Xu hướng đầu tư 2016: Kim loại thất sủng, công nghệ lên ngôi
Đã có 3 làn sóng đầu tư lớn của doanh nghiệp trong 2 thập niên qua. Đầu tiên là thời kỳ bùng nổ dotcom 1997-2001 khi dòng tiền ồ ạt đổ vào việc xây dựng các mạng lưới điện thoại di động. Sau đó là cơn sốt đầu tư trên thị trường mới nổi giai đoạn 2003-2010, khi các doanh nghiệp phương Tây đã rót khoảng 2.000 tỉ USD vào các nhà máy và các cơ sở sản xuất khác tại những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. Giai đoạn 2005-2013 là cơn khát đối với hàng hóa, một phần thúc đẩy bởi nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc. Các công ty năng lượng và kim loại trên thế giới đã bỏ ra 6.000 tỉ USD khai thác tài nguyên ở những vùng xa xôi của Úc và khoan dầu tại bang North Dakota (Mỹ) và tìm sâu dưới biển của Brazil.
Cơn bùng nổ dotcom đã xì hơi, các thị trường mới nổi giờ đang trong tình cảnh chông chênh, còn giá cả hàng hóa đã giảm mạnh trong năm qua. Vậy giờ các công ty sẽ đầu tư vào đâu? Một nghiên cứu mới của Hugo Scott-Gall, nhà nghiên cứu tại Goldman Sachs, đã phân tích số liệu về chi phí đầu tư cơ bản tại hơn 2.500 doanh nghiệp trên khắp thế giới và phát hiện một sự phân hóa đáng ngạc nhiên giữa các ngành.
Theo đó, các công ty năng lượng, khai thác mỏ và hóa chất dự kiến sẽ giảm mạnh ngân sách dành cho đầu tư cơ bản tới 20-50%. Các công ty bất động sản cũng đang cắt giảm, một phần phản ánh cơn sốt xây dựng tại Trung Quốc đã chấm dứt. Điều đó có tác động rất lớn đến các công ty trong ngành tư liệu sản xuất, chuyên cung cấp trang thiết bị, máy móc cho các ngành nói trên. Chẳng hạn, Caterpillar, chuyên sản xuất máy đào được sử dụng bởi các công ty khai thác mỏ và xây dựng, dự kiến đầu tư cơ bản trong năm 2016 sẽ giảm phân nửa mức của năm 2012.
Ngược lại, các doanh nghiệp internet, phần mềm và các công ty công nghệ khác lại tăng cường chi tiêu, với ngân sách dự kiến sẽ phình to thêm ít nhất 25%. Trong khi một số công ty công nghệ thuê năng lực xử lý và lưu trữ dữ liệu trên đám mây thì một số công ty khác, trong đó có cả các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, lại đẩy mạnh đầu tư vào phần cứng. Trong năm 2016, tổng chi phí đầu tư cơ bản của cả Google và Apple được dự kiến là 24 tỉ USD, gần bằng ngân sách 28 tỉ USD của Tập đoàn Exxon.
Tăng/giảm đầu tư cơ bản của thế giới |
Nhìn bức tranh tổng thể, chi tiêu cơ bản của doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ giảm 15% vào năm 2017 (tính bằng USD). Nếu tính đến việc đồng bạc xanh tăng mạnh kể từ năm 2014, mức giảm sẽ chỉ khoảng 5%. Con số này đã loại trừ chi tiêu vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Đáng chú ý là chi tiêu vào R&D đang tăng rất nhanh. Tại Mỹ, chẳng hạn, đầu tư vào xây dựng nhà máy suy giảm nhưng bù lại là chi tiêu vào phần mềm và R&D tăng mạnh.
Trong số các ngành mà Goldman nghiên cứu, 22 ngành được dự báo sẽ giảm ngân sách (tính bằng USD) và 12 ngành dự kiến sẽ tăng chi tiêu. Tốp 22 công ty chi tiêu nhiều nhất vào R&D gồm các công ty như Samsung, Roche, Novartis và Microsoft chiếm tới 25% chi tiêu R&D toàn cầu của các doanh nghiệp niêm yết, theo Bloomberg. Với bức tranh này, có vẻ như giới doanh nghiệp đang đi vào giai đoạn đình đốn, khi chỉ có vài điểm nóng về đầu tư và tăng trưởng.
Vì thế, các nhà đầu tư có thể hy vọng rằng một nhóm các công ty mà xem công nghệ là xương sống và có đầu tư mạnh sẽ chinh phục các thị trường mới và gia tăng lợi nhuận nhanh hơn các công ty còn lại. Những người ủng hộ ở Thung lũng Silicon rất háo hức mỗi khi các doanh nghiệp công nghệ “tiết lộ” một lĩnh vực bành trướng mới nào đó, như đồng hồ thông minh, xe tự lái, máy bay không người lái phục vụ việc giao hàng...
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy bất cứ lúc nào có một quan điểm gần như thống nhất về việc đầu tư vào cái gì thì thảm họa lại xảy ra khi các doanh nghiệp trong những ngành đó không còn giữ vững được nguyên tắc chi tiêu. Một ví dụ là cổ phiếu của các doanh nghiệp phương Tây có hoạt động liên quan đến ngành năng lượng và đến các thị trường mới nổi đã tụt sau chỉ số S&P 500 tới hơn 50% trong 2 năm qua.
Trong năm 2016, bức tranh sẽ rõ ràng hơn về việc liệu dòng vốn đổ mạnh vào các ngành dựa vào công nghệ sẽ phản ánh một thay đổi lớn trong cách mà nền kinh tế hoạt động, hay nó chỉ là triệu chứng của một môi trường đình đốn, nơi mà các cơ hội bị thổi phồng quá mức.
Đàm Hoa
Nguồn The Economist