Thứ Ba | 20/11/2012 09:26

Xu hướng tạm thời của Trung Quốc trong việc điều hành tỉ giá

Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì nhân dân tệ thấp tối ưu so với USD, đồng thời không can thiệp thị trường tiền tệ để tránh lạm phát.
Từ trung tuần tháng 10, nhân dân tệ bắt đầu xu hướng tăng và đã lên mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách khu vực tiền tệ năm 1994. Tuy nhiên, không như trước đây, mỗi khi nhân dân tệ tăng giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thường can thiệp bằng cách mua lại USD từ các ngân hàng thương mại, song lần này ngân hàng trung ương Trung Quốc lại không có bất cứ động thái nào.

Sự im lặng của PBOC có thể được giải thích một phần là do Trung Quốc đang muốn ổn định thị trường trong nước trong dịp Đại hội Đảng và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do PBOC còn tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế Mỹ sau bầu cử, mà mối quan tâm lớn nhất vẫn tập trung vào giá trị của USD.

Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung ra gói định lượng QE3 để kích thích tăng trưởng, kinh tế Mỹ vẫn cải thiện chậm và có khả năng chỉ tăng 2% vào năm 2013.

Sau khi đương kim Tổng thống Obama tái đắc cử và tiếp tục điều hành nước Mỹ thêm 4 năm nữa, chính sách kinh tế của Mỹ trong thời gian tới đã tương đối rõ ràng với trọng tâm là chỉ đánh thuế đối với các nguồn thu nhập cao, đồng thời tiếp tục tăng chi tiêu để đảm bảo các mục tiêu quốc gia, ổn định tình hình xã hội và giảm dần tỉ lệ thất nghiệp xuống mức ổn định dài hạn. Vì thế, có nhiều khả năng USD sẽ tiếp tục mất giá.

Trong bối cảnh đó, nếu PBOC không can thiệp mua lại USD để hạ giá nhân dân tệ thì kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ gặp rủi ro khi xuất khẩu giảm sút do nhu cầu trên thị trường thế giới giảm mạnh và đà tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đang giảm dần, chấm dứt 3 thập kỷ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, do kinh tế Mỹ đang phục hồi và lãi suất thấp tại Mỹ cũng như tại các nước công nghiệp phát triển, dòng vốn quốc tế có xu hướng chuyển sang các nền kinh tế mới nổi và đang chuyển đổi với lãi suất cao hơn, trong đó có Trung Quốc, nên một mặt PBOC vẫn phải duy trì nhân dân tệ ở mức thấp tối ưu so với USD để khuyến khích một lượng vốn vào nhất định. Mặt khác, PBOC cũng thận trọng và không can thiệp mạnh như trước đây nhằm hạn chế rủi ro lạm phát, mà có thể sẽ đưa ra một số rào cản nhằm hạn chế dòng vốn đầu cơ vào nhân dân tệ để chờ dịp thu lại USD và các loại ngoại tệ mạnh khác.

Do Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ thị trường vốn, nên các nhà đầu tư quốc tế thường phải cân nhắc kỹ khi đổ tiền vào quốc gia này. Việc duy trì kiểm soát các dòng vốn quốc tế tuy làm chậm quá trình chuyển đổi của nhân dân tệ, nhưng cũng tránh bất ổn kinh tế nếu dòng vốn ra tăng đột ngột.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mức tăng trưởng 8% là ngưỡng quan trọng để duy trì ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước, đây là mục tiêu khó khăn do GDP của Trung Quốc trong những năm tới có nhiều khả năng chỉ tăng 6-8%/năm.

Do kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước tăng quá chậm, nên xuất khẩu và dòng vốn vào tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của Trung Quốc, và các doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn tiếp tục hướng vào thị trường Mỹ.

Việc Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ tuy chỉ mang lại lợi nhuận ít ỏi, nhưng lại là việc làm cần thiết để duy trì nhân dân tệ ở mức tương đối thấp so với USD, qua đó hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Để giảm nhẹ mức độ thiệt hại do nắm giữ USD, Trung Quốc đã chủ động tăng cường vị thế của nhân dân tệ tại các thị trường khác, nhất là trong giao dịch thanh toán giữa các nền kinh tế mới nổi mà Trung Quốc là thành viên chủ chốt với tầm ảnh hưởng đang tăng lên nhanh chóng.

Tựu chung, nhân dân tệ sẽ sớm giảm giá trở lại, đồng thời Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống tài chính nhằm hạn chế dần những nhược điểm cố hữu trong nền kinh tế.

Nguồn SBV


Sự kiện