Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia, và Philippines đang được dẫn dắt bởi thế hệ Gen Z. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Bảy | 19/10/2024 16:14

Xu hướng tiêu dùng đa thế hệ tại châu Á

Châu Á đang chứng kiến sự chuyển dịch thế hệ, với mỗi nhóm tuổi đóng góp quan trọng vào nền kinh tế khu vực.

Trong khi thế hệ Millennials từng là tâm điểm của sự chú ý, thì thế hệ Baby Boomers, hiện đang bước vào giai đoạn nghỉ hưu, cũng có tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng tại Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Tại các nền kinh tế phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu, nhóm người tiêu dùng lớn tuổi chi phối phần lớn xu hướng tiêu dùng. Trong khi đó, Gen Z thống lĩnh tại châu Phi. Đặc biệt, châu Á nổi bật với sự đa dạng về nhân khẩu học, nơi mọi thế hệ đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng và sự chuyển dịch giữa các quốc gia có sự khác biệt rõ rệt.

Châu Á hiện có khoảng 591 triệu người thuộc thế hệ Baby Boomers (60-79 tuổi), với tổng chi tiêu ước tính đạt 3 nghìn tỉ USD trong năm nay. Nhóm này không chỉ sống thọ hơn, mà còn chi tiêu nhiều hơn. Ở Nhật Bản, Baby Boomers là nhóm tiêu dùng chủ đạo, điều hiếm có trong khu vực.

Thế hệ Gen X (44-59 tuổi) và Millennials (28-43 tuổi) là hai nhóm chi tiêu lớn nhất ở châu Á, với mức chi tiêu lần lượt là 4,3 nghìn tỉ USD và 4,5 nghìn tỉ USD. Gen X, với 923 triệu người tiêu dùng, đang định hình nền kinh tế khu vực, nhất là Trung Quốc, quốc gia sẽ vẫn là cường quốc tiêu dùng của châu Á trong nhiều thế hệ nữa. Trong khi đó, Millennials, chiếm tỉ lệ lớn nhất với 1,13 tỉ người, là thế hệ đóng góp kinh tế quan trọng nhất tại châu Á, chẳng hạn như tại những thị trường trẻ và năng động như Malaysia và Việt Nam.

Gen Z, tuy ít tuổi hơn nhưng đầy năng động, cũng có số lượng tương đương với Millennials và dự kiến sẽ còn giàu có hơn khi đạt tuổi trung niên. Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia, và Philippines đang được dẫn dắt bởi thế hệ Gen Z.

Những thay đổi thế hệ này phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á. Ở nhiều quốc gia, Millennials là thế hệ đầu tiên được hưởng lợi từ những khoản đầu tư lớn vào giáo dục và các cơ hội việc làm tốt hơn trong nền kinh tế mới. Tuy nhiên, thế hệ được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất là Gen Z, với điều kiện và cơ hội phát triển từ rất sớm, điều mà các thế hệ trước chưa có.

Khái niệm "giấc mơ Mỹ" giờ đây không còn giới hạn ở phương Tây mà đã lan tỏa mạnh mẽ tại châu Á. Mỗi thế hệ đều ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc so với thế hệ trước. Một Baby Boomer châu Á ở tuổi 50 chỉ có sức mua hàng năm dưới 5.000 USD (theo sức mua tương đương, PPP). Con số này gần như tăng gấp đôi so với Gen X, và dự báo sẽ tăng gấp đôi một lần nữa lên hơn 18.000 USD khi Gen Z đạt 50 tuổi. Khi đó, chi tiêu của họ sẽ vượt qua Mỹ Latinh và đạt mức bằng một nửa so với người châu Âu.

Những quốc gia có sự phát triển tiêu dùng ấn tượng nhất là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Thế hệ ông bà ở Việt Nam sẽ thấy sức mua của cháu mình tăng gấp bảy lần so với khi họ ở độ tuổi tương tự. Đây cũng là những quốc gia sẽ thúc đẩy sự mở rộng của tầng lớp tiêu dùng châu Á.

Theo dự báo của World Data Lab, 80% dân số tiêu dùng tiếp theo sẽ đến từ châu Á. Tuy nhiên, sở thích tiêu dùng sẽ khác nhau giữa các nhóm tuổi và từng quốc gia. Châu Á không chỉ là khu vực tiêu dùng lớn nhất thế giới mà còn đa dạng nhất và cần có những mô hình dữ liệu năng động để hiểu rõ những khác biệt tinh tế của từng thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các xu hướng dài hạn thay vì chỉ dựa vào những thông tin ngắn hạn. Chỉ khi đó, họ mới nhận thấy rằng "giấc mơ châu Á" vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm:

Phương Tây siết thuế quan chặn hàng giá rẻ Shein và Temu

Nguồn Nikkei Asia