Thứ Hai | 28/04/2014 19:07

Xuất khẩu châu Á đang suy giảm

Xuất khẩu sang phương Tây - động lực phát triển của châu Á trong nhiều năm qua - đang suy yếu, đe dọa đến sự phát triển kinh tế khu vực.
Tổng xuất khẩu từ 4 nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong quý I giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc đặc biệt giảm mạnh nhất với thặng dư tài khoản vãng lai xuống thấp nhất trong 3 năm vào quý I/2014.

Xuất khẩu đã giảm mạnh trong 2 thập kỷ qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính của châu Á vào năm 1997 và sự bùng nổ của bong bóng dot-com năm 2001. Tuy nhiên, xuất khẩu đã nhanh chóng phục hồi với tỷ trọng hai con số sau khi nền kinh tế phục hồi trở lại trong gần 1 năm. Xuất khẩu tăng vọt trong năm 2010 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng sau đó lại tiếp tục giảm và hiện tại, hầu như không có dấu hiệu tích cực nào ngay cả khi kinh tế Mỹ đã hồi phục lại "sức sống".

Xu hướng giảm phản ánh sự thay đổi lớn trong kinh tế toàn cầu. Trở lại những năm 1960, các nền kinh tế châu Á - dẫn đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - từng là nôi sản xuất của thế giới với nguồn lao động rẻ đã thúc đẩy làn sóng xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa thể khẳng định rằng xuất khẩu có thể giúp duy trì sự tăng trưởng của khu vực. Nhìn chung, nhiều quốc gia châu Á đang tăng trưởng chậm lại.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự thay đổi của xuất khẩu. Nổi bật nhất là giả thuyết cho rằng, sự phục hồi của Mỹ trong thời gian này đã có sự khác biệt. Trong 5 năm kể từ khi thoát khỏi suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ trung bình chỉ đạt 1,8%, bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của 3 năm trước đó. Tuy nhiên, động lực phục hồi lại xuất phát từ nguồn vốn đầu tư trong các lĩnh vực - như thăm dò dầu và khí đốt - không dựa nhiều vào nhập khẩu.

Trong khi đó, tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng chỉ dừng lại ở gần 2% trong hơn 2 năm, thấp hơn so với 10 năm trước đó là 3% do người dân Mỹ phải trả nợ. Điều này có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu từ châu Á đã giảm xuống.

Tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ tăng 1% trong năm 2013 xuống thấp hơn so với năm 2004 là 13%.

Một giả thuyết khác là những thành tựu của châu Á - lương tăng, mức sống cao hơn - khiến chi phí sản xuất tăng lên. Điều này đã từng xảy ra với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc khi tăng giá trị của dây chuyền sản xuất. Hiện nay, các công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử của 3 nước này đã thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm thu lợi từ nguồn nhân công rẻ hơn.

Ngay cả Trung Quốc dường như cũng đang mất dần vị thế trong lĩnh vực sản xuất hàng giá rẻ do lương nhân công tăng lên và các nước xuất khẩu quần áo và thiết bị điện tử rẻ hơn đã chuyển sang các nước tốn ít chi phí như Việt Nam và Bangladesh.

Đối với các nước kém phát triển, hoạt động xuất khẩu vẫn có tiềm năng phát triển nếu có đủ nguồn nhân công được đào tạo và có kỹ năng. Tuy nhiên, giới đầu tư ở Việt Nam vẫn than phiền về việc thiếu lực lượng lao động có tay nghề.

IMF và giới chuyên gia kinh tế đã thúc giục các nền kinh tế châu Á thực hiện cải cách toàn diện để kinh tế đạt hiệu quả cao hơn như, tự do hóa các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm và cơ sở hạ tầng, cho phép giới đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nhiều hơn.

Chính phủ Hàn Quốc hướng đến phát triển lĩnh vực dịch vụ trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng lên 4% từ mức 2,8% của năm 2013.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hứa sẽ kết hợp kích thích tiền tệ và tài chính với những thay đổi trong mức thuế, quy định và luật lao động nhằm phục hồi hoạt động đầu tư trong nước của các công ty đang chuyển hướng ra nước ngoài.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tân trang lại nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng kém hiệu quả và các công ty chỉ tập trung xuất khẩu, đưa kinh tế dựa vào nền tảng tiêu dùng. Theo giới phân tích, để làm được điều này, Trung Quốc phải tự do hóa thị trường tài chính để cung cấp cho người tiêu dùng những khoản vốn đầu tư doanh thu cao nhằm thúc đẩy sức mạnh tiêu dùng.

Một vấn đề đặt ra đối với châu Á là cải cách cơ cấu thường ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trước khi mang lại kết quả. Tăng trưởng GDP trong quý I của Trung Quốc giảm xuống 7,4%, tốc độ chậm nhất trong 18 tháng do chính phủ tìm cách hạn chế các khoản vay lớn. Chính phủ nước này đã phải dựa vào xuất khẩu để giúp thúc đẩy kinh tế.

Nguồn Theo DVO/ WSJ


Sự kiện