World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Các quốc gia đang phát triển dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2014 so với ước tính trước đó là 5,3%.
Các nước có thu nhập cao được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2014 sau đó tăng lên 2,4% năm 2015 và 2,5% năm 2016.
Cụ thể, WB hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 2,1% so với ước tính trước đó là 2,8%. Nhật Bản dự kiến suy giảm 1,3% so với 1,4% ước tính trước đó.
Riêng khu vực đồng euro dự báo sẽ vẫn tăng trưởng 1,1% trong năm nay.
Đồng thời, ngân hàng cũng hạ thấp triển vọng của một loạt các nền kinh tế khác như, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong đó, Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng 7,6% nhưng phụ thuộc vào nỗ lực cân bằng kinh tế của chính phủ.
WB hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2014 của Nga xuống 0,5% so với mức dự báo hồi tháng 1 là 2,2% và Ukraine sẽ suy giảm 5% do bất ổn địa chính trị.
Kinh tế Brazil và Ấn Độ tăng trưởng lần lượt 1,5% và 5,5% thấp hơn so với dự báo trước lần lượt là 2,4% và 6,2%.
Tuy nhiên, WB cho biết, việc hạ dự báo tăng trưởng này có thể chỉ là tạm thời. Ngân hàng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2015 ở 3,4%.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB nhận định, kinh tế toàn cầu đã có bước khởi đầu năm đầy biến động do sự suy yếu của kinh tế Mỹ trong thời kỳ mùa đông khắc nghiệt, những bất ổn trên thị trường tài chính và mâu thuẫn leo thang tại Ukraine. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại trong thời gian tới.
Tại các nền kinh tế phát triển, nhu cầu nội địa đang dần cải thiện nhờ áp lực tài chính được giảm bớt và thị trường lao động phục hồi. Đây chính là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nước đang phát triển suy yếu.
Bên cạnh việc hạ dự báo tăng trưởng, WB cũng thúc giục các thị trường mới nổi củng cố nền kinh tế trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Trong báo cáo, WB cảnh báo rằng, những bất ổn tiếp theo của thị trường tài chính có thể khiến các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề. Ngân hàng đề nghị khối thị trường này cần phải hành động nhằm giảm thiểu thâm hụt ngân sách, tăng lãi suất và áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy năng suất của nền kinh tế.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg