Thứ Tư | 23/05/2012 14:05

World Bank: Trung Quốc cần hành động để tránh "hạ cánh cứng"

Trung Quốc sẽ phải duy trì nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình bằng cách khuyến khích tiêu dùng trong nước, World Bank khuyến cáo.
Để đối phó với tình trạng tăng trưởng giảm, Bắc Kinh đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và các nhà kinh tế dự đoán rằng các biện pháp khác cũng sẽ sớm được chính phủ ban hành.

World Bank cho biết thách thức trong chính sách ngắn hạn của Trung Quốc là duy trì tăng trưởng thông qua cuộc "hạ cánh mềm". Do đó, Trung Quốc nên thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng, nhưng nên tránh tiêu dùng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đã thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2008. Các biện pháp tài chính nhằm khuyến khích tiêu dùng như cắt giảm thuế, phúc lợi xã hội và các chi phí xã hội khác nên được xem là ưu tiên hàng đầu.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, buộc các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh phải đối mặt với thách thức để ngăn chặn sự suy giảm đột ngột của kinh tế, ngân hàng thế giới hôm nay (23/5) cho biết trong báo cáo đánh giá nửa năm các nền kinh tế phát triển của châu Á.

Nhu cầu tiêu dùng giảm (ở các nước có thu nhập cao) đã nhanh chóng ảnh hưởng đến mạng lưới sản xuất và thương mại Đông Á, mà trung tâm là Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng tăng trưởng giảm này còn bắt nguồn từ việc thay đổi chính sách đang diễn ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc, mặc dù việc điều chỉnh này vẫn đang diễn ra dần dần và có trật tư.

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại ngày càng tăng sau khi dữ liệu kinh tế không mấy khả quan của tháng 4 được công bố vào tuần trước. Cả tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư tài sản cố định và hoạt động cho vay của ngân hàng trong tháng 4 đều giảm.

World Bank dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ tăng trưởng 8,2% vào năm 2012, giảm so với 9,2% năm 2011 và 10,4% năm 2010. Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2012, chủ yếu nhằm giữ tỷ lệ thất nghiệp trong vòng kiểm soát và tránh bất ổn xã hội.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc sẽ kéo tăng trưởng kinh tế các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm từ 8,2% trong năm 2011 xuống 7,6% trong năm 2012, ngân hàng thế giới cho biết.

Hiện tại, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thặng dư tài khoản, dự trữ quốc tế vẫn duy trì ở mức cao và hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn hoạt động tốt.

Tuy nhiên, khủng hoảng nợ công ở châu Âu cùng với tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể sẽ khiến xuất khẩu hàng hóa của các nước trong khu vực (vốn tăng trưởng mạnh mẽ trong 4, 5 năm qua)  phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Điều này nhắc nhở các quốc gia nên thực hiện chính sách tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng trong nước thay vì dựa vào xuất khẩu.

Nguồn AFP/DVT


Sự kiện