho làm con nuôi ở nước ngoài giảm mạnh từ 45.000 vào năm 2004 chỉ còn 12.500 vào năm 2015.

Đáng chú ý là sự ra đời của hiệp ước Hague vào năm 1993. Theo đó, các chính phủ phải xác minh nguồn gốc của trẻ và giám sát tất cả các trường hợp cho làm con nuôi. Hiệp ước cũng thiết lập nguyên tắc là phải ưu tiên cho người thân chăm sóc trẻ, sau đó mới đến các cha mẹ muốn nhận con nuôi ở trong nước, rồi mới xét đến trường hợp cho trẻ làm con nuôi ở nước ngoài.

Khi quy định bị siết chặt hơn, các gia đình nhận con nuôi và các cơ quan đã chuyển sang những nước có quy định vẫn còn “dễ thở”. Vào thập niên 1980, 56% các trường hợp cho con nuôi quốc tế chỉ đến từ 3 nước: Colombia, Ấn Độ và Hàn Quốc. Vào năm 1998, tốp 3 là Trung Quốc, Nga và Việt Nam. Một số chính phủ đã đưa những nước chậm tuân theo các quy định mới vào danh sách đen. Vào năm 2002, Canada, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều ngưng nhận con nuôi từ Guatemala dù Mỹ vẫn tiếp tục cho đến năm 2008. Các cơ quan nhận con nuôi Mỹ sau đó đã quay sang châu Phi, đặc biệt là Ethiopia và Cộng hòa Congo.

“Xuat khau” con nuoi: Nganh cong nghiep nhieu tranh cai

Trong số những người phản đối việc nhận con nuôi ở nước ngoài lại là một số đứa trẻ lớn lên bắt đầu muốn biết cội nguồn của chúng. “Nhận con nuôi không phải chỉ là công việc giấy tờ và một chiếc vé máy bay. Khi đứa trẻ lớn lên, bạn phải cho chúng biết chúng đến từ đâu”, Jean Sebastien Zune, hoạt động trong tổ chức châu Âu La Voix des Adoptés, the Voice of Adoptees, cho biết. Chính Zune là trẻ được nhận nuôi từ Guatemala bởi cha mẹ người Bỉ vào năm 1985. Năm 2013, anh quay trở về nước để tìm cha mẹ đẻ. Nhưng sau đó, Zune phát hiện anh có thể được sinh ở một thị trấn biên giới Mexico và được giao cho một mạng lưới tội phạm ở Guatemala. Anh dự định sẽ đệ đơn kiện các tay buôn lậu trẻ em ở Guatemala và cơ quan nhận con nuôi Bỉ.

Một số ý kiến cho rằng những đứa trẻ ở các nước nghèo không cần một gia đình mới chăm sóc mà cần sự hỗ trợ tại chính quốc gia của chúng. Guatemala, chẳng hạn, chỉ bỏ ra chưa tới 3,4% GDP vào chi tiêu công mà giúp đỡ trực tiếp cho trẻ em và thanh thiếu niên, mức thấp nhất trong khu vực Trung Mỹ. “Cho nhận con nuôi là dấu hiệu của một xã hội không thể chăm sóc cho trẻ em của họ”, Laura Briggs, nhà sử học tại Đại học Massachusetts, nhận xét.

Trên toàn cầu, có hàng trăm ngàn trẻ em đang sống tại các tổ chức từ thiện vì không có gia đình chăm sóc cho chúng. Chúng nên được xem là đối tượng được nhận làm con nuôi, nhưng vì nhiều trong số đó có vấn đề về sức khỏe và hầu hết đều trên 5 tuổi và bị tổn hại do sự thiếu quan tâm, nên cũng khó được nhận nuôi. “Hồ sơ của chúng hoàn toàn khác với những gì mà hầu hết các gia đình có thể xử lý được”, David Smolin, thuộc Đại học Samford ở Mỹ, nhận xét.

Còn Peter Hayes, thuộc Đại học Sunderland, thì cho rằng trẻ em trên toàn thế giới “đang héo úa trong các tổ chức từ thiện vì hiệp ước Hague bị hiểu sai và thực thi quá kém”. Việc giám sát quá kỹ khiến cho phải mất nhiều năm một đứa trẻ mới được xác nhận tình trạng hợp pháp để cho làm con nuôi. “Trẻ sợ đến ngày sinh nhật, vì chúng biết rằng khi chúng lớn tuổi hơn, cơ hội được nhận làm con nuôi sẽ càng thấp”, David McCormick, nhân viên xã hội tại Casa Bernabé, một nhà trẻ mồ côi gần Thành phố Guatemala, cho biết. Trước đó, phân nửa trong số 15-20 trẻ được nhận nuôi từ nhà trẻ này mỗi năm (bởi cha mẹ người nước ngoài) đều trên 10 tuổi. “Giờ chúng tôi có trung bình 3 trường hợp nhận nuôi mỗi năm và chúng đều là trẻ sơ sinh”, ông nói.

“Xuat khau” con nuoi: Nganh cong nghiep nhieu tranh cai
Trên toàn cầu, có hàng trăm ngàn trẻ em đang sống tại các tổ chức từ thiện vì không có gia đình chăm sóc cho chúng. Ảnh: slate.com

Trong số những người nhận nuôi tích cực nhất là người Mỹ theo đạo Tin Lành. Vào năm 2009, Liên hiệp Baptist Nam Phương, một mạng lưới gồm khoảng 50.000 nhà thờ và hội truyền giáo, đã yêu cầu tất cả các thành viên phải xem xét chuyện nhận con nuôi. Sang năm tiếp theo, số trường hợp nhận con nuôi thông qua Bethany Christian Services, cơ quan nhận con nuôi lớn nhất của Mỹ, đã tăng tới 26%.

Nhưng mọi chuyện cũng không đơn giản. Shawn và Kathy Morkert, một cặp đôi theo đạo Tin Lành từ bang Missouri, đã bỏ ra 3 năm tìm cách nhận nuôi một bé gái 7 tuổi có nhu cầu đặc biệt từ El Salvador, nơi hàng trăm trường hợp ăn cắp trẻ sơ sinh trong suốt cuộc nội chiến vào thập niên 1980 đã khiến quy trình nhận con nuôi trở nên chậm chạp và nhiêu khê. Rosario de Barillas, Giám đốc Văn phòng nhận con nuôi Quốc gia của El Salvador, cho rằng nguyên nhân nằm ở việc thiếu các nhân viên xã hội và thẩm phán. Còn các luật sư thì nói do quy định quá cứng nhắc về thứ tự đối tượng được nhận con nuôi. Năm ngoái, nước này đã xử lý chỉ 4 trường hợp nhận con nuôi quốc tế và 59 trường hợp trong nước.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là một số nước trong đó có El Salvador đang ra sức cải cách hệ thống nhận con nuôi với việc đưa ra luật mới. Nếu thành công, sẽ có nhiều trẻ cần được chăm sóc tìm được ngôi nhà mới cho mình.

Thế Sơn

Nguồn The Economist