World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2015, hối thúc Fed hoãn nâng lãi suất sang 2016
Kinh tế trưởng World Bank Kaushik Basu cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên hoãn nâng lãi suất cho đến năm tới nhằm tránh làm xấu hơn tình trạng biến động tỷ giá cũng như tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) công bố định kỳ 2 lần/năm, World Bank dự đoán kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 2,8%, thấp hơn so với 3% dự báo hồi tháng 1 vừa qua.
Theo World Bank, giá hàng hóa giảm, đặc biệt là giá dầu giảm 40% kể từ năm ngoái, đã tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn dự đoán. World Bank cũng cảnh báo các nước cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc Fed nâng lãi suất - sẽ làm tăng chi phí đi vay của các nền kinh tế đang phát triển.
Trong cuộc họp báo tại Washington, ông Basu cho biết, World Bank đã đưa ra cảnh báo thắt lưng buộc bụng và khuyến nghị các nước, nhất là các nền kinh tế mới nổi, tiến hành các biện pháp khắc khổ.
Cũng theo ông Basu, giá hàng hóa toàn cầu giảm rốt cuộc sẽ giúp tăng trưởng kinh tế thế giới và ngân hàng trụ sở tại Washington này giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 và 2017 lần lượt ở 3.3% và 3.2%.
World Bank dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, tăng so với 6,4% trong năm 2014. Tuy nhiên, Ngân hàng này lại hạ dự báo tăng trưởng 2015 của các nền kinh tế đang phát triển xuống 4,4% từ 4,8% dự báo hồi tháng 1, chủ yếu do dự đoán suy thoái tại Brazil và Nga.
World Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay xuống 2,7% từ 3,2% dự báo trong tháng 1 và 2,8% trong năm 2016 từ 3% dự báo trước đó. Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm trong quý I/2015 chủ yếu do thời tiết mùa đông khắc nghiệt, USD mạnh lên và ngành năng lượng cắt giảm đầu tư và chi tiêu.
Các nền kinh tế mới nổi đang phải vật lộn với tỷ giá ngày càng yếu, xuất phát từ đà tăng mạnh của đồng USD và đồn đoán Fed sớm nâng lãi suất. Theo báo cáo, đà giảm giá tiền tệ diễn ra mạnh nhất tại các quốc gia đang phát triển với triển vọng tăng trưởng ngày càng sa sút – nhất là các nước xuất khẩu hàng hóa – và đối mặt với càng nhiều khó khăn từ bên ngoài.
World Bank lưu ý khi quá trình nâng lãi suất của Fed bắt đầu, thách thức chắc chắn sẽ tăng cao, vì thế nên thận trọng với chi phí vay mượn cao hơn tại các thị trường mới nổi cũng như biến động trên các thị trường tài chính.
Theo tính toán của ngân hàng này, nếu lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng vọt 1% khi Fed nâng lãi suất, tương tự như trong giai đoạn Fed thu hồi các gói QE, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi có thể sụt giảm từ 18-40%.
Dù nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng ảm đạm nhưng tăng trưởng có thể cải thiện nhẹ trong năm 2016-2017 khi đà phục hồi của các nền kinh tế phát triển tăng tốc. Theo World Bank, các nước có thu nhập cao sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 2% trong năm nay, 2.4% trong năm tới và 2.2% trong năm 2017, cao hơn so mức 1.8% trong năm ngoái.
Hữu Thanh
Nguồn Reuters/CNBC