Xóa nợ cho Hy Lạp có thể gây ra "hiệu ứng domino"
Do đó, theo bà Merkel, Hy Lạp cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu theo đúng như kế hoạch đã đề ra để "tiếp sức" cho Eurozone, khu vực vừa thoát khỏi đợt suy thoái kéo dài 18 tháng.
Cảnh báo đưa ra trong bối cảnh chỉ còn gần 1 tháng nữa tại Đức sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử và Thủ tướng Merkel đang kỳ vọng sẽ tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Tuy nhiên, vấn đề nợ công Hy Lạp có thể gây bất lợi cho bà Merkel vì cử tri Đức cảm thấy họ đã đóng góp quá nhiều đối với gói cứu trợ của châu Âu dành cho Athens, vì vậy giới phân tích nhận định bất cứ quyết định nào về gói cứu trợ mới nào dành cho Hy Lap sẽ không được đưa ra trước năm 2014.
Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ quốc tế. Gói cứu trợ quốc tế đầu tiên dành cho nước này được thiết kế vào năm 2010 song đã thất bại. Ngay sau đó, các chủ nợ quốc tế đã thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro cùng với việc xóa nợ khu vực tư nhân lên tới hơn 100 tỷ euro, đổi lại Athens phải thực hiện các chính sách tài chính khắc khổ như cắt giảm lương hưu, sa thải nhiều việc làm trong khu vực nhà nước...
Mặc dù đã nhận được hàng chục tỷ USD tiền cứu trợ, Hy Lạp vẫn chìm sâu trong cuộc suy thoái kéo dài suốt 6 năm qua. Theo thống kê của EU, tính đến hết quý I/2013, nợ công của Hy Lạp đã lên tới 160,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, tăng so với mức 156,9% của quý trước và 136,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn TTXVN