Xuất khẩu châu Á không còn hưởng lợi từ kinh tế Mỹ?
Theo Christy Tan – người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường khu vực châu Á của ngân hàng ANZ, Mỹ đang mua hàng hóa từ các nước láng giềng như Mexico thay vì châu Á như trước kia. Đồng thời, khí đá phiến bùng nổ cũng khiến nhu cầu được đáp ứng ngay trong nước.
Chuyên gia này nhận định thêm rằng lần này đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới thiên về ngành dịch vụ. “Của cải và số việc làm được tạo mới đang được sử dụng để bù đắp nợ nần thay vì sử dụng vào tiêu dùng”, bà nói. “Châu Á đang bị bỏ lại ở phía sau trong khi Mỹ hồi phục, và nếu bạn nói về đà hồi phục được dẫn dắt bởi xuất khẩu, tôi e rằng điều đó không xảy ra ở châu Á”.
Trước đây tăng trưởng xuất khẩu của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn diễn biến cùng chiều với chỉ số theo dõi hoạt động sản xuất của Mỹ do Viện Quản lý nguồn cung tính toán. Năm nay, xuất khẩu từ Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2007 và 2010. Từ tháng 1 đến tháng 5/2015, xuất khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng 11,2%, so với mức 20% của năm 2007 (năm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra).
Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc lập đỉnh trong tháng 2 năm nay, mức tăng 48% so với 1 năm trước đó không phản ánh chính xác thực tế vì kỳ nghỉ Tết Âm lịch.
Giá hàng hóa ở các nước lao dốc cũng ảnh hưởng đến con số thống kê. Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại cũng phản ánh kể từ khủng hoảng tài chính đến nay hoạt động thương mại toàn cầu đã bị suy yếu.
Quý I, kinh tế Mỹ đã suy giảm 0,7% vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, những cuộc đình công ở các bến cảng và đồng USD mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Giới phân tích dự báo tình hình sẽ được cải thiện trong quý II và có vẻ như dự đoán này là chính xác. Tuy nhiên, không giống như trong quá khứ, không thể khẳng định chắc chắn kinh tế Mỹ phục hồi sẽ giúp xuất khẩu của châu Á tăng tốc.
Nguồn Trí thức trẻ