Cùng với sự phổ biến của học trực tuyến, có một luồng ý kiến cho rằng giáo dục truyền thống đang kém linh hoạt và nên được hiện đại hoá như thị trường việc làm. Ảnh: Getty Images.
Xu hướng học tại nhà bùng nổ ở Phương Tây có gì đặc biệt?
"Môi trường ồn ào và mùi đặc trưng của toà nhà đã khiến con bé choáng ngợp và lo lắng", bà Sophie, mẹ của Anna, một học sinh cấp hai mắc chứng tự kỷ, cho biết. Mặc dù lớp học có sĩ số nhỏ và sự hỗ trợ từ trợ giảng, Anna vẫn gặp khó khăn trong việc tham gia các bài học tại trường. Số lần đến lớp thưa dần cho đến một ngày Anna suy sụp hoàn toàn và mẹ cô quyết định "đã quá đủ rồi".
Vì vậy, vào tháng 9 năm ngoái, Anna đã bắt đầu học lớp 9 tại Minerva's Virtual Academy, một trường học trực tuyến độc lập có trụ sở tại Vương quốc Anh, có học sinh từ khắp nơi trên thế giới và học phí là 8.410 bảng Anh một năm. Thoải mái học tập tại nhà và không phải mặc đồng phục, Anna bắt đầu phát triển tốt hơn. Hiện tại, tỉ lệ tham gia lớp học của cô bé là 100% và thành tích tốt.
Trải nghiệm của Anna phản ánh tình trạng ngày càng nhiều trẻ em trên toàn thế giới rời bỏ nền giáo dục chính quy để học ở nhà.
Theo một số chuyên gia giáo dục, một phần nguyên nhân thúc đẩy sự thay đổi này là do các trường học truyền thống, dù là trường do nhà nước tài trợ hay trường tư, không có khả năng hỗ trợ trẻ em đang có vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là sau đại dịch, hoặc những trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật (SEND).
Cùng với sự phổ biến của học trực tuyến, có một luồng ý kiến cho rằng giáo dục truyền thống đang kém linh hoạt và nên được hiện đại hoá như thị trường việc làm.
Tuy nhiên một số chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng việc học tại nhà, dù là cha mẹ hướng dẫn hay thông qua học trực tuyến, đều đi kèm với rủi ro nhất định, từ chất lượng bài học đến lo ngại về an toàn và bất bình đẳng. Xu hướng này đã thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế như UNESCO.
Tại Anh, số lượng trẻ em học tại nhà đã tăng vọt từ 80.900 vào năm 2022 lên 92.000 một năm sau đó, theo Bộ Giáo dục. Số lượng trẻ em không nhận phổ cập giáo dục đã tăng từ 94.900 trường hợp vào năm học 2021-20 lên 117.100 người vào năm 2022-23, đây là những trường hợp không có tên trong sổ đăng ký trường học hoặc chương trình giáo dục tại nhà vẫn chưa phù hợp.
Một báo cáo gần đây của The Difference, một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em, và Viện nghiên cứu chính sách công đã xác định rằng ngày càng có nhiều trẻ em rời bỏ môi trường giáo dục chính thống do sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Nỗi lo về việc trẻ em bị bỏ rơi đã thúc đẩy dự luật phúc lợi trẻ em của chính phủ Anh, theo đó sẽ có một hồ sơ để chính quyền địa phương theo dõi những trẻ em không đến trường và hỗ trợ những trường hợp được giáo dục tại nhà.
Tình hình ở Mỹ thì khác, nơi mà, việc học tại nhà là do sự lựa chọn của phụ huynh và quan điểm tôn giáo. Nhưng dữ liệu gần đây từ Viện Khoa học Giáo dục cho thấy cũng có sự gia tăng về số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học ở Mỹ được cho học tại nhà, từ 3,7% trong năm 2018-19 lên 5,2% trong năm 2022-23.
Niềm tin phân cực, nghi ngờ về đạo đức của trường công (chẳng hạn như khuyến khích đa dạng giới) đã khiến một bộ phận phụ huynh quyết định cho con học tại nhà. Cộng thêm nỗi sợ hãi về sự an toàn, đặc biệt là sau các vụ xả súng tại trường học ở Mỹ. Tại quốc gia này, "môi trường" là lý do khiến các bậc phụ huynh mất hứng thú khi nhắc đến trường học chính thống.
Chính quyền tiểu bang và liên bang Mỹ cũng cung cấp kinh phí cho phép cha mẹ linh hoạt hơn trong cách giáo dục con cái. Điều này cũng tương tự như việc chuyển từ trường công sang các giải pháp thay thế mới, bao gồm các cơ sở giảng dạy nhỏ, được cá nhân hóa và trường cộng đồng.
Trường Minerva có trụ sở tại Anh hiện có khoảng 1.000 học sinh và doanh thu của trường đã tăng từ 500.000 bảng Anh trong năm 2022 lên 4 triệu bảng Anh vào năm 2024. Ông Hugh Viney, Giám đốc Điều hành của Minerva, cho biết các doanh nghiệp như của ông là “liều thuốc giải cho ngành giáo dục lỗi thời, áp dụng cho mọi đối tượng mà… tôi đã thấy rất nhiều trẻ em phải chật vật”.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là "sản phẩm phụ" của những cuộc đấu tranh để đối phó với cuộc khủng hoảng sâu sắc về sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi. Trên hết, hệ thống nhu cầu giáo dục đặc biệt "không hiệu quả với phần lớn trẻ em", bà Ellie Harris, người đứng đầu các chiến dịch tại The Difference cho biết. Một số "phụ huynh không tin rằng trường trung học có thể đáp ứng được nhu cầu của con em họ".
Đại dịch cũng là một bước ngoặt vì lệnh phong tỏa cho phép cha mẹ có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì và cách con cái họ học. Trong khi hầu hết cha mẹ đều biết ơn vì trường học mở cửa trở lại, những người khác lại thất vọng với những gì họ cảm thấy là một hệ thống cứng nhắc quá tập trung vào thành tích.
Các nhà giáo dục trực tuyến tư nhân cho biết họ đang vào cuộc để đáp ứng nhu cầu của những bậc phụ huynh và học sinh không hài lòng đó. Ông Anthony Salcito, Giám đốc Kinh doanh của Nerdy, một công ty niêm yết tại Mỹ cung cấp dịch vụ gia sư trực tuyến, cho biết, học tại nhà có thể tạo ra "một con đường học tập cá nhân hơn nhiều".
Bên cạnh công nghệ tiên tiến có thể cá nhân hóa chương trình giảng dạy và hỗ trợ cả học sinh lẫn giáo viên, tại Mỹ, các phiếu giảm giá do một số tiểu bang và nguồn tài trợ liên bang thông qua Đạo luật Mọi học sinh đều thành công (ESSA) càng kích thích nhu cầu, cho phép phụ huynh kiểm soát và ảnh hưởng nhiều hơn đến việc con em mình học ở đâu.
Có thể bạn quan tâm:
Thương hiệu xa xỉ chật vật tại Trung Quốc
Nguồn FT