WTO lún sâu trong bế tắc
Sau ba ngày họp, hội nghị cấp bộ trưởng của 164 thành viên họp tại Buenos Aires (Argentina) bế mạc ngày 13/12/2017. Các bên không đạt được một thỏa thuận nào về thương mại toàn cầu.
Mục tiêu được đa số các thành viên WTO đề ra cho hội nghị ở Buenos Aires lần này là nhằm duy trì một chính sách mậu dịch cởi mở trong khuôn khổ luật lệ nghiêm túc. Mục tiêu này được đặt ra trong bối cảnh các nước như Mỹ, Ấ Độ gia tăng chính sách bảo hộ mậu dịch. Thế nhưng, liên quan đến một số chủ đề, các bên đã có một bước thụt lùi. Chẳng hạn trên vấn đề tích trữ lương thực giúp các nước nghèo, trên vế thương mại qua ngả internet, hay đánh bắt cá trái phép, trên cả ba vế này, WTO đã không đạt được đồng thuận.
Trưởng đoàn đàm phán của Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyne, Quốc vụ khanh đặc trách về Châu Âu, xem hội nghị lần này là một bước ngoặt. Ông tuyên bố : "Buenos Aires phải đánh thức công luận. Chúng ta không hài lòng về kết quả của cuộc họp, vậy thì cần đề xuất những giải pháp để WTO vận hành tốt".
Nhiều quốc gia thành viên WTO đang đối mặt với nguy cơ phải rời bỏ Thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên với tên gọi Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA).TFA dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.
Thương mại toàn cầu |
Báo cáo nghiên cứu của Công ty Luật Gowling WLG của Anh công bố hồi giữa tháng 11 cho thấy, thách thức lớn nhất của thương mại thế giới trong năm 2017 là làn sóng bảo hộ thương mại, trong đó thể hiện rõ ở việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu; Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Thống kê của WTO cho thấy, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thêm hơn 7.000 biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó Mỹ và EU đưa ra nhiều biện pháp nhất, tiếp đó là Ấn Độ, Argentina, Nga và Nhật Bản. Xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Song song với hội nghị của WTO, đàm phán giữa Liên hiệp Châu Âu và khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur đã đạt nhiều tiến bộ. Trên nguyên tắc, thỏa thuận tự do mậu dịch chung giữa hai khối này sẽ được ký kết trước tháng 3/2018.